Xã hội

Chuyện chưa kể về pháo thủ quê Nghệ An trên xe tăng 843 đánh chiếm Dinh Độc Lập

Huy Thư 25/04/2025 11:27

Là 1 trong 2 pháo thủ quê Nghệ An có mặt trên những chiếc xe tăng huyền thoại húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, cựu chiến binh Thái Bá Minh mãi là niềm vinh dự, tự hào của gia đình và quê hương làng biển huyện Diễn Châu.

Hai lần nhập ngũ

Sinh ra và lớn lên ở xã Diễn Bích, nay là Ngọc Bích, 18 tuổi chàng thanh niên Thái Bá Minh lên đường nhập ngũ, được biên chế về Đại đội 27, Đoàn 22, Quân khu 4, huấn luyện tại xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu). Sau 2 tháng tân binh, ông được lệnh đi B, vào Nam chiến đấu.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Vinh (75 tuổi) ở xóm Bắc Chiến Thắng, xã Ngọc Bích cho biết, ông và ông Minh nhập ngũ cùng 1 ngày, huấn luyện cùng 1 đơn vị. Khi bàn giao quân tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông được biên chế về Sư đoàn 304, còn ông Minh gia nhập Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2. Những năm tháng chiến đấu ở Quảng Trị, ông và ông Minh thỉnh thoảng có gặp nhau.

bna_10.jpg
Cựu chiến binh Trần Ngọc Vinh (giữa) bạn đồng ngũ của ông Thái Bá Minh. Ảnh: Huy Thư

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sáng ngày 30/4/1975, nằm trong đội hình chiến đấu của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Trung sĩ Thái Bá Minh là pháo thủ số 1 thuộc kíp xe tăng T54B mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận làm trưởng xe. Trong kíp xe này còn có pháo thủ số 2 Hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ, Hạ sĩ lái xe Lữ Văn Hỏa.

Trên đường tiến công hướng về Dinh Độc Lập, xe tăng 843 đã bắn cháy 3 xe tăng và xe bọc thép của địch. 11 giờ ngày 30/4/1975, xe tăng 843 đã húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập và bị chết máy. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Xe tăng 390 đi sau đã vọt lên húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

img_20240423221919.jpg
Kíp xe tăng 843 trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Pháo thủ Thái Bá Minh (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: Tư liệu.

Trong thời khắc lịch sử này, ngoài Trung sĩ Thái Bá Minh - pháo thủ số 1 của xe tăng 843, cùng quê Nghệ An còn có Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên (xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) là pháo thủ số 1 của xe tăng 390.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chiến sĩ Thái Bá Minh đã phục viên về quê hương. Năm 1977, ông kết hôn cùng bà Đặng Thị Tuyên - một cô thôn nữ trong vùng. Bà Tuyên cho biết, hai người yêu nhau đã mấy năm, nhưng khi ông Minh phục viên mới làm đám cưới.

img_20240423222325.jpg
Xe tăng 843 tham gia diễu binh sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1979, khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, theo lệnh tổng động viên, cựu chiến binh Thái Bá Minh đã nhập ngũ lần thứ 2, tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc tại Lạng Sơn. Những năm ông Minh tái ngũ, bà Tuyên đã lên thăm, động viên chồng tại mặt trận biên giới.

Năm 1982, ông phục viên về quê tham gia sản xuất, từng làm thủ kho Hợp tác xã, xã đội trưởng... với bao nhiệt huyết của một cựu chiến binh.

Niềm tự hào của gia đình và quê hương

50 năm sau đại thắng mùa Xuân 1975, hai chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 - những hiện vật có ý nghĩa đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đại đội 4 xe tăng thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Đại tá Bùi Quang Thận đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

bna_4(1).jpg
Bà Đặng Thị Tuyên thắp hương trước bàn thờ chồng. Ảnh: Huy Thư

Kíp xe tăng năm ấy giờ đây người còn, người mất, nhưng câu chuyện lịch sử sống động, gắn liền với chiếc xe tăng huyền thoại mãi là minh chứng về một giai đoạn chiến đấu hào hùng của dân tộc. Hiện chiếc xe tăng 843 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Khi nhắc đến người chồng đã quá cố - pháo thủ số 1 trên chiếc xe tăng 843, bà Tuyên (72 tuổi) với mái tóc bạc phơ chia sẻ: Những ngày này, cả nước đang hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, theo dõi không khí tập luyện của lực lượng vũ trang kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi vô cùng xúc động, vinh dự và tự hào, khi có chồng và người thân đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Tiếc rằng, chồng tôi mất sớm, nên không được chứng kiến cảnh này.

bna_5(1).jpg
Bà Đặng Thị Tuyên bên di ảnh của ông Thái Bá Minh. Ảnh: Huy Thư

Theo bà Tuyên, lúc còn sống ở quê, ông Minh đã vài lần về thăm đơn vị, hội ngộ cùng đồng đội cũ. Năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong 1 lần gặp mặt của anh em lính xe tăng Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, ông đã chụp ảnh chung với các thành viên kíp xe tăng 843 năm xưa. Đây cũng là tấm ảnh cuối cùng ông chụp chung với đồng đội.

Năm 2009, nhận được giấy mời của đơn vị, lúc này ông Minh đã qua đời, bà Tuyên và người con út đã ra Bắc tham dự chương trình Kỷ niệm “50 năm ngày truyền thống Binh chủng Tăng thiết giáp”. Trong nhà bà hiện đang treo tấm ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập do Đại tá Bùi Quang Thận ký tặng.

bna_7a.jpg
Giấy mời của Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp đang được bà Tuyên cất giữ. Ảnh: Huy Thư

Kỷ vật thời quân ngũ mà ông Minh để lại cho gia đình bà Tuyên hiện chỉ còn chiếc thẻ đảng viên của ông đã nhuốm màu thời gian, mờ gần hết chữ. Cầm chiếc thẻ trên tay, người con gái ông òa khóc: “Con nhớ cha nhiều lắm”.

Cựu chiến binh Thái Bá Niêm (67 tuổi) - em trai ông Minh kể: “Hai lần nhập ngũ, giấy tờ, Huân, huy chương mà anh ấy mang về đều bị lũ lụt cuốn trôi cả, gia đình chẳng lưu giữ được gì”.

bna_6.jpg
Chị Thái Thị Duyên - con gái thứ 2 của vợ chồng ông Minh òa khóc khi cầm kỷ vật của cha. Ảnh: Huy Thư

Với người dân làng biển xã Ngọc Bích (Diễn Châu), ông Thái Bá Minh cùng với những câu chuyện chiến đấu, đánh giặc khắp các chiến trường, là pháo thủ xe tăng đánh chiếm Dinh Độc Lập đã trở thành những ký ức khó quên của bao thế hệ.

Người dân địa phương thường nhắc đến ông bằng cái tên thân mật “ông Minh Xê” (hồi nhỏ bà con hay gọi là cu Xê). Mọi người vẫn nhớ về người pháo thủ số 1 với hình dáng hao gầy, da ngăm đen, thường xuất hiện trên bãi biển với những chiếc giã đánh cá, chiếc áo tơi bằng chiếu cói...

Mỗi dịp 30/4, khi cả nước hân hoan kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong thẳm sâu nỗi lòng của những người dân làng biển lại nhớ về ông với bao tình cảm trận trọng, quý mến.

Trăn trở của người thân

Ông Thái Bá Minh là con thứ 3 trong gia đình có 8 anh, chị, em (4 anh em trai từng nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế). Cựu chiến binh Thái Bá Niêm - em trai ông Minh cho biết thêm: Những năm 90, cuộc sống ở quê vô cùng khó khăn, người dân địa phương thường rủ nhau vào Nam đánh cá. Ngày đó, anh Minh và tôi cũng đi Nam trên 1 chuyến xe. Ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) làm việc được một thời gian thì anh em mỗi người một ngả, anh Minh đi Cà Ná (Ninh Thuận) còn tôi đi Kiên Giang.

Vợ chồng ông Minh có 5 người con (3 trai, 2 gái), đi làm ăn xa, mỗi năm ông thường về thăm nhà một lần vào dịp Tết, ra năm lại đi. Mặc dù vợ chồng ông quanh năm tần tảo, nhưng vẫn không khá lên được.

Bà Tuyên nhớ lại, đầu năm 1999, đúng vào ngày 30 Tết Nguyên đán, gia đình bà nhận được hung tin, ông Minh qua đời trên chiếc thuyền đánh cá ở Ninh Thuận, khiến mẹ con bà chết lặng.

Chồng mất ở tuổi 47, bỏ lại bà Tuyên và đàn con nhỏ, người con út Thái Bá Vương năm đó mới lên 9 tuổi. Bà Tuyên rơi vào cảnh góa bụa, vừa làm mẹ, vừa làm cha, một mình chạy chợ nuôi con.

Ngôi nhà của gia đình bà Đặng Thị Tuyên ở xóm Quyết Thắng xã Ngọc Bích. Ảnh: Huy Thư
Ngôi nhà của gia đình bà Tuyên ở xóm Quyết Thắng, xã Ngọc Bích (Diễn Châu). Ảnh: Huy Thư

6 mẹ con sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát, bữa đói bữa no. Khi bà đi chợ thì con gái đầu phải ở nhà phụ việc, chăm em. Thương cảnh mẹ góa, con côi, năm 2000, anh em nội ngoại đã vay mượn, hỗ trợ xây dựng cho mẹ con bà 1 ngôi nhà 2 gian, lợp ngói, gác đòn tay bằng cây mét.

Bà Tuyên chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên các con cũng không được học hành đầy đủ, chỉ học đến lớp 6, lớp 7, đều phải nghỉ học để đi làm giúp mẹ.

Hàng chục năm trôi qua, cuộc sống ở làng biển đã có nhiều thay đổi, nhưng gia đình bà dường như vẫn thế. Hiện nay, hai người con gái của ông bà đã lập gia đình với người trong xã. Anh con trai đầu làm ăn ở Bình Thuận, cưới vợ đã 10 năm nhưng chưa có con. Hai người con sau đang đi làm ở đảo.

Bên trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp của gia đình bà Tuyên. Ảnh: Huy Thư
Bên trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp của gia đình bà Tuyên. Ảnh: Huy Thư

Bà Tuyên đang sống một mình trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp, tường nứt, lở, ngói trụt, cửa sổ xiêu vẹo...

Thắp hương trên bàn thờ chồng ở giữa nhà, bà Tuyên không giấu nổi niềm trăn trở: Phần mộ ông Minh đã được anh em cất bốc, di chuyển về quê hương từ mấy năm trước để vợ con tiện bề chăm sóc, giờ chỉ còn ngôi nhà cũ đã xuống cấp mà chưa sửa sang lại được.

“Tôi thì đau yếu suốt, con trai cũng gặp khó khăn nên không sửa được nhà. Trước đây, tôi có gọi điện ra đơn vị cũ của ông Minh nhờ tập thể, đồng đội giúp đỡ, nhưng lâu cũng không thấy tin tức gì” - bà Tuyên nói.

bna_11.jpg
Bà Đặng Thị Tuyên cho biết đã 2 lần gọi điện về đơn vị cũ nhờ giúp đỡ kinh phí tu sửa lại ngôi nhà. Ảnh: Huy Thư

Đề cập đến gia đình bà Tuyên, ông Đậu Trọng Quyết - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Bích (Diễn Châu) chia sẻ: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Cựu chiến binh xã đã tổ chức đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho gia đình bà Tuyên. Chúng tôi thấy gia đình bà Tuyên rất khó khăn, cần được giúp đỡ để sửa sang, xây dựng lại ngôi nhà ở”.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Chuyện chưa kể về pháo thủ quê Nghệ An trên xe tăng 843 đánh chiếm Dinh Độc Lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO