Chuyên gia hiến kế đổi mới môn Lịch sử

02/12/2015 07:56

Giáo viên sẽ đóng vai trò quyết định đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể…

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Như vậy, môn Lịch sử tiếp tục là môn học độc lập, không bị tích hợp vào các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Vấn đề cốt yếu là bây giờ chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu trong việc đổi mới môn Lịch sử, làm sao để môn học này thực sự thu hút học sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội - người tâm huyết nghiên cứu Lịch sử hàng chục năm cho rằng, trên nền tảng của sách giáo khoa cũ, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới chương trình, cách thức viết sách giáo khoa, sau đó mới đổi mới giảng dạy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ,

Hiện nay, việc giảng dạy Lịch sử được tiến hành theo phương thức liên thông từ cấp Tiểu học đến THPT và theo hướng nâng dần kiến thức lên. Nếu đổi mới môn Lịch sử ở cấp Tiểu học có thể cho kết hợp với môn Địa lý.

Môn Lịch sử nên được thực hiện theo dạng các câu chuyện và chủ đề hấp dẫn học sinh. Ví dụ như chủ đề: Tên nước Việt Nam qua các thời đại: Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Việt, Việt Nam… thì giáo viên nên giải thích một cách cụ thể, tỉ mỉ rồi sau đó cho học sinh cùng trao đổi một cách khoa học và sôi nổi nhất.

Để phát huy năng lực của học sinh, giáo viên nên cho các em trình bày cảm nhận của mình một cách chân thật nhất thông qua các chủ đề như: Thăm các dòng sông, đi du lịch qua các cố đô…

Đối với phần kể về các nhân vật lịch sử và danh nhân, giáo viên phải có kỹ năng khêu gợi, phát huy trí tò mò, tưởng tượng, khám phá của học sinh thông qua các câu chuyện hấp dẫn như: Ai Cập- đất nước kim tự tháp, Hy Lạp - quê hương của các vị thần…

Ở cấp THCS, hầu như các trường đang giảng dạy phần lịch sử Việt Nam xong rồi mới đến phần lịch sử thế giới. Thế nhưng, phần giảng dạy này chưa tạo được sự liên kết các kiến thức với nhau.

Để khắc phục thực tế trên, chương trình sách giáo khoa có thể song song phần kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới. Ví dụ như bài: Xã hội nguyên thủy trong phần lịch sử thế giới thì giáo viên có thể giảng luôn bài Dấu tích nguyên thủy trên đất nước Việt Nam.

Bài về Cách mạng Tháng Tám thì giáo viên có thể nói về không khí trong ngày Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, Sài Gòn và có kèm theo thế trận của Chiến tranh thế giới lần thứ II như thế nào.

Đổi mới môn Lịch sử là sự đổi mới toàn diện, trong đó có chương trình sách giáo khoa. Trong quyển sách có giới thiệu toàn cảnh lịch sử của một chương qua các hình ảnh, video sinh động.

Trong cách viết sách giáo khoa, ban biên soạn không nên để dồn nhiều sự kiện, ngày tháng như hiện nay mà có thể đưa tư liệu lịch sử, nhiều bản đồ, tranh ảnh sinh động nhiều màu sắc (kể cả tranh ảnh biếm họa) để cho cuốn sách thực sự bắt mắt và thu hút học sinh đến với môn Lịch sử hơn.

Ở cấp THPT, ban biên tập sách giáo khoa mới nên có cách thức viết sách theo hướng cho giáo viên có thể giảng dạy theo chủ đề: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học… Lớp 10, giáo viên dạy lịch sử thời cổ trung đại; lớp 11 dạy lịch sử cận đại và lớp 12 là lịch sử thời hiện đại.

Chủ đề của mỗi thời kỳ lịch sử phải thật hấp dẫn, có liên hệ giữa những sự kiện lịch sử với tình hình hiện tại. Ví dụ như chủ đề “Chiến tranh và hòa bình” thì có thể đưa ra các bài học về “Quá khứ không bình yên” gồm phần I là những sự kiện đáng nhớ của chiến tranh thế giới lần thứ I, chiến tranh thế giới lần thứ II. Phần thứ hai là “Khói súng vẫn dày đặc” bao gồm những kiến thức về chiến tranh Trung Đông, lực lượng IS, tình hình Ukraine và Afghanistan hiện nay.

Phần thứ ba là “Âm thanh của hòa bình” bao gồm những bài học để học sinh hiểu hơn về vị trí, vai trò của các tổ chức Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, các cuộc thi Olympic quốc tế và gắn hình ảnh Việt Nam - đất nước của hòa bình.

Giáo viên quyết định chất lượng dạy môn Lịch sử

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, trong đại kế phát triển giáo dục, thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng nhất. Cho dù sách giáo khoa có đẹp, có hay, cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy có hiện đại đến đâu thì không phải là yếu tố quyết định đến đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, việc giảng dạy môn Lịch sử chủ yếu thiên về phương pháp thuyết trình theo kiểu “thầy đọc trò chép”. Trong đổi mới cách dạy môn Lịch sử, giáo viên nên đóng vai trò là người tổ chức lớp học cho học sinh thực sự hào hứng với môn học.

Thay vì chỉ là người đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức, thầy cô giáo nên tăng cường các hoạt động học nhóm, học sinh có thể trao đổi về vấn đề nào đó một cách tự nhiên, sôi động nhất. Để hỗ trợ giáo viên giảng dạy hiệu quả hơn, nhà trường nên đầu tư thêm máy chiếu để giáo viên có thể đưa hình ảnh, đoạn băng video về một chủ đề lịch sử lên bảng nhằm thu hút học sinh tập trung học môn này hơn.

Bên cạnh việc đổi mới phương pháp, chúng ta cần tăng cường bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Theo đó, giáo viên cần tự học hỏi, nắm vững kiến thức, phương pháp giảng dạy mới để làm sao môn Lịch sử thực sự thu hút học sinh.

Ngoài ra, nhà trường nên tạo điều kiện để học sinh được đi tham quan các di tích lịch sử, viện bảo tàng… Qua những chuyến đi thực tế, các em sẽ hiểu thêm về lịch sử của dân tộc thông qua những hình ảnh cụ thể, có thực.

Song song với những yếu tố đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên thì việc đổi mới môn Lịch sử còn cần sự chung tay hỗ trợ, góp sức của ngành Điện ảnh trong việc xây dựng, trình chiếu những bộ phim nói về lịch sử.

Giáo dục lịch sử không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức mà còn phải khơi dậy khí phách chống giặc ngoại xâm và giữ nước của cha ông ta, tạo được tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và kêu gọi công dân sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi bài giảng lịch sử phải giúp học sinh hiểu được ngày xưa cha ông ta xây dựng đất nước như thế nào và khơi dậy bản chất yêu nước của người dân Việt Nam trong lòng mỗi người học. Điều này góp phần trang bị cho thế hệ trẻ trở thành “công dân toàn cầu” với sự hội tụ đầy đủ trí tuệ, năng lực, phẩm chất mang bản sắc riêng để đi đâu cũng hãnh diện, tự hào là con người Việt Nam./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chuyên gia hiến kế đổi mới môn Lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO