Chuyện tình chú rể hai lần 'xin trả' cô dâu

Theo Minh Anh - Nguyệt Minh (vietnamnet.vn)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
“Trước khi lên đường tái ngũ, tôi dẫn bạn gái đến báo cáo cơ quan, tuyên bố từ bỏ mối quan hệ với cô ấy”, ông Yên nhớ lại.
Gần 40 năm trôi qua, ông Đỗ Văn Yên (SN 1944) - hiệp sĩ bắt cướp nổi tiếng phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), vẫn cẩn thận giữ lại tất cả những bức ảnh cưới năm 1979 của vợ chồng mình.
Ông nói, đó là tài sản quý giá, là khoảnh khắc khó phai trong cuộc đời của ông.
Chuyện tình chú rể hai lần 'xin trả' cô dâu  ảnh 1
Ông Đỗ Văn Yên - Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội).

Cô dâu là người bị chú rể “từ bỏ” 2 lần

Ông Yên nói, đó là một đám cưới rất đặc biệt. Cô dâu chú rể phải trải qua quá nhiều chông gai mới có thể đến với nhau.

Sau thời gian là lính đặc công, ông Yên về Hà Nội, chuyển ngạch làm cán bộ phụ trách nhân sự ở nhà máy cơ khí. Tại đây, ông quen một người con gái. Họ gặp gỡ, có tình cảm và đã xác định kết hôn. Tuy nhiên chưa kịp tổ chức đám cưới thì ông Yên được điều động tái ngũ.

Chuyện tình chú rể hai lần 'xin trả' cô dâu  ảnh 2
Vợ chồng ông Yên trong đám cưới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thời điểm đó, ông là đảng viên nên mọi mối quan hệ (kể cả việc có bạn gái) đều phải báo cáo tổ chức. Khi có lệnh tái ngũ, sợ bạn gái chờ đợi lâu sẽ mất tuổi xuân thì nên ông quyết định chia tay.

Không ngờ, hết thời gian trở về, thấy người con gái ấy vẫn chưa lấy chồng nên họ tái hợp. Cả hai bàn nhau sẽ làm đám cưới đúng ngày Noel.

Tuy nhiên, đám cưới chưa kịp diễn ra thì chiến tranh biên giới lại nổ ra. Ông Yên tiếp tục được điều động vào quân ngũ.

Lần đi này, ông Yên xác định, ngày trở về sẽ rất xa. Ông lại thuyết phục người yêu đến cơ quan, tuyên bố cắt đứt mối quan hệ. Sau đó, ông lên đường đi chiến đấu và không hề có bất cứ liên lạc nào với bạn gái ở quê nhà.

Hết chiến tranh trở về, ông cảm động vô cùng vì cô gái mà ông 2 lần từ chối vẫn một lòng chờ đợi. Vì vậy, để không bỏ lỡ người con gái chung tình, ông vội vàng tổ chức đám cưới.

Đám cưới với 20 phù rể

Khi tổ chức đám cưới, ông Yên được rất nhiều bạn bè hỗ trợ, giúp sức. Vì vậy, chỉ với chức vụ là phó phòng tổ chức của một nhà máy cơ khí nhưng đám cưới của ông Yên lại hoành tráng khiến nhiều người ngưỡng mộ.

“Địa điểm tổ chức đám cưới của chúng tôi chính là không gian ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh trên phố Đường Thành. Nơi đây, ban ngày bán hàng, buổi tối dùng làm nơi tổ chức đám cưới. Tuy nhiên để thuê được địa điểm này là cực khó. Gia đình tôi phải xoay sở các mối quan hệ mới có thể tổ chức ở đây”, ông Yên nhớ lại.

Bên cạnh việc hỗ trợ ông Yên thuê địa điểm cưới hoành tráng, bạn bè của ông cũng giúp ông rất nhiều trong việc tổ chức phương tiện đi lại.

Chuyện tình chú rể hai lần 'xin trả' cô dâu  ảnh 3
Đám cưới ông Yên được đánh giá là hoành tráng thời bấy giờ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Một người bạn thuê cho tôi 1 chiếc xe ô tô hơn 40 chỗ - loại xe mới và rất hiếm lúc bấy giờ. Các bạn bè làm nghề lái xe cũng mang xe đến hỗ trợ đoàn rước dâu cho tôi.

Tổng cộng, đám cưới có tới hơn chục ô tô. Các xe nối đuôi nhau đi qua các con phố khiến nhiều bà con trầm trồ”, ông Yên nói.

Bên cạnh đó, với số lượng rất đông bạn bè, đám cưới của ông Yên còn khiến nhiều người bất ngờ vì nhà trai có tới 20 phù rể. 2 ban nhạc sống (1 ban nhạc của phường Kim Liên, một ban nhạc của nhà máy) cũng phục vụ nhiệt tình cho ngày vui của đôi trẻ.

“Quan khách đến dự đám cưới có tới hàng trăm người. Tất cả đều chỉ dùng tiệc trà. Quà cưới cũng chỉ là khăn mùi xoa, gương lược… Món quà giá trị nhất là chiếc cặp lồng 2 ngăn của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng. Tuy nhiên, tiếng cười thì giòn giã khắp hội trường”, hiệp sĩ bắt cướp phường Kim Liên nhớ lại.

Ông cho biết, giai đoạn những năm 79 - 80, đất nước còn nghèo, kinh tế các gia đình đều khó khăn. Bố ông Yên là một Vụ trưởng của Bộ Y tế, bản thân ông Yên cũng là phó phòng tổ chức nhân sự của nhà máy. Gia đình 6 người của ông vẫn phải sống chung trong một căn tập thể 28m2.

“Đêm tân hôn,  bố mẹ và các anh chị em của tôi phải đi ngủ nhờ để dành không gian riêng tư cho hai vợ chồng. Sau đêm đó, tất cả lại trở về.

Căn phòng 28m2 chứa tới 6 người và 4 chiếc giường. Quần áo của các thành viên phải đặt ở cuối giường hoặc gầm giường vì không còn chỗ trống cho việc lắp đặt tủ”, ông Yên chia sẻ.

Khó khăn là thế, tuy nhiên, ông Yên và vợ vẫn vượt qua tất cả. Họ sống đầm ấm hạnh phúc và những bức ảnh cưới vẫn luôn được ông trân trọng, lưu giữ cho tới tận ngày hôm nay./.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.