Chuyện làm cầu vượt sông ở Cốc Mẳm
Trong cái nắng hanh hao giao mùa, tôi tìm về với xóm Cốc Mẳm - xóm thuần dân tộc Thổ nằm ven sông Dinh thuộc xã vùng cao Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Cách xa Quốc lộ 48C chẳng là bao, nhưng đường về Cốc Mẳm lại hết sức gian nan vì suối khe cách trở; bao năm nay Cốc Mẳm "nổi tiếng" với "thành tích" bất đắc dĩ đó là làm cầu tạm. Ví như đợt lũ vừa qua, xóm đã có đến gần chục lần làm cầu, điệp khúc làm cầu - lũ cuốn - lại làm cầu...
(Baonghean) - Trong cái nắng hanh hao giao mùa, tôi tìm về với xóm Cốc Mẳm - xóm thuần dân tộc Thổ nằm ven sông Dinh thuộc xã vùng cao Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Cách xa Quốc lộ 48C chẳng là bao, nhưng đường về Cốc Mẳm lại hết sức gian nan vì suối khe cách trở; bao năm nay Cốc Mẳm "nổi tiếng" với "thành tích" bất đắc dĩ đó là làm cầu tạm. Ví như đợt lũ vừa qua, xóm đã có đến gần chục lần làm cầu, điệp khúc làm cầu - lũ cuốn - lại làm cầu...
trò chuyện cùng tôi, bác Trương Đăng Dung - Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Cốc Mẳm kể vanh vách những lần bà con hợp sức lại để làm cầu tạm vượt sông Dinh. Mùa hanh hao nước rút, dòng Dinh trơ cạn là thế, nhưng mùa mưa, nước thượng nguồn Pù Huống đổ về, dòng Dinh trở nên cực kỳ hung dữ, cuốn phăng tất cả những gì cản trở.
Cây cầu tạm bên cạnh cây cầu "cọc bê tông - đà tà vẹt" bị lũ cuốn trôi.
Sông Dinh là hợp lưu của các sông Nậm Choọng, Nậm Tôn, Nậm Cù... nên lòng sông trải rộng mênh mông. Làm cầu kiên cố thì "vượt tầm" đóng góp của các hộ dân trong xóm, nên bao năm nay, bà con vẫn kiên gan với điệp khúc làm cầu tạm. Không làm cầu tạm thì lúc muốn ra xã, lên huyện, hay đi chợ chỉ có cách là dầm mình trong nước mà... bơi. Cấp thiết hơn là chuyện học của con em, bởi muốn đến trường học chữ thì phải vượt dòng Dinh chứ không còn con đường nào khác. Vào mùa mưa, hầu hết con em trong xóm thường phải đến trường bằng... sào tre. Số là cầu tạm bị lũ cuốn, nên bố mẹ các em có "sáng kiến" là làm một cái sào tre dài, rồi cho mấy cháu cởi hết áo bỏ vào túi bóng, hai tay vịn chặt vào sào tre và người lớn dùng hết sức bình sinh để... lội qua sông. Cái sự đến trường gian nan là vậy, nên không ít con em ở Cốc Mẳm phải bỏ học dở chừng vì..sợ nước cuốn trôi.
Thương về Cốc Mẳm, năm 2004, xã Thọ Hợp đã huy động đóng góp 500 ngàn đồng mỗi hộ dân, tổng huy động toàn xã được hơn 400 triệu đồng. Cùng với hỗ trợ của cấp trên, cây cầu Cốc Mẳm "cọc bê tông- đà tà vẹt" với kinh phí trên 1 tỷ đồng đã hoàn thành. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì năm 2008 cây cầu này bị lũ cuốn tan tác. Nay dấu tích vẫn còn đó với những thanh tà vẹt xiêu vẹo, cong vênh, ngổn ngang giữa dòng...
Không thể bơi lội qua sông suốt bốn mùa, nên bà con xóm Cốc Mẳm lại phải làm cầu tạm, tính ra mỗi năm, xóm có đến gần chục lần phải huy động tổng lực để làm cầu như thế. Dịp lũ vừa qua, bà con cứ liên tục dầm mình trong nước để làm cầu, mấy bận cầu vừa làm xong buổi sáng, buổi chiều lại bị cuốn trôi và cứ thế, cái điệp khúc làm cầu cứ ám ảnh người dân nơi đây.
Cao Duy Thái