Chuyển đổi đất gắn chuyển đổi cây trồng ở Anh Sơn

29/01/2015 17:32

(Baonghean) - Về Anh Sơn, dễ dàng nhận ra những cánh đồng chuyên canh mùa nào thức ấy được quy hoạch bài bản, đầu tư thâm canh cho giá trị cao như cánh đồng ngô, bí xanh, rau màu, lúa… Đạt được kết quả đó là nhờ ngoài sự cần cù lao động của người nông dân Anh Sơn, còn nhờ công tác lãnh đạo dồn điền, đổi thửa đạt kết quả cao, tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa của địa phương.

Với nguyên tắc tập trung dân chủ, vận động tạo đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện dồn điền đổi thửa, huyện Anh Sơn vừa quan tâm quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi; từng bước kiên cố hóa kênh mương, tu bổ, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, vừa ưu tiên quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng ở các vùng đất xấu, đất ở xa, có nhiều khó khăn trước nên được nhân dân đồng tình, yên tâm chuyển đổi ruộng đất.

Cán bộ huyện Anh Sơn kiểm tra hiệu quả chuyển đổi cây trồng.
Cán bộ huyện Anh Sơn kiểm tra hiệu quả chuyển đổi cây trồng.

Gia đình ông Vương Đình Quang thôn 6 xã Tường Sơn có hơn 5 sào đất sản xuất nông nghiệp, những năm trước đây khi chưa chuyển đổi gia đình sản xuất trên 4 vùng, 4 thửa rất khó khăn trong đầu tư thâm canh. Nhưng hiện nay khi có chủ trương của Nhà nước sau khi chuyển đổi gia đình ông chỉ canh tác trên 1 thửa nên rất thuận tiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiết kiệm được thời gian và nước tưới, năng suất, sản lượng cây trồng lại cao hơn. Xã Tường Sơn là đơn vị thực hiện tốt công tác chuyển đổi ruộng đất. Từ tháng 9 đến tháng 12/2011, xã đã tổ chức tới 107 hội nghị các cấp từ xã đến xóm để thực hiện dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2 được thành công... Tại xã Vĩnh Sơn, là địa phương có địa hình phức tạp, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là hóc chọ, bậc thang nhiều nên ban đầu khó khăn trong vấn đề chuyển đổi. Năm 2013, Vĩnh Sơn đã vận động nhân dân chuyển đổi thành công trên đất bãi và đến hết năm 2014, công tác chuyển đổi trên đất nông nghiệp của địa phương đã cơ bản hoàn tất. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khắc Lệ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Sơn cho biết: Ban đầu khi triển khai chuyển đổi ruộng đất nhân dân không đồng tình vì diện tích đất ruộng không đồng đều, ruộng cao thấp, ruộng bậc thang nhiều nên chúng tôi chỉ vận động chuyển đổi trước trên diện tích đất bãi, sau một năm sản xuất trên đất bãi, nhân dân thấy thuận tiện trong đầu tư thâm canh và đưa cơ giới hóa và sản xuất. Vì vậy, các diện tích khác bà con đã đồng thuận chuyển đổi. Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo cho các thôn đắp bờ vùng, bờ thửa để chia đất cho nhân dân sản xuất vụ xuân 2015 trên vùng đất mới”.

Đến nay, toàn huyện Anh Sơn đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với 100% số xã trên tổng diện tích gần 4.400 ha đất nông nghiệp. Trước khi thực hiện công tác “dồn điền, đổi thửa”, toàn huyện có hơn 111.000 thửa, bình quân mỗi thửa 480m2, 6,3 thửa/hộ thì nay sau khi thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, toàn huyện chỉ còn lại khoảng 46.000 thửa; bình quân mỗi thửa là 968 m2, mỗi hộ chỉ 1- 2 thửa, số hộ 3 thửa là rất ít. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Quá trình thực hiện chuyển đổi ruộng đất, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung tuyên truyền, phân công cán bộ về tận cơ sở để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời UBND huyện xây dựng đề án khung, trên cơ sở đó yêu cầu các xã phải có đề án, kế hoạch cụ thể phù hợp và phương án chuyển đổi của từng xã trên tinh thần dân chủ công khai sát với tình hình thực tế tại địa phương. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất. Sau khi dồn điền đổi thửa xong nhân dân rất phấn khởi để đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Hiện nay nhân dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tiết kiệm được ngày công lao động, tiết kiệm được nước tưới nên nhân dân rất đồng tình.

Mặc dù tại một số xã, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa hoàn thành, nhưng hiện toàn huyện Anh Sơn cũng đã quy hoạch, xây dựng được 7 cánh đồng mẫu lớn, trong đó có 4 cánh đồng ngô, 3 cánh đồng lúa ở các xã Tường Sơn, Phúc Sơn, Tào Sơn và xã Hùng Sơn, mỗi cánh đồng có diện tích 50 ha canh tác sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập có nơi đến 200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài tập trung hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa trong năm 2015 theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, thì các ngành chuyên môn và nhất là các địa phương trên địa bàn đang căn cứ trên tình hình cụ thể riêng để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát huy cao nhất hiệu quả của công tác dồn điền đổi thửa.

Đặng Dương

Mới nhất
x
Chuyển đổi đất gắn chuyển đổi cây trồng ở Anh Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO