Chuyện làm dâu

11/10/2012 17:57

(Baonghean) Chuyện “mẹ chồng nàng dâu” cũng tùy vào từng hoàn cảnh, từng quan niệm khác nhau, bởi ngoài những bà mẹ chồng khó tính, hay chấp nhặt con dâu, cũng có nhiều mẹ chồng “coi con dâu hơn con đẻ”...

Rất tình cờ, Chủ nhật vừa rồi tôi có dịp gặp lại H - cô bạn học cũ, hiện đang là giáo viên một trường tiểu học ở Hưng Nguyên. Sau một hồi hỏi han, nét mặt cô bạn tôi chợt chùng xuống: “Mấy hôm nay vợ chồng tớ đang đau đầu về chuyện gia đình đây”. Tôi ngạc nhiên: “Sao nghe nói chồng bạn yêu thương vợ con lắm kia mà”. H trả lời: “Không phải chuyện vợ chồng, mà là chuyện mẹ chồng với con dâu”. Rồi H bộc bạch những nỗi niềm chất chứa bấy lâu nay.



(Minh họa của Nam Phong)

Sau 4 năm yêu nhau, H lên xe hoa trong niềm hạnh phúc vô bờ, mặc dù trước đó, chồng H đã từng tâm sự rằng: “Bố anh mất sớm, mẹ anh ở vậy nuôi con nên hơi khó tính. Sau này về ở với cụ, em chịu khó chiều cụ một tý cho gia đình vui vẻ”. Xuất thân trong gia đình nền nếp, bố mẹ đều làm nghề giáo, nên H có được đức tính chịu thương, chịu khó.

Thời còn đi học, H có tiếng hiền hành nhất lớp tôi. Những tưởng chuyện làm dâu giản đơn, thế nhưng mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu đến rất nhanh sau ngày cưới. Ban đầu chỉ là những chuyện nho nhỏ như “nấu món này không hợp khẩu vị, để cái tủ ở đây mẹ thấy không ổn...” rồi sau đó là “Sao hôm nay đi làm về muộn thế? Là phụ nữ đi đâu cũng phải về sớm còn lo cơm nước, nhà cửa”, “Quần áo mua sắm vừa thôi, diện quá không tốt đâu con ạ”... Vừa rồi, H cũng có ý định tham gia lớp đại học tại chức, chồng thì hết lòng ủng hộ, nhưng khi H thưa chuyện với mẹ chồng, lập tức bà nói thẳng tưng: “Đàn ông con trai mới cần học cao hiểu rộng. Phụ nữ học hành vừa thôi, việc chính của chị bây giờ là chăm sóc gia đình. Đừng để chuyện nhỏ ảnh hưởng đến tình cảm mẹ con”. Nghe bà nói vậy, H không còn tâm trí đâu mà nghĩ tới việc học để nâng cao chuyên môn, nghề nghiệp nữa.

Nghe H kể xong, tôi cũng chỉ biết an ủi bạn: “Thôi, chấp cụ làm gì! Theo mình, bạn cứ đi học, rồi từ từ cụ sẽ hiểu. Thật ra, chẳng ai thích con dâu mình thua bạn kém bè đâu. Chẳng qua cụ nghĩ chưa thông thôi”.

Chuyện làm dâu của H khiến tôi nghĩ ngay đến chuyện làm dâu của T – em họ tôi ở Diễn Châu. Cả gia đình tôi ai cũng phải phục bà cô tôi – mẹ chồng của T và nhìn T với đôi mắt đầy ngưỡng mộ: “Sao số nó sướng thế, có được bà mẹ chồng hơn cả mẹ đẻ”.

T là con dâu thứ hai của cô tôi. Ngày lấy chồng, T đang làm cho một công ty trách nhiệm hữu hạn ở Vinh, còn chồng T công tác tận Hà Nội. Cả hai cùng là bạn học thời phổ thông. Thấy hai vợ chồng ở hai nơi, cô tôi trăn trở lắm, rồi cô quyết định về hưu sớm hơn để xin cho con dâu vào làm việc tại cơ quan cũ của mình. Vốn chịu thương chịu khó, nên khi T sinh con đầu lòng, nghĩ con trai mình ở xa, không thể giúp được gì cho vợ nên bao nhiêu tình thương cô dồn hết cho cháu và con dâu. Việc dặt giũ, chăm sóc con dâu trong thời gian ở cữ, phục vụ người chồng bị tai biến nằm một chỗ hơn 10 năm nay một tay cô làm hết. Lúc nào gặp cô, cũng luôn thấy nụ cười rạng rỡ: “Cô làm quen rồi, về hưu mới có thời gian để giúp đỡ con cháu. Chồng T ở xa, nó thiếu thốn tình cảm, mình làm mẹ, mình phải hiểu điều đó chứ”.

Khi con tròn 4 tháng, T bắt đầu đi làm trở lại mà không hề vướng bận chuyện ở nhà. Bữa sữa buổi sáng, cháo buổi trưa, nước cam buổi chiều đã có mẹ chồng lo tất tần tật. Khi con gái đầu tròn 5 tuổi, T sinh cháu thứ hai. Từ ngày có thêm cháu, cô tôi càng bận hơn: buổi sáng dậy sớm hơn lo bữa sáng cho cả nhà, sau đó chở cháu lớn đến trường mầm non, tranh thủ tạt qua chợ mua thức ăn, về nấu cháo cho cháu nhỏ. Khi con gái thứ hai tròn 6 tháng, được sự động viên của chồng và mẹ chồng, T mạnh dạn đăng ký học lớp cao học tại chức tại Vinh. Thế là từ đó, để tạo điều kiện cho con dâu đi học, thứ 7, chủ nhật nào cô cũng phải trông hai đứa cháu: một lên 5 tuổi, 1 mới gần 1 năm. Vất vả là thế nhưng khi chúng tôi “nói ra nói vào” chuyện T “con còn nhỏ thế đi học làm gì, mà Đại học là được rồi chứ Cao học có giải quyết được gì đâu?”, cô tôi lập tức gạt phắt ngay: “Thời buổi này mà không học để nâng cao kiến thức thì làm sao theo kịp xã hội. Chồng T đã có bằng cao học thì bản thân nó cũng phải phấn đấu cho bằng được. Vợ chồng mà chênh lệch bằng cấp quá là khó xử lắm”.

Đây là hai câu chuyện “mẹ chồng nàng dâu” hoàn toàn có thật mà tôi nghĩ chắc chắn rằng khi đọc xong mỗi chúng ta sẽ phải suy nghĩ quan niệm của mẹ chồng H đúng hay mẹ chồng T đúng?”. Câu trả lời xin dành cho chính bạn đọc.


Thanh Hiền

Mới nhất
x
Chuyện làm dâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO