Chuyến bay MH370 và những thông điệp để lại

26/03/2014 11:01

(Baonghean) - Ngày hôm qua, thông tin xấu nhất về chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia - Malaysia Airlines bị mất tích từ hôm 8/3 đã được Thủ tướng nước này, ông Najip Razak chính thức công bố.

Theo đó, chiếc máy bay đã được xác nhận là bị rơi ở Nam Ấn Độ Dương, đồng nghĩa với việc không còn hy vọng tìm thấy hành khách nào còn sống sót. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc còn ngờ vực và yêu cầu những bằng chứng thực tế, nhưng ngày hôm qua, cộng đồng mạng và truyền thông thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau đã thể hiện sự tưởng nhớ đến chuyến bay và những hành khách xấu số. Trong khi đó, công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục được đẩy nhanh.

Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 không kiềm chế được cảm xúc sau tuyên bố của phía Malaysia cho biết, MH370 đã kết thúc hành trình ở Ấn Độ Dương (Ảnh: AP)
Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 không kiềm chế được cảm xúc sau tuyên bố của phía Malaysia cho biết, MH370 đã kết thúc hành trình ở Ấn Độ Dương (Ảnh: AP)

Đến lúc này, mặc dù kết quả chưa biết sẽ như thế nào, thế nhưng, sau 18 ngày mất tích, câu chuyện chiếc máy bay MH370 đã khiến người ta phải suy ngẫm không ít vấn đề. Từ khi bắt đầu nhận được tin xấu của chiếc máy bay Malaysia mang số hiệu MH370 hôm 8/3 cho đến thời điểm ngày hôm qua, khi Chính phủ Malaysia công bố thông tin xấu nhất, thân nhân 239 hành khách trên chuyến bay đã trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ đau đớn, giận dữ, tuyệt vọng đến hy vọng và rồi lại tuyệt vọng.

Có thể nói, đồng hành với các cung bậc cảm xúc trái ngược nhau của thân nhân hành khách là những diễn tiến theo nhiều chiều hướng khác nhau trong công tác tìm kiếm chiếc máy bay xấu số trong suốt 18 ngày qua. Trở lại thời điểm ngày 8/3, vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 8/3 (theo giờ Malaysia), chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Chuyến bay mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã biến mất khỏi màn hình radar khi đạt tới độ cao 10.000m. Thông tin máy bay mất tích được phát ra, công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay bắt đầu.

Trước hết là tại khu vực Biển Đông với sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á và nhiều nước khác trên thế giới. Đặc biệt là sự tích cực trong hợp tác tìm kiếm từ phía Việt Nam. Sau nhiều ngày tìm kiếm tại khu vực Biển Đông, không có kết quả khả quan nào thu được. Lúc này, các chuyên gia đã không loại trừ bất cứ khả năng nào có thể xảy ra với chiếc máy bay mang số hiệu MH370, kể cả khả năng bị khủng bố, đặc biệt sau khi 2 hành khách trên chuyến bay được xác nhận dùng hộ chiếu giả. Sau một số cuộc điều tra và tính toán, các nhà chức trách Malaysia khẳng định đã có người cố tình tắt hệ thống định vị và thông tin liên lạc của máy bay và sau đó chuyển hướng bay một cách cố ý theo chiều ngược lại với hướng bay dự kiến ban đầu. Tiếp đó, theo phân tích của các chuyên gia, máy bay được cho là bay theo hướng Vịnh Bengal hoặc sang phía tây nam, trong vùng biển Ấn Độ Dương. Công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích được chuyển hướng qua vùng biển Ấn Độ Dương sau đó.

Song song với công tác tìm kiếm, ngay sau khi có thông tin hôm 15/3 về việc máy bay tiếp tục bay thêm nhiều giờ nữa sau khi biến mất khỏi màn hình radar, cảnh sát Malaysia đã chuyển hướng điều tra vào hai phi công của chiếc máy bay. Tuy nhiên, khả năng máy bay bị khủng bố chưa được Thủ tướng Malaysia xác nhận. 26 quốc gia sau đó đã cùng vào cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trên phạm vi được mở rộng hơn. Sau vài ngày tìm kiếm trên vùng biển Ấn Độ Dương, vệ tinh của Australia, Trung Quốc và Pháp đã phát hiện ra những vật thể trôi nổi nghi ngờ có liên quan đến chiếc máy bay mất tích trên biển thuộc khu vực tìm kiếm ở hành lang phía Nam cách Thành phố Perth của Australia, khoảng 2.500km về phía tây nam. Và đến 22h đêm ngày 24/3 theo giờ Malaysia, khi chưa tìm thấy và xác minh được các vật thể trôi nổi có liên quan đến chiếc máy bay mất tích hay không, Thủ tướng Malaysia đã họp báo chính thức công bố chiếc máy bay đã rơi xuống Nam Ấn Độ Dương.

Trong thời gian chính phủ Malaysia đang dốc toàn lực nhằm tìm kiếm và điều tra số phận của MH370 thì Malaysia Airlines liên tiếp gặp phải những sự cố: Ngày 21/3, chiếc máy bay mang mã hiệu MH114 xuất phát từ Kuala Lumpur đi Nepal mang theo 180 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã thoát khỏi thảm họa khi hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Tribhuvan (TIA) do va chạm với đàn vịt trời dẫn đến vỡ kính chắn gió. Và trong ngày 24/3, một máy bay khác của Malaysia Airlines trên đường từ Kuala Lumpur tới Seoul (Hàn Quốc) đã phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông do trục trặc hệ thống điện. Rất may, cả 2 sự cố trên không gây thiệt hại về người và tài sản.

Sau khi Chính phủ Malaysia công bố thông tin xấu nhất này, các nước và dư luận đã có phản ứng khác nhau. Trung Quốc đã lập tức yêu cầu chính phủ Malaysia cung cấp dữ liệu vệ tinh mà nước này dựa vào để nhận định chiếc máy bay đã bị rơi xuống Ấn Độ Dương. Còn chính phủ Mỹ lại cho rằng, chưa có bằng chứng độc lập cho thấy chiếc máy bay đã bị rơi xuống vùng biển này. Trong khi đó, thân nhân hành khách trên chuyến bay đã bày tỏ sự giận dữ khi nhận được thông tin xấu nhất qua tin nhắn, và cho rằng thông báo này của chính phủ Malaysia là quá vội vàng. Vào lúc này, Malaysia đã cam kết không từ bỏ các hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay được cho là đã kết thúc hành trình tại Nam Ấn Độ Dương. Tuy vậy, dù có tìm được dấu vết của chiếc máy bay hay không thì có thể nói, những câu chuyện đằng sau hành trình tìm kiếm hàng chục ngày qua là những vấn đề toàn cầu, không chỉ của Malaysia.

Trước hết phải kể đến một lỗ hổng an ninh hàng không đang tồn tại rõ nét hơn bao giờ hết. Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế - Interpol, ngay sau khi dịch vụ du lịch quốc tế bùng nổ vào những năm 70 thế kỷ trước, tổ chức này đã cảnh báo việc sử dụng hộ chiếu ăn cắp. Vì theo tổ chức này, cùng với sự phát triển của du lịch thì các băng đảng tội phạm, các đối tượng khủng bố cũng đã tăng cường sử dụng hộ chiếu và giấy tờ tùy thân ăn cắp để qua mặt các cơ quan an ninh, nhằm phục vụ các hoạt động buôn lậu và khủng bố. Ngay từ năm 2002, Interpol đã tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu lưu giữ hơn 40 triệu hồ sơ các trường hợp hộ chiếu bị mất và cơ sở dữ liệu này được cung cấp cho toàn bộ 190 quốc gia thành viên. Tuy vậy, điều đáng tiếc là Interpol lại không thể ép các quốc gia này tích hợp nó vào hệ thống của họ.

Trong khi đó, các “lò” sản xuất hộ chiếu giả đang ngày càng mở rộng. Tại Thái Lan, một trong những “lò” sản xuất lớn nhất, chỉ cần bỏ ra 245 USD và sau 2 tiếng chờ đợi, khách hành sẽ có ngay một cuốn hộ chiếu giả. Chính thực trạng này là nguyên nhân cho những con số đáng báo động, như Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tiết lộ mới đây cho biết, 37.720 hộ chiếu của người Australia đã bị mất hoặc bị đánh cắp trong năm tài khóa 2012 - 2013. Và tất nhiên, không chỉ có Australia phải đối diện với thực tế này. Cho nên, sau khi phát hiện có nhiều hành khách mang hộ chiếu giả, tạo nghi vấn khủng bố cho chuyến bay MH370 bị mất tích, Tổng thư ký Interpol là Ronald K. Noble đã nói rằng: “Nhiều năm nay, Interpol luôn đặt ra câu hỏi tại sao các nước lại chờ khi xảy ra thảm kịch mới bắt đầu thắt chặt những biện pháp an ninh tại biên giới hoặc tại sân bay”.

Trong khi đó, liên quan đến các vấn đề an toàn kỹ thuật, điển hình là nghi vấn đã có người tắt hệ thống định vị và thông tin liên lạc của máy bay, chắc chắn sự việc này sẽ buộc Chính phủ các nước phải xem lại các quy định về an toàn hàng không, đặc biệt là những quy định liên quan đến các thiết bị liên lạc cũng như việc có thể ngắt tín hiệu phát đi từ máy bay trong suốt hành trình. Một vấn đề kỹ thuật khác đã được các chuyên gia đưa ra, đó là hệ thống giám sát trên máy bay hiện nay đã lỗi thời. Một ví dụ rõ nhất là việc các sân bay và các máy bay trên toàn cầu vẫn sử dụng công nghệ theo dõi bằng radar kiểu cũ được phát triển lần đầu tiên vào những năm 50 của thế kỷ trước, thay vì hệ thống Định vị toàn cầu - GPS tiên tiến hiện nay. Một lý do quan trọng hàng đầu giải thích cho việc các hãng hàng không và sân bay không thay đổi công nghệ là do vấn đề chi phí, bởi con số đầu tư cho công nghệ mới có thể tiêu tốn tới 70 - 80 tỷ USD.

Lý do chi phí cũng đang đặt ra với một thiết bị công nghệ quan trọng khác của những chuyến bay, đó là chiếc hộp đen. Được thiết kế để chống mọi tác động như va đập, cháy, thấm nước… và có sức tồn tại siêu hạng, thế nhưng, một chi tiết quan trọng là trong một thời đại công nghệ toàn cầu hiện nay, chiếc hộp đen lại không có được một dải tần để có thể liên tục truyền trực tiếp khối lượng dữ liệu thu thập được và lưu trữ trong mỗi giây của chuyến bay, mà chỉ là những sóng siêu âm báo hiệu vị trí khi đã xảy ra tai nạn. Mặc dù một hệ thống khả dụng đã được nghiên cứu, thế nhưng, các hãng hàng không cũng không sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng các trạm thu dữ liệu tốn kém. Thực tế là con người đã phải mất 2 năm để truy tìm được máy bay của hãng hàng không của Pháp mất tích ở biển Đại Tây Dương vào năm 2009, làm 228 người thiệt mạng. Và không ít những chiếc hộp đen đã không thể được tìm thấy. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu đã đến lúc các hãng hàng không thế giới cân nhắc lại câu chuyện “đầu tư trước hay sau” hay chưa?

30 ngày là thời hạn mà chiếc hộp đen có khả năng phát tín hiệu thông báo vị trí, bởi thế vào lúc này, 18 ngày đã trôi qua, các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian nếu không muốn bức màn bí mật của chuyến bay MH370 sẽ tiếp tục đóng kín. Vì thế, những giả thuyết liệu chiếc máy bay bị lỗi kỹ thuật, bị khủng bố hay phi công tự sát… sẽ vẫn chỉ là những giả thuyết, một khi chưa tìm được chiếc hộp đen. Và như thế, những bí mật hàng không chưa được giải đáp sẽ là cơn ác mộng cho không chỉ những hành khách lựa chọn đường hàng không là phương tiện di chuyển.

Rồi khi không tìm ra chiếc máy bay bị nạn thì sẽ dẫn tới một loạt vấn đề khác, như các vấn đề pháp lý liên quan nhằm xác định trách nhiệm của các bên. Như ông Brian Havel, giáo sư Luật, Giám đốc Học viện Luật Hàng không Quốc tế tại Đại học DePaul tại Chicago, Mỹ cho biết rằng: hệ thống luật pháp liên quan đến hàng không quốc tế chưa thể bao quát được việc một chiếc máy bay biến mất hoàn toàn. Cho đến nay chúng ta vẫn không có một công cụ nào để giải quyết vấn đề này. Và có thể nói rằng, trong bất cứ trường hợp nào, chính hành khách và các thân nhân của họ là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Trở lại câu chuyện MH370, tiếng khóc nấc của các thân nhân hành khách và những lời chia sẻ chân thành của cộng đồng mạng những ngày qua, có lẽ sẽ là những nhân tố khiến cả hệ thống hàng không và chính phủ các nước cân nhắc lại không ít vấn đề còn tồn tại trong hệ thống hàng không toàn cầu.

Phương Hoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Chuyến bay MH370 và những thông điệp để lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO