Chuyển đổi ruộng đất ở Anh Sơn

25/02/2013 19:19

(Baonghean) Huyện Anh Sơn có gần 49 ngàn ha đất nông nghiệp, chiếm trên 82% tổng diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất ruộng và đất bãi ven sông Lam. Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn” việc chuyển đổi ở Anh Sơn đã đạt được nhiều kết quả.

Xã Tường Sơn là một trong các đơn vị thực hiện tốt công tác chuyển đổi ruộng đất. Bước đầu Tường Sơn chọn thôn 7 để chỉ đạo điểm, chuyển đổi ruộng đất trên diện tích 25 ha với 365 thửa, sau chuyển đổi còn lại 116 thửa, (giảm 249), thửa lớn nhất rộng là 3.000 m2, nhỏ nhất 1.000m2.

Tại xã Lĩnh Sơn, đến nay đã có 14/14 thôn hoàn thành việc chuyển đổi 57 xứ đồng, trước khi chuyển đổi gồm 2.763 thửa, nay chỉ còn 1.800 thửa, giảm 962 thửa. Hiện nay trên diện tích đất lúa, nông dân Lĩnh Sơn chỉ phải canh tác trên 2 thửa, ở 2 vùng, 1 vùng màu và 1 vùng lúa, bình quân thửa lớn nhất là hơn 1.186m2, thửa nhỏ nhất là 180m2.

Gia đình ông Nguyễn Văn Diên ở thôn 7, xã Lĩnh Sơn có 6 sào đất nông nghiệp. Trước đây canh tác trên 4 vùng khác nhau, nhưng nay chỉ phải canh tác trên 2 vùng rất thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đây thực sự là một cuộc “cách mạng ruộng đất” trên địa bàn xã Lĩnh Sơn. Sau khi hoàn thành chuyển đổi đến nay 14/14 thôn đã tổ chức bốc thăm để giao đất thực địa cho từng nhóm, hộ nhận sản xuất. Ông Diên cho biết: “Trước đây chúng tôi sản xuất nhiều nơi, nay thực hiện chủ trương của cấp trên về dồn điền, đổi thửa, nay rất dễ đầu tư trong sản xuất”.



Nhân dân xã Tường Sơn làm giao thông nội đồng.

Tam Sơn là xã khó khăn của huyện cũng đã sớm hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, sắp xếp lại sản xuất. Chính quyền xã xác định hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất là mắt xích quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, là vấn đề mang tính quyết định để đưa cơ giới vào sản xuất nhằm từng bước thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Gia đình anh Nguyễn Văn Mậu ở xóm 3, xã Tam Sơn có 7 khẩu, canh tác trên 7 sào đất nông nghiệp, trước đây canh tác trên 6 vùng, 6 thửa khác nhau. Nhưng từ khi chuyển đổi đến nay gia đình anh chỉ phải canh tác trên 2 thửa, 2 vùng rất thuận tiện trong sản xuất. Nhìn chung ở Tam Sơn, trước đây nông dân canh tác từ 7 đến 8 thửa, nhiều vùng, thì nay chỉ phải canh tác trên 2 thửa, bình quân mỗi khẩu có gần 850m2 đất sản xuất.

Quá trình thực hiện công tác vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất, UBND huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, khảo sát đánh giá hiện trạng việc sử dụng đất nông nghiệp tại các thôn, bản và các hộ gia đình. Từ đó, xây dựng và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương. Gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng để từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, tập trung đất sản xuất thành vùng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Phấn đấu mỗi hộ nông dân chỉ còn canh tác từ một đến hai vùng phù hợp quy hoạch hạ tầng nông thôn mới.

Đến nay đã có 19/20 xã, thị của Anh Sơn thực hiện chuyển đổi. Số thửa trước chuyển đổi là 94.199 thửa, sau chuyển đổi là 50.646 thửa. Diện tích bình quân trên mỗi thửa trước khi chuyển đổi là 409 m2, sau chuyển đổi là 761 m2, bình quân mỗi hộ nhận 3 thửa, so với trước chuyển đổi là 5 thửa. Các địa phương thực hiện chuyển đổi và đã giao đất thực địa cho nhân dân để sản xuất vụ xuân năm 2013 như: Bình Sơn, Tường Sơn, Đỉnh Sơn, Lĩnh Sơn, Long Sơn và Lạng Sơn… đặc biệt là 3 xã Cẩm Sơn, Hùng Sơn và Tam Sơn đã hoàn thành công tác chuyển đổi trước thời gian quy định. Ngay sau chuyển đổi ruộng đất, huyện đã chỉ đạo các xã căn cứ vào tình hình thực tế để hướng dẫn các hộ dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cây trồng hợp lý, nên trên địa bàn đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hiền - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn ở các xã Tường Sơn, Tam Sơn, Lĩnh Sơn và Tào Sơn; đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất trên đơn vị diện tích cho nhân dân...”.

Việc thực hiện Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện khóa XIX trên địa bàn huyện Anh Sơn được thực hiện khá bài bản, từ việc tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức, đến xây dựng các phương án chuyển đổi, thực hiện công khai, dân chủ để người dân nắm vững bản đồ quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng, công khai kinh phí, khối lượng phải đào đắp giao thông, bờ vùng, bờ thửa để nhân dân bàn phương án thực hiện. Bức tranh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Anh Sơn đang khởi sắc từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền và người dân địa phương.


Đặng Dương (Đài Anh Sơn)

Mới nhất
x
Chuyển đổi ruộng đất ở Anh Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO