Chuyện gieo chữ ở Quỳ Châu
Quỳ Châu là huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông, sống ở vùng sâu, xa, quan điểm việc học còn nhiều hạn chế. Từ việc đánh giá đúng nguyên nhân, những năm qua, chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục huyện, cùng với các nguồn hỗ trợ khác, đã có nhiều chương trình giúp cuộc sống của bà con bớt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ đến trường.
(Baonghean) - Quỳ Châu là huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông, sống ở vùng sâu, xa, quan điểm việc học còn nhiều hạn chế. Từ việc đánh giá đúng nguyên nhân, những năm qua, chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục huyện, cùng với các nguồn hỗ trợ khác, đã có nhiều chương trình giúp cuộc sống của bà con bớt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ đến trường.
Chúng tôi đến thăm Trường THCS Châu Hội - trường có số học sinh dựng lều quanh trường để ở và được nhiều báo chí nhắc tới. Trường có 342 học sinh của 13 bản thuộc xã Châu Hội, trong đó có 6 bản nằm ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn, đó là bản Xớn, bản Tằn 1, Tằn 2, bản Khun... cách xa trường từ 8-20km. Dựng lều quanh trường để được học cái chữ, hàng năm số học sinh này dao động trên dưới 40 em. 3 năm trước những phòng ở của các em xập xệ, xơ xác. Theo học nhưng ở trọ ngoài trường, không có sự quản lý của thầy cô nên các em thường xuyên bỏ học. Bây giờ, phụ huynh và nhà trường đã kết hợp làm một số gian nhà tạm để học sinh ở trong khuôn viên nhà trường. Chiều thứ 7 hàng tuần, các phụ huynh đến đón con về, chiều chủ nhật lại thồ gạo, củi, nước mắm, cá khô... đủ cho một tuần học tập. Dù cuộc sống còn khó khăn, bữa ăn còn kham khổ nhưng cả phụ huynh và học sinh đều xác định việc học là quan trọng nên cùng nỗ lực để vượt qua. Bên cạnh đó, nhà trường còn hỗ trợ thêm mỗi tuần 2 bữa trưa cho các cháu, dù chưa nhiều, nhưng sự quan tâm đó đã làm ấm lòng phụ huynh và học sinh...
Được biết, tháng 10 năm 2010, trường THCS Châu Hội đã được UBND tỉnh công nhận và trao chứng nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1, sự kiện này khẳng định bước tiến của trường cả về chất lượng giáo dục và tiềm lực cơ sở vật chất. Thêm một số chỉ tiêu khác của trường: Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc, tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng nhiều hơn. Điều quan trọng và vui nhất đến với các em học sinh và nhà trường, trong kế hoạch xây dựng cơ bản được duyệt để thực hiện trong năm học mới này, 14 phòng ở khép kín khu ký túc xá nội trú cho các em sẽ được khởi công...
Giao lưu ngoại khóa tiếng Anh ở trường THCS Châu Hội
Nhà nội trú của học sinh trường THCS Châu Hội
Lớp học lẻ ở bản Tắn được xây dựng khang trang
Tại điểm bản lẻ công lập cấp tiểu học xã Châu Hội 2 nằm bên sườn núi của bản Tắn, 3 phòng học mới vừa hoàn thành đưa vào sử dụng còn thơm mùi vôi vữa. Đây là phòng học của chương trình kiên cố hoá trường học từ nguồn vốn của Chính phủ, 5 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 có đông đủ học sinh, những gương mặt trẻ thơ vùng rừng núi mặn mà nắng gió, rạng rỡ niềm vui. Cô giáo Nguyễn Thị Lan chủ nhiệm lớp 1 phấn khởi:” Mấy năm gần đây, nhiều phụ huynh đã quan tâm đến việc cho con đến trường để học cái chữ, vì vậy, hiện tượng học sinh bỏ học không còn nữa, cũng không phải đến từng bản, từng nhà để vận động cho trẻ đến trường. Từ ngày có phòng học mới cô và trò đều chăm chỉ, tình cảm gắn bó. Ngày khai trường cả cô và trò đều náo nức. Cuộc sống của các em tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng rất cố gắng. ”.
Quỳ Châu có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đông, sống ở vùng sâu, vùng xa, tập quán sinh sống lạc hậu, tỷ lệ nghèo đói khá lớn, quan điểm việc học còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, phấn đấu “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) để học sinh theo học là vấn đề cốt yếu. Từ việc đánh giá đúng nguyên nhân, những năm qua, chính quyền địa phương và Phòng, cùng nhiều nguồn hỗ trợ khác, đã có nhiều chương trình giúp cuộc sống của bà con bớt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ đến trường. Ngành giáo dục chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể để thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục các cấp học: vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, tăng cường bồi dưỡng cho học sinh yếu kém để nâng cao chất lượng, vì vậy tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS đạt 89,6% Hiện tỷ lệ tiểu học đúng độ tuổi là 91,2%, hệ mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 5/12 đơn vị (thị trấn, Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận).
Công đoàn các trường tổ chức cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong cán bộ, giáo viên nữ. Tập thể giáo viên vận động quyên góp để tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh nghèo, dạy tăng buổi bồi dưỡng học sinh không thu tiền, chăm sóc học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, đổi mới phương pháp dạy học, chấm dứt việc dạy học theo kiểu “đọc-chép” ở THCS và THPT, rút kinh nghiệm về việc dạy phân ban ở THPT...
Với nỗ lực và sự phối hợp đồng bộ với các cấp ngành, 5 năm qua, toàn huyện đã xây mới được trên 400 phòng học kiên cố, tu sửa, nâng cấp một số phòng học đã xuống cấp để đảm bảo đầu năm học mới các em có chỗ học đảm bảo an toàn
Bà Võ Thị Lộc- Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện cho biết :”Những năm trước, chất lượng giáo dục yếu, phòng học thiếu, tạm bợ, số lượng học sinh bỏ học ngày càng nhiều, lãnh đạo và giáo viên phải đến những bản xa và khó khăn như Thung Khạng, Pà Hốc, Kẻ Cam... vào tận nương rẫy để vận động các phụ huynh cho con đến trường. Khó khăn là vậy, nhưng hiện nay ở các bản này tỷ lệ học sinh bỏ học không đáng kể. Trước đây không có học sinh đăng ký thi vào các trường đại học lớn, nhưng 3 năm học gần đây, các em đã mạnh dạn thi và đỗ với số điểm cao một số trường như: Học viện An ninh, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính... Năm học mới này, ngoài những phòng học được tu bổ, sửa chữa mới để thầy và trò có chỗ học khang trang, an toàn, ngành giáo dục quỳ Châu còn được sự hỗ trợ của quỹ tấm lòng vàng Lao động hỗ trợ 2 phòng học tại trường Mầm non Châu Phong…
Hi vọng với sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, năm học mới này thầy và trò ở các trường học của huyện Quỳ Châu sẽ đạt thêm nhiều thành tích mới và là một điểm sáng trong phong trào học tập của các huyện miền núi.
Đạm Phương – Song Hoàng