Chuyện người trong cuộc...
(Baonghean) - Lúc còn là học sinh phổ thông, mỗi dịp bọc sách vở đầu năm học, chúng tôi thường giành nhau chọn Tạp chí “Điện ảnh kịch trường Việt Nam”, vì quyển này khá bắt mắt, đăng nhiều ảnh diễn viên nổi tiếng, lại có nhiều nội dung thú vị. Tôi biết đến cái tên Lê Lân ở mục giới thiệu nội dung phim truyện và các câu chuyện hậu trường phim từ đó. Sau này, biết thêm Lê Lân còn là một cộng tác viên kỳ cựu của Báo Nghệ An - từ những năm 1966, 1967 và bền bỉ cho đến bây giờ. Lê Lân được coi là một trong những người “thâm canh” lâu nhất về lĩnh vực điện ảnh. Thực ra, chuyện đó cũng không có gì lạ, bởi với điện ảnh ông là người trong cuộc...
Nhà phê bình điện ảnh Lê Lân. |
Nói Lê Lân là người tham gia phục vụ điện ảnh từ phong trào cơ sở cũng đúng, mà là cây viết được đào tạo chính quy về lĩnh vực điện ảnh cũng không sai. Với ông, hai tư cách đó gắn bó hòa quyện và bổ sung cho nhau, và không ngoa khi nói rằng ông là một người cả đời đeo đẳng duyên nợ, đam mê với “nghệ thuật thứ 7”. Năm 1975, sau 7 năm tham gia chiến trường, mang theo niềm đam mê khám phá vẻ đẹp của những bộ phim được xem từ trong chiến trận, ông đã thi và trúng tuyển vào Trường Điện ảnh Việt Nam, trở thành sinh viên điện ảnh khóa 3 (1976-1979) khoa lý luận phê bình điện ảnh. Khóa học đó có nhiều sinh viên mà sau này nghệ danh đã trở nên quen thuộc như: Phi Tiến Sơn, Bùi Bài Bình, Phương Thanh, Minh Châu, Thanh Hiền, Thanh Quý, Vũ Đình Thân, Nguyễn Hữu Mười... Năm 1980, ông được nhận về làm “chân nghiệp vụ” tại Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng Nghệ Tĩnh, năm 1993 là Phó Giám đốc và từ 1995 cho đến khi về hưu là Giám đốc Công ty Điện ảnh Nghệ An. Còn “nghiệp viết” đã gắn bó với ông từ thời còn là sinh viên cho đến bây giờ. Ngoài hàng trăm bài báo, ông còn chắt chiu cho ra đời các tập sách: Nỗi niềm mang theo (Tản văn, 2010), Đồng hành (Thơ, 2012). Mới đây là quyển Điện ảnh dưới góc nhìn người trong cuộc (Tiểu luận, phê bình, 2014). Theo ông, mặc dù được đào tạo về lý luận phê bình điện ảnh, nhưng cái sự viết mà ông tham gia chủ yếu vẫn là vì nhiệm vụ, chủ yếu nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá, định hướng nhận thức đối với các bộ phim cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều may mắn cho ông là điện ảnh “quốc doanh” thời kỳ đó thăng hoa với nhiều thành tựu rực rỡ. Hạnh phúc của ông là có mặt trong ngành phát hành và chiếu phim quốc doanh của tỉnh nhà vào giai đoạn mà ngành hoạt động “bận rộn” nhất, hoàng kim nhất (lúc cao điểm tỉnh Nghệ Tĩnh có 21 rạp chiếu phim, 86 đội chiếu phim lưu động). Ông là người có mặt, chứng kiến trọn vẹn từ đầu đến cuối thời kỳ mà công chúng Nghệ An đến với màn ảnh rộng tại các rạp chiếu bóng quốc doanh đông đúc nhất, đón nhận các tác phẩm phim truyện trong nước nồng nhiệt nhất. Ví như tại rạp 12/9, bộ phim “Cánh đồng hoang” thời gian mới khởi chiếu luôn phải phục vụ khán giả mỗi ngày 8 đến 9 buổi chiếu, có ngày vì chiều khán giả ở xa đến phải chiếu đến 10 buổi, cứ thế kéo dài nhiều tháng trời vẫn chưa hết “sốt”...
Những bài viết của ông mặc dù chỉ là những mẩu chuyện về phim trường, về hậu trường, về diễn viên, đạo diễn, về quá trình tác phẩm đến với công chúng... với một lối kể chuyện rất chân thực, nghiêm túc, với cái nhìn hiền lành, hồn hậu, nhưng vẫn được đông đảo bạn đọc yêu thích. Trên các tạp chí chuyên ngành, trên báo Nghệ An, ông viết về các đạo diễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Bạch Diệp, Huy Thành..., kể về các diễn viên Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh, Thanh Loan... cùng các vai diễn của họ. Bằng sở học của mình, ông cung cấp những kiến thức về mối quan hệ khán giả và điện ảnh, về sự tương đồng và khác biệt giữa phim Điện ảnh và Truyền hình, về các thể loại phim, về mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và kịch bản phim... Đối với bạn đọc, với công chúng điện ảnh sinh sống ở tỉnh lẻ, huyện lẻ, những thông tin mà các bài viết của ông thực sự là những “món ăn lạ” trong các “bữa ăn thông tin” về điện ảnh vốn không lấy gì làm phong phú của họ. Hình như bản thân ông cũng nhận ra điều đó và ông đã nỗ lực thật nhiều. Điều đó cũng vô cùng quan trọng với công việc hàng ngày của ông, góp phần làm cho khán giả... đến rạp nhiều hơn.
Bìa cuốn tiểu luận, phê bình điện ảnh của Lê Lân. |
Có một mảng mà không phải là người trong cuộc thì chắc rằng sẽ khó có thể viết, kể được, ấy là “câu chuyện điện ảnh”. Dĩ nhiên, với Lê Lân, chủ yếu vẫn là câu chuyện phát hành, câu chuyện khán giả và nghệ sĩ. Ví như câu chuyện “chiếu chạy” khi mới phát hành phim “Ngã ba Đồng Lộc”. Ấy là chuyện ngay khi bộ phim mới ra bản đầu tiên, để cảm ơn sự đóng góp của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đoàn làm phim đã lên kế hoạch chiếu phim có giới hạn theo thành phần mời vào tối 24/7/1997 tại rạp 26/3 Thị xã Hà Tĩnh và tối 25/7 tại rạp 12/9 Thành phố Vinh. Tuy nhiên, sau buổi chiếu vào tối 24/7 tại Thị xã Hà Tĩnh, một số cán bộ và nhân dân huyện Can Lộc, và bao vây đoàn làm phim với kiến nghị áp đặt rằng “phim làm về Ngã ba Đồng Lộc mà dân Đồng Lộc chưa xem thì không ở đâu được xem hết”. Ngay lúc đó, kiểm tra lại thì thấy bộ phim có 9 cuộn thì chỉ còn 8 cuộn, 1 cuộn được cho biết là đã tự ý về... Can Lộc. Trong khi giờ chiếu phim ở Vinh đã gần đến. Vì tình cảm và trách nhiệm, bộ phận phát hành phim đã phải làm cái việc cực chẳng đã: “Cùng lúc vừa chiếu hai nơi, khởi chiếu hết cuộn 1 ở Can Lộc, thì chuyển ngay đến Vinh, mỗi cuộn chiếu hết 30 phút, cứ thế liên tục phải chuyển lần lượt hết 9 cuộn. Đến 9 giờ ở Vinh mới nhận được cuộn 1 và 12 giờ mới hết cuộn cuối cùng. Tuy muộn, nhưng sự thành công ngoài mong đợi của bộ phim đã làm cho khách mời và khán giả rời rạp một cách mãn nguyện. Hay như tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII tổ chức tại Thành phố Vinh, các nghệ sĩ Trà Giang, Thế Anh, Hồng Ánh, Quyền Linh... nghiện món cháo lươn ở quán bà Lan (phường Cửa Nam) nhưng lần ăn nào cũng không được trả tiền vì chủ quán cho rằng... “được đón tiếp các nghệ sĩ này tại quán là vinh hạnh cả đời người, nằm mơ cũng không được”.
Gần đây, tuy đã về hưu nhưng ông luôn theo dõi sát sao với điện ảnh nước nhà. Với những bộ phim dài tập, có khi truyền hình đang công chiếu, ông cùng lúc có bài viết bình bàn, với tư cách một người xem hiểu rõ các “ngón nghề” làm phim, nên kịp thời có những thông tin và kiến giải thú vị. Một số bài viết tạo được dấu ấn như: Gió làng Kình – gió từ đâu tới?; Phim “Ngõ lỗ thủng” - Tiễn biệt những ngày buồn; Xem phim “Bí thư Tỉnh ủy” – Nhớ người luôn đi trước thời gian; “Chủ tịch tỉnh” – Phim hay về đề tài chống tham nhũng...
Trò chuyện về đời sống điện ảnh hiện nay, ông cho rằng không nên đổ lỗi cho tình trạng thừa thông tin hay quá nhiều loại hình giải trí. Mấu chốt vẫn là chưa có phim thật hay, và chưa thực hiện việc tuyên truyền quảng bá thật tốt để công chúng đến với rạp. Bởi trên thực tế, một số bộ phim thời gian qua như Đừng đốt, Cánh đồng bất tận, Thương nhớ đồng quê... do có kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, diễn viên thể hiện xuất sắc, đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với công chúng. Ông cho rằng, trong các loại hình nghệ thuật, điện ảnh là loại hình trực tiếp tác động sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Vì thế, việc ngành Điện ảnh Việt Nam đang có những cú trượt dài không có điểm dừng như hiện nay là điều vô cùng đáng tiếc... Càng nói về điện ảnh hiện tại, vẻ mặt ông càng trĩu nặng nỗi buồn. Cảm giác như, ông là một người trong cuộc đã bị đẩy ra ngoài cuộc khi mà nhiệt huyết vẫn tràn trề...
Ngô Kiên