Xã hội

Chuyện một cựu chiến binh Nghệ An lăn lộn chiến trường xưa tìm hài cốt 14 đồng đội

Công Kiên 08/04/2025 12:20

Từng chiến đấu ở miền Nam, cựu chiến binh Trần Văn Phúc không nguôi nhớ thương những đồng đội đã hy sinh, nhất là những người đang nằm nơi bìa rừng, vách núi, chưa được quy tập về nghĩa trang. Điều ấy đã thôi thúc người lính trận trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội.

Nhớ thương đồng đội

Trong ngôi nhà đơn sơ ở xóm 9, xã Nghi Phong (TP. Vinh), ông Trần Văn Phúc (SN 1956) kể cho chúng tôi về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam và hành trình đi tìm đồng đội.

“Năm 1974, sau khi huấn luyện, tôi được biên chế vào Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5. Hành quân vào địa bàn huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), tôi về Đại đội 15 Công binh, tăng cường cho Tiểu đoàn 8, có nhiệm vụ phối thuộc với các đơn vị khác giữ vững các điểm quân ta chiếm được. Tại đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, đơn vị chịu nhiều tổn thất”, ông Phúc mở đầu câu chuyện.

1 CCB Tran Van Phuc
Ông Trần Văn Phúc kể lại những năm tháng chiến đấu tại Bình Định. Ảnh: Công Kiên

Cuối năm 1974, địch tập trung lực lượng, mở các cuộc hành quân lấn chiếm trên toàn diện, mong xóa thế da báo (đan xen địa bàn) giữa hai bên. Đơn vị của ông Phúc được giao giữ cụm cao điểm 174 (thuộc xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) là một vị trí trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với cả ta và địch nên cả hai bên phải đánh chiếm bằng mọi giá.

Vì cụm cao điểm này án ngữ trên trục đường 5, nối liền với Đông Trường Sơn, là huyết mạch duy nhất để miền Bắc chi viện cho mặt trận Bình Định.

Để chiếm cao điểm 174, địch tập trung hàng chục khẩu pháo, huy động máy bay A37 liên tục dội bom, đạn đánh phá trận địa. Ông Phúc và các đồng đội đã kiên cường bám trụ tại cao điểm và tổ chức chống cự các đợt tiến công của địch.

Trận chiến đã gây nhiều tổn thất cho cả hai bên, máy bay địch ném bom trúng địa đạo khiến 7 đồng đội của ông Phúc bị vùi lấp, 2 đồng đội hy sinh ở cửa hầm. Tình thế nguy cấp buộc quân ta phải rút lui để củng cố lực lượng, chờ cơ hội phản công.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, đơn vị của ông Trần Văn Phúc được giao nhiệm vụ giải phóng đảo Long Sơn (thành phố Vũng Tàu), mở ra hành lang phía Đông để tiến về giải phóng Sài Gòn.

 3CCB Tran Van Phuc
Ông Trần Văn Phúc và những kỷ vật tìm được khi khai quật hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Công Kiên

Năm 1979, Trung đoàn 141 hành quân ra mặt trận Lạng Sơn, ông Phúc cùng đồng đội lại tiếp tục chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc. Đến năm 1988 ông được chuyển ngành, làm công nhân Công ty Vật liệu chất đốt Nghệ An và nghỉ hưu năm 2006.

Trở về với cuộc sống đời thường, đối mặt với khó khăn chồng chất, phải chăm lo cuộc sống cho gia đình nhưng cựu chiến binh Trần Văn Phúc luôn nhớ về những đồng đội đã hy sinh chưa được quy tập, nhất là những người đang nằm dưới địa đạo của cao điểm 174.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán hay ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các bàn thờ và ngôi mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang nghi ngút khói hương, nghĩ đến những đồng đội đang nằm lạnh lẽo nơi bìa rừng, dốc núi, chưa được quy tập, tôi xót xa vô cùng. Điều này đã thôi thúc tôi quyết tâm trở lại chiến trường xưa để làm một điều gì đó thực sự có ý nghĩa đối với người đã ngã xuống và cả những người còn sống”.

Ông Trần Văn Phúc, xã Nghi Phong (TP. Vinh)

Đến những hành trình thiêng liêng

Lúc đầu, cựu chiến binh Trần Văn Phúc chưa biết phải bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội như thế nào. Bởi ký ức năm xưa vẫn còn hiện rõ nhưng thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ, cảnh vật chắc chắn đã đổi thay rất nhiều, hơn nữa một mình ông không thể làm nổi công việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt đồng đội.

Sau khi gặp gỡ và bàn bạc với một số người bạn cùng đơn vị, ông Phúc đã ra Bắc Giang, nơi Sư đoàn 3 Sao Vàng đang đóng quân để xin danh sách và lý lịch trích ngang của những người lính đã hy sinh trên địa bàn huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định).

4 CCB tran Van Phuc
Các loại đạn được ông Trần Văn Phúc tìm thấy khi khai quật hài cốt đồng đội. Ảnh: Công Kiên

Khi có được lý lịch, ông Phúc tìm cách liên lạc với thân nhân các liệt sĩ, một việc làm khó tưởng chừng như “mò kim đáy bể”. Vì lẽ, các liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai có vợ con, lúc này bố mẹ đã già yếu hoặc qua đời, chỉ còn anh em ruột thịt nên việc liên lạc không dễ dàng.

Bước quan trọng nhất là trở lại chiến trường xưa, tìm địa điểm đồng đội ngã xuống để cất bốc hài cốt. Năm 2009, Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức cho cựu chiến binh vào thăm chiến trường, chuyến đi này ông Phúc đã băng rừng, lội suối 3 giờ đồng hồ để xác định được vị trí hy sinh của ba liệt sĩ là Đỗ Công Phan ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), Đỗ Văn Bản ở huyện An Lão (TP Hải Phòng) và Khương Đình Đại ở huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương).

Sau chuyến đi ấy, ông Phúc đã liên lạc với thân nhân các liệt sĩ và chính quyền địa phương, tổ chức vào tổ chức khai quật, cất bốc hài cốt.

1.jpg
Ông Trần Văn Phúc tại lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại cao điểm 174. Ảnh cắt từ video của Đài Truyền hình Bình Định

Năm 2012, ông Trần Văn Phúc và một đồng đội ở Đồ Sơn (TP Hải Phòng) lại vào Hoài Ân (tỉnh Bình Định) tìm đồng đội hy sinh. Chuyến đi này, ông đã tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Đào Văn Tài và Đặng Sơn đều quê ở Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) hy sinh tại cầu Phú Văn, bị địch lấp cửa hầm.

Mỗi khi nhớ tới cao điểm 174, nhớ những đồng đội đang nằm dưới địa đạo, ông Phúc thấy trong lòng day dứt không yên. Năm 2023, ông Phúc quyết định làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định (UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Hoài Ân) đề nghị hỗ trợ việc tìm kiếm và tổ chức khai quật hài cốt liệt sĩ.

Đầu năm 2024, ông Phúc nhận được thư của Bộ CHQS tỉnh Bình Định với nội dung đơn vị sẽ tổ chức khai quật địa đạo ở cao điểm 174, mời ông vào cùng phối hợp tìm kiếm.

Một lần nữa, ông Phúc lại về chiến trường xưa, vùng cao điểm 174 giờ là những ngọn đồi bạt ngàn cây keo, mất rất nhiều thời gian mới xác định được vị trí địa đạo.

Một hôm, khi đang khai quật địa đạo, ông Phúc nhận được cuộc gọi của mẹ liệt sĩ Lê Hồng Phong ở tỉnh Hải Dương. Mẹ đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn minh mẫn dặn dò: “Con ơi! Cố gắng tìm cho được em để đưa về cho mẹ nhé!”. Ông Phúc và mọi người đều xúc động và càng thêm quyết tâm tìm thấy đồng đội.

5 CCB Tran Van Phuc
Ông Trần Văn Phúc chăm sóc hoa, cây cảnh trong vườn nhà. Ảnh: Công Kiên

Bám trụ liên tục hơn 3 tuần, ngày có mặt trên đỉnh đồi, đêm về nghỉ nhà dân, cuối cùng ông Phúc và Đội quy tập đã lần lượt tìm thấy hài cốt 2 liệt sĩ ở cửa hầm và 7 hài cốt liệt sĩ nằm sâu trong địa đạo.

Tất cả 9 bộ hài cốt được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm AND để xác định danh tính, tìm thân nhân trước khi an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân. Sau chuyến đi ý nghĩa đó, cựu chiến binh Trần Văn Phúc thấy lòng thanh thản vì đã tìm được hài cốt của 14 đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất Hoài Ân.

Ông Trần Văn Phúc là hội viên gương mẫu, luôn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương cũng như các hoạt động do Hội phát động. Đặc biệt, thời gian qua, ông đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần tri ân các anh hùng, liệt sĩ”.

Ông Nguyễn Đình Thanh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghi Phong

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Chuyện một cựu chiến binh Nghệ An lăn lộn chiến trường xưa tìm hài cốt 14 đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO