Chuyến đi thành công của Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama được báo chí Mỹ đánh giá là đã ghi được nhiều điểm cả về chính trị lẫn kinh tế trong chuyến thăm châu Á - Thái Bình Dương kéo dài chín ngày, qua các chặng dừng chân tại Hawaii, Úc và Bali, Indonesia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (hàng trước, thứ ba từ phải sang) tại Bali - Ảnh: AFP
Trở lại Washington sáng 20-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đem về đất Mỹ niềm lạc quan cho rằng chính sách ngoại giao của Mỹ đối với khu vực phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay sẽ mở cánh cửa rộng hơn cho xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người Mỹ.
“Trong hơn một tuần qua, quá trình tiếp cận của chúng tôi trong việc thúc đẩy mở cửa các thị trường và xuất khẩu ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng hơn cho nước Mỹ” - Tổng thống Obama tuyên bố.
Về kinh tế
New York Times bình luận: từ Hawaii, đến Úc rồi Bali (Indonesia), ông Obama đã tận dụng được mọi cơ hội để đàm phán về tiềm năng xuất khẩu của Mỹ. Tín hiệu lạc quan cho kế hoạch việc làm của ông là các hợp đồng khổng lồ của GE và Boeing đã được ký kết tại Bali có thể tạo ra 130.000 việc làm cho người Mỹ.
“Các hợp đồng này sẽ giúp chúng tôi đạt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ đến năm 2014, một mục tiêu mà chúng tôi đang vươn tới. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương là những ví dụ hùng hồn nhất về cách thức chúng tôi có thể tái xây dựng một nền kinh tế được tập trung vào những gì mà Mỹ luôn làm tốt nhất là tạo ra và bán sản phẩm trên toàn thế giới dưới nhãn hiệu made in America”- ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Obama khẳng định đối với Mỹ, không thị trường nào quan trọng hơn thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà xuất khẩu của Mỹ sẽ giúp 5 triệu người Mỹ có việc làm.
Reuters bình luận ông Obama đã gây ấn tượng khi thúc đẩy việc thành lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới trong khuôn khổ của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà hiện không bao gồm Trung Quốc. Khu vực tự do thương mại này bao gồm gần 800 triệu người tiêu dùng và chiếm gần 40% kinh tế thế giới.
Cũng tại châu Á - Thái Bình Dương, tổng thống Mỹ đã gửi đến Trung Quốc tín hiệu rằng Washington sẽ không cho phép Bắc Kinh bẻ cong luật lệ quốc tế trong việc đối xử với các doanh nghiệp Mỹ đang có mặt ở Trung Quốc.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Obama đã thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh là đã không chơi đúng luật và đã hành xử không công bằng khi chưa chịu cải cách chính sách đồng nhân dân tệ. Ông yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền của các doanh nghiệp Mỹ. Thông điệp mà Tổng thống Obama nhắm đến là vực dậy lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Về chính trị
Báo The Sydney Morning Herald nhận định chuyến đi của ông Obama không chỉ củng cố mối quan hệ kinh tế mà còn tăng cường các mối quan hệ chính trị - an ninh quốc phòng với các nước trong khu vực.
Báo Le Monde đánh giá đây là một động thái mạnh mẽ của chính quyền Obama, một thách thức địa chính trị được đưa ra trước Trung Quốc vốn chẳng làm Bắc Kinh hài lòng. Việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Úc là để cùng với các lực lượng đóng tại Nhật và Hàn Quốc đối phó với Trung Quốc. Bằng việc tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang giành lại châu Á - Thái Bình Dương và trấn an các nước trong khu vực.
Tại Canberra, ông Obama đã khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh của Mỹ hiện nay. “Các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình thế giới trong thế kỷ 21” - ông nhấn mạnh.
Hãng truyền thông quốc gia ABC của Úc dẫn lời giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Sydney, giáo sư Geoffrey Garrett, nhận định: “Chuyến đi của Tổng thống Obama là điểm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại thời điểm hiện nay”.
“Sự thay đổi chiến lược của Mỹ có thể sẽ làm Trung Quốc giật mình. Mỹ gây áp lực mạnh khiến Trung Quốc không thể xem nhẹ lập trường của Mỹ” - nhà nghiên cứu châu Á tại ING Groep NV Singapore, ông Tim Condon, nhận định.
Theo Tuổi trẻ