Chung tay xoa dịu nỗi đau
eo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Riêng tỉnh ta, số người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là trên 40.000 người, đến nay mới chỉ có 18.000 người được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Thứ chất độc này đã huỷ hoại thân thể của những người trực tiếp nhiễm phải và di truyền, gây dị tật, đau đớn triền miên cả thể xác và tinh thần cho thế hệ con, cháu của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, gây nên những thảm cảnh đáng thương cho biết bao gia đình.
(Baonghean) Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Riêng tỉnh ta, số người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là trên 40.000 người, đến nay mới chỉ có 18.000 người được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Thứ chất độc này đã huỷ hoại thân thể của những người trực tiếp nhiễm phải và di truyền, gây dị tật, đau đớn triền miên cả thể xác và tinh thần cho thế hệ con, cháu của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, gây nên những thảm cảnh đáng thương cho biết bao gia đình.
Cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đi tặng quà hỗ trợ các nạn nhân vào dịp kỷ niệm Ngày "Vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8”, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh éo le, như gia đình anh Nguyễn Văn Quang (xóm Đông Tiến - Vân Diên - Nam Đàn). Anh Quang giờ lâm bệnh hiểm nghèo nằm một chỗ, phải chuyền thuốc hàng ngày để cầm cự với sự sống. Con anh, một đứa bị bệnh đã mất khi mới 3 tuổi, một đứa nay đã 17 tuổi mà vẫn như đứa trẻ trong vòng tay của mẹ, mọi sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Tuất người dân tộc Thổ ở Giai Xuân, Tân Kỳ. Chồng chị là một thương binh bị nhiễm chất độc da cam đã mất, để lại cho chị 2 đứa con tật nguyền… Nhìn những hình hài không lành lặn không ai có thể cầm lòng. Nếu không bị nhiễm thứ chất độc quái ác, những đứa trẻ này đã trở thành những chàng trai, cô gái khoẻ mạnh, được đến trường như bao bạn bè khác và cùng giúp đỡ mẹ cha. Nhưng giờ đây họ chỉ biết cất lên vài tiếng u ơ mỗi khi lên cơn đau...
Ông Đinh Xuân Tứ-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh trao quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm Đông Tiến (Vân Diên-Nam Đàn) có chồng và con đều là nạn nhân chất độc da cam.
Ông Đinh Xuân Tứ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết: “Có rất nhiều trường hợp thương tâm lắm anh ạ, nhiều gia đình chỉ mong sinh được một đứa con lành lặn, nhưng ước mơ của họ đều không thành hiện thực. Những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị dị tật, đứa thì không có tay, chân, đứa thì hình hài biến dạng… Có những gia đình, không phải một mà có đến hai, ba người con cùng bị tật nguyền. Những nạn nhân chất độc da cam không những không thể lao động được mà phần lớn họ rất cần đến sự chăm sóc, giúp đỡ trong việc sinh hoạt cá nhân, mất tiền thuốc thang chạy chữa hàng ngày. Do đó, những gia đình có nạn nhân chất độc da cam thường là những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn”.
Để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh và Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đều tổ chức các đợt quyên góp ủng hộ Quỹ hỗ trợ nạn nhân bị chất độc da cam. Tính từ năm 2006 (năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh) đến nay, Quỹ đã vận động được gần 3 tỷ đồng. Số tiền này đã được trích để hỗ trợ xây dựng 215 căn nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất cho 141 hộ và tặng hàng trăm suất học bổng, hỗ trợ tiền viện phí cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khi đi viện, tặng quà vào dịp lễ, tết… Tuy đây là những con số ít ỏi so với số lượng nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng phần nào góp phần xoa dịu bớt nỗi đau da cam cho những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Vương Đình Tiếu - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Tân Kỳ cho biết. Tuy là một huyện miền núi, nhưng hiện nay 22/22 xã ở Tân Kỳ đã thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, công tác vận động ủng hộ Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam đều được Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với Hội phát động rộng rãi trong toàn dân. Mặc dù là một trong những huyện luôn dẫn đầu về số tiền ủng hộ, nhưng khi triển khai vận động vẫn còn có những khó khăn nhất định.
Thiết nghĩ, với những nỗi đau, sự thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam, mỗi người chúng ta hãy bằng những lời nói, việc làm cụ thể để cùng chung tay khắc phục nỗi đau da cam. Bởi các nạn nhân chất độc da cam rất cần sự cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng. Các cấp uỷ, chính quyền cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân để bù đắp phần nào những mất mát thiệt thòi mà họ đã và đang mang trên mình.
Đức Chuyên