Chuyện một người yêu thơ

08/01/2013 15:58

Có một người phụ nữ lặng lẽ ngồi bán thuốc Nam tại một góc đình chợ Phuống (xã Thanh Giang- Thanh Chương) và được người dân nơi đây phong là “nữ sỹ”. Không ai nhớ hết bà cùng các thi hữu trong tổ thơ “Tam nương xứ Phuống” đã in được mấy tập thơ. Người chúng tôi nói đến ở đây là bà Hoàng Thị Vương Nga (sinh 1952), bút danh Vương Nga.

(Baonghean.vn) - Có một người phụ nữ lặng lẽ ngồi bán thuốc Nam tại một góc đình chợ Phuống (xã Thanh Giang- Thanh Chương) và được người dân nơi đây phong là “nữ sỹ”. Không ai nhớ hết bà cùng các thi hữu trong tổ thơ “Tam nương xứ Phuống” đã in được mấy tập thơ. Người chúng tôi nói đến ở đây là bà Hoàng Thị Vương Nga (sinh 1952), bút danh Vương Nga.

Trong cảnh nắng ấm đầu Đông, “nữ sỹ” Vương Nga- người phụ nữ trẻ hơn nhiều so với tuổi 61 của mình, kể chúng tôi nghe về số phận không may mắn và hành trình tìm đến những vần thơ để “nương náu” trước bao nỗi buồn tủi của cuộc đời. Bà sinh ra trong một gia đình có đông anh chị em, bố làm nghề bốc thuốc Bắc và giỏi chữ Nho. Từ lúc lọt lòng, cô bé Vương Nga đã phải gánh chịu dị tật bẩm sinh, vóc dáng nhỏ bé và cột sống bị gù.

Lớn lên, Vương Nga cũng không được khỏe như bạn bè cùng trang lứa, mỗi bước đến trường là cả một nỗi vất vả, gian nan. Bù lại, Vương Nga lại học hành sáng dạ, đặc biệt là môn Văn nên được thầy cô và bạn bè quý mến.



Vương Nga say sưa bên những vần thơ của bè bạn khắp mọi miền

Thế nhưng, học xong lớp 7/10, Vương Nga đành phải dừng bước. Bởi lẽ, với điều kiện sức khỏe của bản thân, cộng thêm những khó khăn, vất vả của gia đình không cho phép cô vượt chặng đường hơn 10 km lên vùng xứ Rộ (xã Võ Liệt) để theo học cấp 3. Ở nhà, Vương Nga lặng lẽ giúp đỡ bố mẹ những công việc nhẹ nhàng như cơm nước, tưới rau, băm bèo và học nghề bốc thuốc. Thời gian trôi đi, bố mẹ lần lượt qua đời, nỗi đau, bất hạnh và sự buồn tủi ngày càng thêm chồng chất. Thật may, bà đã kịp học được một ít nghề bốc thuốc của người bố nên mỗi khi gia đình có người đau ốm, bà con hàng xóm lại tìm đến nhờ bà kê đơn. Không hiểu do “kế nghiệp” hay “mát tay” mà thuốc của bà rất chóng khỏi bệnh nên tiếng lành ngày một đồn xa. Người trong làng, rồi trong xã, trong vùng đều tìm đến mỗi khi đau ốm. Để tiện cho việc giao dịch, bà soạn một gian hàng ở góc đình chợ Phuống và hàng sáng gánh gồng xuống chợ. Từ đó, có thêm người trò chuyện hàng ngày, nỗi buồn tủi về số phận cũng được vơi đi phần nào.

Những lúc rảnh rỗi, Vương Nga lại thơ thẩn ra dạo bến sông quê. Trước vẻ đẹp của phong cảnh quê hương, tâm hồn Vương Nga lại thêm một lần rung động, những xúc cảm của cô học trò giỏi Văn tưởng như đã bị chìm lấp dưới những khổ đau, buồn tủi nay lại bừng lên, trỗi dậy. Vậy là Vương Nga làm thơ, những vần thơ thấm đượm tình quê và mộc mạc, chân chất như con người xứ Phuống. Trước tiên, bà chia sẻ những vần thơ của mình với hai người bạn cùng bán hàng trong đình chợ Phuống là Bách Hóa và Thúy Nga. Từ đó, do sự đồng điệu của tâm hồn nên ba người bạn thơ thường xuyên trao đổi và cùng gửi gắm tâm tình nên có nhiều bài thơ ký tên chung cả nhóm là Hóa- song Nga (song tức là hai: Vương Nga và Thúy Nga). Và không biết có phải bắt nguồn từ “duyên thơ” hay không mà mảnh đất này xuất hiện tổ thơ “Tam nương xứ Phuống”. Tiếng thơ của “Tam nương xứ Phuống” ngày càng vang xa, nhiều bài được phát trên sóng của Đài PT-TH Nghệ An và những cái tên Hóa song Nga ngày càng được nhiều người biết tới. Điều này đồng nghĩa với việc tổ thơ ngày càng thêm nhiều bạn, không chỉ các tổ thơ trong huyện mà các tổ thơ khác ở khắp mọi nơi, từ huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Thành phố Vinh đến các tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc đều có thơ gửi về giao lưu. Nhận được những “tấm chân tình” khắp mọi nơi, “Tam nương xứ Phuống” lại gửi thơ phúc đáp. Thơ được gửi đi, tiếp đến là những tháng ngày hồi hộp chờ đợi và mong “tin nhạn” gửi về. Cứ thế, việc chờ đợi, rồi chia sẻ qua thơ đã mang lại nguồn vui, sự an ủi và giúp Vương Nga cùng những người bạn nhẹ bớt những lo toan và biết bao nỗi buồn trong cuộc sống. “Tam nương xứ Phuống” đã góp phần khơi dậy đời sống văn hóa - văn nghệ của quê hương ngày càng thêm sôi động, nên các “đấng mày râu” cũng xin gia nhập tổ thơ. Do vậy, Tổ thơ “Tam nương xứ Phuống” được đổi thành Tổ thơ xứ Phuống.

Bạn thơ khắp mọi miền dành cho Vương Nga một sự ưu ái đặc biệt, bởi họ hiểu rõ hoàn cảnh và số phận bất hạnh của bà. Năm 2004, Tổ thơ xứ Phuống in tập “Duyên thơ”, một bạn thơ trong tổ đã gửi lời chia sẻ: “Tổ thơ xứ Phuống có 5 thành viên, Hóa- song Nga là chủ trì của tổ. Ai cũng đã nên chồng nên vợ, duy chỉ có Vương Nga xuân xanh trạc ngoại tứ tuần mà chưa nghĩ đến chuyện riêng tư. Hàng ngày, cứ sáng ra chợ Phuống bán thuốc, chiều ở nhà đọc sách báo và làm thơ. Thơ của cô ngày càng hay, được bạn bè gần xa mến mộ và trao đổi tâm tình, trong đó không ít người muốn được kết nghĩa trăm năm dù chưa một lần gặp mặt”. Bạn bè trong tổ thơ đều xác nhận, qua những vần thơ và hiểu được hoàn cảnh của Vương Nga, nhiều thi hữu đã từ chỗ “say thơ” đến chỗ “say người” nhưng bà chỉ muốn dừng lại ở tình cảm bạn bè và khẳng định: “Đời em sống chết vì thơ”. Một nhà giáo nghỉ hưu đã cảm thông và tỏ lòng mến mộ Vương Nga, gửi tới xứ Phuống bài “Sông em” (đề tặng Hoàng Vương Nga): “Nhà em ở phía bên sông/ Nhớ ngày phiên chợ gánh gồng anh qua/ Cầu sông bao nhịp không xa/ Cầu em không nhịp mà xa- xa vời/ Chấp tay bái Phật, khấn trời/ Được làm cánh bướm lượn chơi nơi này/ Được làm ngọn gió rừng cây/ Cho nhau mắc võng chở đầy hương thơ/ Được làm con sáo ngu ngơ/ Thả hồn đậu xuống đôi bờ sông em”. Vương Nga họa lại bằng bài “Núi anh” không kém phần sắc sảo, giàu hình ảnh và thiết tha, lắng đọng ân tình…

Phóng tầm mắt ra phía bờ sông, nơi đang thắm sắc xanh của bãi ngô và sắc vàng hoa cải, Vương Nga tâm sự: “Không dám gọi những cái mình viết ra là thơ, chỉ là một cách giúp mình quên đi phần nào nỗi bất hạnh và buồn tủi trong cuộc sống. Vui nhất là vào dịp mừng tuổi 60, bạn bè khắp nơi đều gửi thơ về tặng, có người còn kỳ công thêu lên bức trướng gửi về. Nhận được sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, người thân, tôi thấy cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. Gần đây, sức khỏe ngày càng xuống, một mắt đã bị mờ nên có lúc không khỏi buồn rầu, lo lắng. Nhưng mỗi khi nhận được thơ của bạn bè, tôi thấy niềm vui lại trở về...”.

Chia tay “người thơ” xứ Phuống, chúng tôi càng thêm cảm phục trước nghị lực của một người phụ nữ tật nguyền.


Công Kiên

Mới nhất

x
Chuyện một người yêu thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO