Chuyện gần xa về thầy giỏi làm 'nghề khắc nghiệt'
(Baonghean.vn) - Người hâm mộ bóng đá phần lớn đều biết đến tài năng của những nhà cầm quân người Italia như Sacchi, Capello, Contte và Ancelotti, bởi dấu ấn chiến thuật đặc biệt họ mang đến cho mỗi đội tuyển hay đội bóng lừng danh mà họ dẫn dắt. Ngoài ra, các nhà cầm quân người Hà Lan hay Đức cũng là những bậc thầy về mọi mặt và luôn được “vời” đến làm việc ở những đội bóng giàu tham vọng.
Trong khi đó, một nền bóng đá mạnh thu hút nhiều thầy giỏi, cầu thủ giỏi nhưng chưa chắc đã sinh ra được một huấn luyện viên giỏi như nước Anh chẳng hạn. Lâu nay người Anh vẫn chưa có được thành công như ý khi thuê huấn luyện ngoại cho đội tuyển. Rồi khi quay về với “cây nhà lá vườn”, mọi việc vẫn không khá hơn là mấy (HLV Gareth Southgate). Để rồi, khi mọi việc tưởng như ngon lành thì lại vấp phải sự cao tay của…người Italia, từ vai trò của ông thầy tới sự ranh ma, quái kiệt của các học trò trong nghệ thuật phòng thủ và lối chơi đầy toan tính ăn vào trong máu của đoàn quân áo Thiên Thanh như tại EURO 2020 vừa qua.
Với bóng đá châu Âu phát triển bậc nhất thế giới đã có chuyện lạ mà không lạ như vậy, thì bóng đá khu vực vùng trũng, mọi việc càng không có gì đáng nói. Người ta lần lượt thuê thầy ngoại từ Âu - Mỹ nhưng không đạt được gì nhiều. Rồi quay về với các ông lớn Nhật Bản, Hàn Quốc như cách bóng đá Việt, Indonesia hay Singapore… đang làm. Thành công của ông Park Hang-seo đang được nhân rộng trong khu vực và thành công đạt được của quá trình “châu lục hóa” nhà cầm quân vẫn phải chờ đợi thời gian trả lời.
Thành công của ông Park Hang-seo đang được nhân rộng trong khu vực. |
Không chỉ Đội tuyển Việt Nam mà cả các đội bóng hàng đầu V-League như Hà Nội FC hay Viettel đều đang sử dụng các nhà cầm quân người Hàn Quốc. Hiệu ứng tích cực đang dần được chứng minh trong bối cảnh bóng đá Việt vốn có nhiều người được đăng ký chức danh huấn luyện viên trưởng nhưng thành công rất hạn chế. Nghề huấn luyện vốn khó, khắc nghiệt, thành công hôm nay nhưng mai sẽ bị bắt bài, sẽ thất bại và bị sa thải, kể cả những huấn viên tên tuổi được nói ở đầu bài.
Huấn luyện viên kỳ cựu Phan Thanh Hùng đưa Hà Nội FC lên đỉnh, sau đó là Chu Đình Nghiêm nhưng rồi thời gian bắt buộc họ phải rời đi, phải đến đội bóng mới và thành công là câu chuyện khó như… lên trời. Hữu Thắng thành công với Sông Lam Nghệ An nhưng khi lên tuyển và vào Thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện khó khăn hơn nhiều, cầm chắc thất bại hơn nhiều. Thực tiễn đã trả lời rất cụ thể. Khen là khen cho họ dám dấn thân, biết thất bại vẫn dám làm, dám chịu. Nhưng lo và buồn là đáng ra họ cần có sự tích lũy nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, lựa chọn chính xác hơn thì biết đâu chậm mà chắc, lâu mà vững, nhiều cơ hội làm lại, làm mới hơn…
Cũng lo và buồn là kể cả những người học hành tử tế, nghiêm cẩn nhưng thành công cũng đến rồi đi nhanh chóng. Thành công được một mùa đã là khó, giữ được thành công còn khó hơn. Một loạt ông thầy trẻ như Hữu Thắng, Việt Hoàng… nằm trong số đó. Khi mọi thứ ở ngoài tầm tay thì tài đến mấy cũng chịu. “Chiếc ghế 4 chân, cầu thủ nắm 3” là chuyện ai ai cũng biết. Đội bóng từng được coi như “Chelsea của Việt Nam” một thời là Becamex Bình Dương có thành công nhưng rồi rơi vào cảnh thay huấn luyện viên như cơm bữa, chạy tít vòng quanh không thoát khỏi mớ bòng bong. Đội bóng giàu có như Thành phố Hồ Chí Minh mùa vừa rồi mời cả tá thầy giỏi, trò hay, nhưng cao nhất cũng chỉ một lần về nhì và nay thì đang chạy trối chết để chống xuống hạng. Nhà giàu mà vẫn khổ thì nhà nghèo “khóc cạn nước mắt” như Nam Định là chuyện thường ngày, chuyện loanh quanh đổi thầy, thay ghế để giữ hạng mà thôi, không biết bao giờ mới khá lên được.
Một người có lịch sử chơi bóng giỏi có thể trở thành một ông thầy giỏi như Fran Beckenbauer hay Johan Cruyff nhưng cũng có chuyện một cầu thủ chơi không hay nhưng làm thầy tuyệt tác như Jose Mourinho hay Thomas Tuchel. Ông Thanh Hùng là người duy nhất trưởng thành vượt bậc trong nhóm ngôi sao Quảng Nam - Đà Nẵng từng vô địch quốc gia năm 1992, khi Sông Lam Nghệ Tĩnh chỉ mới học nghề để vươn lên “ngoại hạng”. Ông Hùng được các đàn anh Văn Lợi, Trần Vũ, Lê Đình Chính, Vũ Văn Tư… truyền dạy nhiều bài học thấm thía bên cạnh sự vượt lên của chính mình, nên thành công vượt bậc của người từng được giao nắm đội tuyển quốc gia và thành công bền bỉ đến nay là có cơ sở vững vàng. Trong khi đó, Hữu Thắng có thể học được nhiều điều ở các vị tiền bối Nguyễn Thành Vinh, Hồng Thanh… nhưng chừng đó chỉ đủ cho Sông Lam Nghệ An cùng ông thầy trẻ lên ngôi một lần. Còn sau đó là quá trình tự thân vận động nơi đất khách, đất mới, hoàn toàn không dễ cho không chỉ Hữu Thắng hay Việt Hoàng…
HLV Huy Hoàng. |
Câu chuyện Hữu Thắng ở Sông Lam Nghệ An khá trùng với bước đi của Huy Hoàng hiện nay. Tưởng giống nhau nhưng điều kiện, hoàn cảnh bây giờ đã khác, nên thực ra Huy Hoàng vô cùng khó để làm nên một điều gì đó, nếu không nói là thất bại đang cận kề? Một đội bóng luôn có lò đào tạo trẻ tốt, có nền nếp về mọi mặt, nhưng thực ra không có nổi một nhà cầm quân giỏi thực sự (hay người ta không sử dụng người tài, người giỏi mà cho nơi khác thuê mượn?) thì không bao giờ có được kết quả tốt ở V-League như những gì đang diễn ra vô cùng khắc nghiệt lâu nay?