Chuyện làm giàu của ông chủ Long Vân
Từng là thuyền trưởng tàu không số, chuyên viên của Ty Thủy sản, sau khi nghỉ hưu, Ông Nguyễn Long Vân vẫn đam mê nghiên cứu, thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá nước ngọt và lợn rừng trên đất cát bạc màu của Thị xã Cửa Lò. Ông hiện ở khối Hải Bằng 1 phường Nghi Hòa- thị xã Cửa Lò.
(Baonghean) - Từng là thuyền trưởng tàu không số, chuyên viên của Ty Thủy sản, sau khi nghỉ hưu, Ông Nguyễn Long Vân vẫn đam mê nghiên cứu, thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá nước ngọt và lợn rừng trên đất cát bạc màu của Thị xã Cửa Lò. Ông hiện ở khối Hải Bằng 1 phường Nghi Hòa- thị xã Cửa Lò.
Để có những thành công như hôm nay, ông Nguyễn Long Vân đã trải qua nhiều gian nan vất vả và không ít đắng cay từ những bài học để đời của một thời kinh tế bao cấp. Hơn nửa cuộc đời trải nghiệm với biển cả, nhưng cuộc sống đói nghèo luôn đeo bám đã khiến ông không thể ngồi yên chịu khổ. Mấy chục năm lênh đênh trên biển, từ vị trí Đồn phó Đồn Công an Bến Thủy, năm 1970, ông được cấp trên giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu không số (đóng ở Hải Phòng) vận chuyển vũ khí, lương thực vào miền Nam. Rồi làm thuyền trưởng tàu đánh cá Hạ Long (Quảng Ninh), chuyên viên Sở Thủy sản Nghệ An, thường xuyên đi cơ sở để chỉ đạo việc khai thác, đánh bắt.. đã rèn cho ông ý chí, nghị lực không khuất phục khó khăn.
Ao nuôi cá lóc của ông Nguyễn Long Vân.
Năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông trăn trở trên vùng duyên hải đất cát khô cằn của vùng mình có thể trồng được cây gì, nuôi được con gì? Sau nhiều suy nghĩ, ông quyết định mua sách, báo về đọc kỹ thuật và viết đề án “Cải tạo thiên nhiên, biến khó thành dễ” nuôi các loại cá nước ngọt trong bể xây xi măng có hệ thống nước xả và thải theo ý mình. Bước đầu ông thử nuôi các loại đặc sản: ba ba, ếch, rô đồng Thái Lan, cá lóc đen… Qua thời gian sàng lọc, ông thấy cá lóc có thời gian sống được trong môi trường thiếu ô xi từ 10-15 giờ, do vậy giá trị sẽ cao hơn, nên ông chỉ tập trung vào nuôi cá lóc.
Tình cờ, đọc thấy một bài báo về mô hình nuôi cá lóc đen ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ông bỏ tiền sang tham quan và xin học hỏi kỹ thuật nuôi; ông còn tiếp tục đến một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre... Trở về, ông vui mừng “phát hiện” số tiền hàng chục triệu đồng bỏ ra thật không uổng phí. Từ chỗ mỗi năm chỉ nuôi được một mùa, giá rét và nắng nóng phải nghỉ, do cá không phát triển và bị bệnh, ông đầu tư hệ thống nước ngầm chống nóng và rét cho cá lóc đen để nuôi được quanh năm. Ông sử dụng 960m2 đất vườn, xây 12 bể xi măng, quanh ao ông làm giàn trồng các loại cây leo và sau thời gian thử nghiệm, cuối cùng tìm được loại cây vừa chống nắng có hiệu quả, lại có thu nhập theo hướng rau an toàn đó là trồng mướp.
Giàn mướp nhà ông không những cung cấp đủ rau ăn cho cả gia đình lớn gần 20 thành viên mà thu hoạch từ mướp cũng đủ chi phí điện, nước, bảo dưỡng máy móc. Giàn mướp còn chống nóng rất có hiệu quả cho cá. Đồng thời hệ thống ống nước ngầm có thể xả nước đã quá nóng ra ngoài và bơm nước dưới lòng đất làm mát, giữ được nhiệt độ cho ao như ý muốn. Mùa đông, những ngày giá rét, khi nhiệt độ ở mặt đất xuống thấp bao nhiêu thì nước trong lòng đất lại ấm bấy nhiêu. Ông sử dụng hệ thống nước ngầm để xả nước lạnh ra ngoài tưới cây và bơm nước ấm từ lòng đất lên để giữ độ ấm cho cá… Sau khi nuôi thành công, nhiều đoàn đã về tham quan, ông phổ biến cho họ cách làm và lại nhiều lần lên đường khi có yêu cầu để giúp cho các hộ nuôi. Bằng kinh nghiệm thực tế, hiện ông đã góp phần nhân rộng được hàng chục mô hình trên địa bàn Thị xã Cửa Lò.
Năm 2008, ông thực hiện tiếp đề tài nuôi thuần chủng động vật hoang dã như cầy hương, nhím rừng, lợn rừng… Ông tiếp tục lên đường đến 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương để học tập kỹ thuật nuôi và mua giống. Trong khuôn viên rộng gần 200m2 có cây, cỏ dại, có gốc cây to… tạo nên một không gian như một khu rừng để các loại động vật hoang dã có không gian và vận động theo sở thích, thói quen. Thức ăn cho lợn rừng cũng đơn giản: chuối cây, rau, cỏ và lúa đập bột, nước gạo.
Khu trang trại này được thường xuyên dọn vệ sinh, quét rải vôi bột để khử trùng nên đã qua thời gian 11 năm nuôi không hề có dịch bệnh. Sau thời gian 5 năm thực hiện việc thuần chủng các loại cầy hương, nhím, lợn, ông rút ra nuôi lợn rừng là loại có hiệu quả kinh tế cao nhất. Mỗi lứa ông nuôi khoảng 10 con lợn rừng. Qua nuôi thử nghiệm và bán ra thị trường, loại thịt lợn rừng ăn không ngán lại ngon và có giá trị dinh dưỡng cao hơn, nuôi bằng công nghệ sạch nên giá cao gấp đôi lợn thông thường. Từ việc nuôi cá bể xi măng và lợn rừng trên đất vườn, mỗi năm thu nhập lãi ròng trên 150 triệu đồng mà không tốn nhiều công sức và nhân lực. Loại động vật này hiện đã nhân rộng được 7 mô hình trong địa bàn Thị xã Cửa Lò như anh Trần Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Hương, xã Nghi Hòa…
Ngoài việc nhân rộng các mô hình nuôi cá và lợn rừng, ông Long Vân còn sẵn sàng giúp đỡ các hộ khó khăn, cho các hộ vay số tiền trên 200 triệu đồng không tính lãi, ủng hộ thanh niên xung phong Truông Bồn 30 triệu đồng. Với những thành tích đó, ông đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giấy chứng nhận “Biểu tượng Vàng doanh nhân Việt Nam năm 2010”. UBND tỉnh tặng bằng khen “Lao động sáng tạo KHCN” và “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, “Gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, Bộ Thủy sản tặng “Huy chương vì nghề cá Việt Nam”, Trung ương Hội Doanh nghiệp tặng: “Bản lĩnh doanh nghiệp thời hội nhập”… Hiện nay, ông là Chủ tịch Hiệp hội nuôi cá lóc cao sản khu vực Bắc miền Trung.
Bài, ảnh: Hà Linh