Chuyện của Thúy
(Baonghean) - Sống trong bóng tối từ lúc lên 5 tuổi, nhưng không ai có thể nghĩ rằng cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Thúy có thể vươn lên học hết phổ thông rồi tốt nghiệp đại học. Và hiện nay ở tuổi ngoài 25, Thúy được mọi người tin tưởng bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh và mới đây nhất cô lại giành được giải 3 tại cuộc thi viết chữ Braille ONKYO do Hiệp hội Người mù thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức năm 2013.
(Baonghean) - Sống trong bóng tối từ lúc lên 5 tuổi, nhưng không ai có thể nghĩ rằng cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Thúy có thể vươn lên học hết phổ thông rồi tốt nghiệp đại học. Và hiện nay ở tuổi ngoài 25, Thúy được mọi người tin tưởng bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh và mới đây nhất cô lại giành được giải 3 tại cuộc thi viết chữ Braille ONKYO do Hiệp hội Người mù thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức năm 2013.
Gặp Thúy trong căn phòng giản dị ở ngay trụ sở Hội Người mù tỉnh khi cô vừa cùng một lúc nhận được hai niềm vui “lên chức và nhận giải thưởng Onkyo”. Niềm hạnh phúc, tự hào lan sang cả những anh chị khác trong Hội khi đã lâu lắm rồi tỉnh ta mới giành được giải thưởng giá trị như thế.
![]() |
Nguyễn Thị Thúy bên giải thưởng do Hiệp hội Người mù thế giới trao tặng. |
“Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hiến Sơn - Đô Lương, lên 5 tuổi, mắt tôi mờ dần rồi mù hẳn bởi chứng viêm màng bồ đào. Gia đình có 6 anh chị em, bố là thương binh, mẹ làm nông, và cứ thế tôi lớn lên trong tình yêu thương và chở che của cả gia đình. Nhưng hình như lúc đó tôi vẫn chưa ý thức được đôi mắt của tôi nó nghiêm trọng như thế nào. Rồi năm tháng trôi đi, cùng đến một ngày tôi nhận ra được điểm khác biệt giữa mình với bạn bè cùng trang lứa, tôi không nhìn được một thứ gì, xung quanh tôi chỉ một màu đen. Cứ thế, một thời gian dài tôi sống lầm lũi trong bóng tối, mọi thứ tối tăm, vô định…
Mặc cảm… tự ti… xấu hổ… tôi thèm khát được làm người bình thường, nhìn thấy ánh sáng, nhìn thấy mọi người, ít nhất là nhìn thấy những con người đã sinh ra tôi… Nhưng không… điều ước ấy đối với tôi thật quá xa vời” – Những dòng chữ đầu tiên Thúy viết để tham dự cuộc thi viết chữ Braille ONKYO bắt đầu từ chính nỗi niềm của mình, một cô bé bỗng nhiên nhận ra mình là người khiếm thị khi vừa lên 5 tuổi. Nỗi đau quá lớn khiến Thúy già hơn những bạn bè cùng trang lứa. Khiếm khuyết về cơ thể cũng buộc Thúy phải vươn lên dù rằng so với người bình thường bao giờ cô cũng phải nỗ lực hơn gấp 2, gấp 3 và đau đớn hơn rất nhiều.
Thúy nói với tôi nhiều về những ngày em bắt đầu đi học và làm quen với chữ Brai ở Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người tàn tật: “Ngày mới học chữ, mọi thứ với em thật khó khăn. Để làm quen em phải tập dùng “đôi tay thay cặp mắt”, “làm quen với bảng viết, dùi viết, làm quen với việc sờ đọc và cảm nhận bằng đầu ngón tay”… Vất vả là thế, có những ngày phải cầm dùi viết, đau sưng cả tay nhưng đó cũng là những ngày hạnh phúc của Thúy bởi nhờ biết đọc, biết viết em cảm nhận được thế giới xung quanh và cũng nhận ra “cuộc đời mình có thể thay đổi nếu được học hành đến nơi đến chốn”.
Dù quyết tâm nhưng để theo học hết cấp II, cấp III rồi vào đại học là một hành trình dài và không ít lần Thúy phải đấu tranh để được học và được đối xử như người bình thường. Như ngày mới vào học cấp II. Khi đó, do Trung tâm dạy nghề tỉnh chỉ dạy hết cấp I còn muốn học lên cao hơn Thúy chỉ có cách duy nhất là học ở trường cấp II của xã. Thấy Thúy ham học, thành tích học cấp I luôn luôn tốt nên việc xin học ở trường cấp II Hiến Sơn (Đô Lương) không khó nhưng chỉ có điều vì không nhìn rõ được mọi vật lại cần phải có người luôn luôn ở bên giúp đỡ nên buộc Thúy phải học nhảy bậc, từ lớp 5 lên lớp 7. Lý do là vì cậu em trai của Thúy đang học ở lớp này và nếu không học cùng em, không có người đưa đi đón về, không có người ngồi chép bài, đọc bài thì Thúy không thể học được. Ban đầu thấy Thúy đem theo dùi viết, bảng viết, lúc lại lách cách mọi người cũng tò mò lắm. Riêng Thúy tạo ra tiếng ồn lại cảm giác như “mình vừa gây ra tội lỗi gì lớn lắm”. Sự khác biệt còn khiến Thúy thấy “mình như một thứ lập dị, làm tôi mất tự tin, luôn cảm thấy mình cô lập trong một thế giới riêng ở một ngôi trường chỉ dành cho người bình thường”.
Thúy cũng nhận ra việc đối xử “khác thường” của thầy, cô giáo, em thấy buồn khi mọi người đều cho rằng “Thúy đến lớp là cho vui, còn khiếm thị thì không hy vọng gì”. Thế nên, hôm nào lớp có bài kiểm tra, thấy các bạn xì xầm điểm số là em về nhà lại “úp chăn lên mặt để khóc”. Sau này, không muốn được ưu ái như vậy và cũng muốn đánh giá được năng lực của bản thân, Thúy trực tiếp liên hệ với từng thầy cô, yêu cầu các cô cho mình được làm bài kiểm tra, làm bài thi như các bạn cùng lớp. Một số thầy, cô ban đầu thấy Thúy đề nghị như vậy không tránh khỏi nghi ngại nhưng sau đó thì mọi người quen dần với hình ảnh một phòng thi chỉ có một cô, một trò, cô đọc từng câu hỏi cho trò chép, trò giải xong lại đọc kết quả cho cô. Hoặc đôi khi, các thầy, cô cho một em lớp dưới lên đọc đề thi và chép lại bài giải cho Thúy, một tiết kiểm tra có thể kéo dài hai, ba tiếng đồng hồ nhưng chưa bao giờ Thúy nản lòng.
Lên cấp III, cách học, cách thi của Thúy cũng tương tự. Với hình thức này, Thúy nói khó nhất là môn Văn bởi trong khi mọi người “nghĩ thế nào thì viết thế ấy”, còn Thúy thì vừa nghĩ vừa đọc cho người khác chép. Hay môn tiếng Anh, không thể nhờ mọi người đánh vần từng chữ cho mình như tiếng Việt nên Thúy phải chật vật lắm mới theo kịp bạn bè. Rồi đến kỳ thi đại học, trong khi bạn bè loay hoay chưa biết chọn trường nào trong hàng chục trường đại học thì Thúy lại phải cùng với bố mẹ đi từ trường đại học này đến các trường đại học khác để xin được thi. Thế nhưng lần lượt Trường Đại học Vinh rồi Trường Đại học Lao động Xã hội đều lắc đầu với lý do “không thể lập riêng một hội đồng thi cho người khiếm thị”. May mắn thay, sau đó qua một người bạn quen trên mạng, Thúy biết được Trường Đại học Khoa học Huế có tuyển thí sinh khiếm thị. Không để mọi người thất vọng, trong kỳ thi năm đó Thúy là thí sinh đậu điểm cao nhất trong số 12 người cùng thi. Chỉ có điều, vì trường chỉ có hai khoa Lịch sử và Ngữ Văn nên em đành phải học sai ngành, dù mong muốn lớn nhất của em là được học ngành công tác xã hội để sau này có thể về làm việc trong hội người mù.
Bài viết tham dự cuộc thi viết chữ Brai Onkyo với chủ đề viết về “Chữ Brai làm thay cuộc đời tôi” do Hiệp hội Người mù thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức cũng được viết trong những ngày cuối cùng của Thúy ở Trường Đại học Khoa học Huế. Bản thân Thúy khi đó chỉ nghĩ rằng, đây là cuộc thi để mình viết về mình nên em tham dự với tinh thần rất thoải mái và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đoạt giải. Còn ban giám khảo, có lẽ họ cảm phục bởi không tin rằng một cô bé đến từ một miền quê nghèo xứ Nghệ lại có nghị lực để vươn lên dù trước đó chỉ vì một phẫu thuật thất bại mà một bên mắt của cô trở thành mù lòa vĩnh viễn.
Hoặc là họ không tin được một học sinh mới học cấp II, dù bố mẹ không muốn em làm thêm một phẫu thuật nữa để cứu một mắt còn lại những em vẫn quyết tâm mổ, thậm chí là tự “rèn luyện trước một tháng sinh hoạt trong bóng tối hoàn toàn” để lỡ chẳng may “cuộc phẫu thuật thứ hai lại tiếp tục thất bại”. Cũng có thể họ xúc động vì tình cảm của người em trai nhờ “kèm cặp, chép bài” giúp chị mà từ một cậu em ngỗ nghịch, bướng bỉnh đã vươn lên học tốt và thi đậu vào Trường Đại học Giao thông Vận tải. Họ cũng không thể tin rằng, một gia đình bố là thương binh, mẹ làm nông, có một người con khiếm thị nhưng vẫn nuôi được 6 người con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định…
Riêng Thúy, kết quả đến bất ngờ như tiếp thêm sức mạnh và động lực cho em khi vừa ra trường em được nhận về Hội Người mù tỉnh làm Trưởng Ban Phụ nữ và chỉ sau 2 tháng lại được tin tưởng bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Nâng niu trên tay giải thưởng vừa mới được nhận trong tháng 1/2014 này, Thúy nói rằng: Khi em lên làm Phó Chủ tịch Hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều người lo lắng bởi em còn trẻ quá (Thúy sinh năm 1988). Nhưng em tin rằng, nếu đã được mọi người tin tưởng, em sẽ làm được… Rồi Thúy nói với tôi về những dự định trong tương lai, về quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo mà em đã ấp ủ bấy lâu và đang từng bước quyên góp… Chặng đường phía trước sẽ còn rất khó khăn, nhưng với sức trẻ, sự tự tin… chắc chắn Thúy sẽ đem đến một luồng gió mới cho người khiếm thị Nghệ An.
Bài, ảnh: Mỹ Hà