Chung vui, chung chi

25/01/2014 22:07

(Baonghean) - Tôi tình cờ chứng kiến bữa liên hoan nhân kết thúc đợt thực tập của mấy sinh viên trong một quán bình dân. Bữa ăn chỉ có vài món dân dã như hến xào, vả trộn cùng vài chai bia và mấy ly trà đá. Tương phản với đồ ăn thức uống khá “hẻo” trên bàn là chuyện vui của đám trẻ kéo dài. Họ nói cười sôi nổi nhưng có ý kìm chế để không ảnh hưởng người xung quanh.

Kết thúc bữa chung vui, họ chuyển sang phần chung chi, trước khi rời quán. Một bạn gái trong đám tự nhận làm “thủ quỹ”, nhanh tay đón lấy phiếu tính tiền do chủ quán đem ra; cô nhìn nhìn một hồi rồi thông báo: “Mỗi bạn ba mươi tư ngàn.” Các chàng trai, cô gái vui vẻ mở túi lấy tiền, góp vô. “Thủ quỹ” nhẩm tính rồi thối tiền cho từng người, chi li; có người đưa ba lăm ngàn đồng, cô đảo qua đảo lại mớ tiền trên tay, giọng áy náy: “Mình hết tiền lẻ, bạn có thể hy sinh một ngàn?” Người kia phẩy tay: “Chuyện nhỏ!”. Cả đám hùa vào: “Có lộc rồi!”, kèm theo là những tiếng cười vui. Trong khi đang tính tiền thì một bạn nữ kêu thêm chai nước ngọt, người ngồi cạnh cũng đưa li ra. Thế là chai nước ngọt san đôi và số tiền sáu ngàn đồng sau đó cũng được “cưa” đôi.

Tôi không nghĩ đó là sự nhỏ mọn; ngược lại, thích tính hồn nhiên, nhất là sự rõ ràng trong tiền bạc của đám trẻ ấy. Phải chân thành với nhau lắm thì họ mới có được sự đối xử thật và tự nhiên như thế. Không khách sáo, không sĩ diện hão như thế, đâu phải ai cũng làm được. Đã vậy, tình thân giữa họ hẳn càng bền chặt bởi được đặt trên sự chân thành. Được biết, lối ứng xử tương tự đang ngày càng được nhiều người hưởng ứng; những bữa chung vui, chung chi đang trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít cuộc vui theo kiểu “có qua có lại”, nghĩa là xoay vòng thay đổi chủ chi. Lối ứng xử này có khi do những người trong cuộc cảm thấy ngượng khi phải “trần trụi” sự “ăn-chia” trong các cuộc vui. Tính sĩ diện khiến lắm người ngại sòng phẳng tiền bạc chỗ đám đông nên đành đối xử với nhau khách sáo. Thế là người được mời hôm nay ngầm lo tìm cách “đáp lại” vào ngày sau; nếu chưa mời lại được thì áy náy bởi “người ta mời mình hai ba bữa, chả lẽ mình không mời được một.” Nếu vì lý do nào đó mà không “đáp lại” được thì dễ bị trách “không biết điều”. Vậy là cuộc vui nhưng có khi để lại điều tiếng không vui chỉ vì sự thiếu chân thành trong xử lý khoản “đầu tiên” của những người trong cuộc; tất nhiên trừ những bữa chủ động mời nhau.

Rõ là cần lắm cho nhau sự chân thành, cả trong những việc tưởng như nhỏ nhặt.

Nguyễn Trọng Hoạt

(Số 65, Trần Tấn Mới, P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng)

Mới nhất
x
Chung vui, chung chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO