Thời sự

Chuyện tình yêu trên tuyến lửa Trường Sơn

Công Kiên 15/04/2025 11:57

Tính từ khi trái tim ngân lên những rung động yêu thương, cuộc tình của họ đã đi qua quãng thời gian 57 năm và chung sống bên nhau hơn nửa thế kỷ. Chớm nở trong cảnh đạn bom, vượt qua những khó khăn thời hậu chiến, nay cuộc sống đã an nhàn, cháu con đuề huề, tình yêu của hai đội viên thanh niên xung phong Trần Văn Thân và Vũ Thị Kim Liên năm xưa ấy vẫn không hề phai nhạt.

Kỷ niệm trên đường 20 Quyết Thắng

Ngôi nhà của vợ chồng ông Trần Văn Thân ở khối 1, phường Trung Đô (thành phố Vinh) nằm dưới chân núi Quyết đã chứng kiến những tháng năm vất vả, nhọc nhằn nhưng hạnh phúc vẫn đong đầy.

Niềm hạnh phúc được nảy mầm từ tình yêu chân thành, qua thử thách khốc liệt của chiến tranh và gian khó của những năm tháng bao cấp. Cuộc sống không tránh khỏi những va vấp, có điều chúng tôi luôn nhìn về một hướng để cùng xây dựng và giữ gìn mái ấm”.

Ông Trần Văn Thân

Ông Trần Văn Thân (SN 1944) và vợ - bà Vũ Thị Kim Liên (SN 1949) là những người lớn lên trong cảnh khói lửa chiến tranh, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu vào hồi ác liệt. Năm 1965, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, chàng thanh niên Trần Văn Thân từ biệt quê hương Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).

1 Chuyen tinh Truong Son
Vợ chồng ông Trần Văn Thân luôn bên nhau để vượt qua bao thử thách. Ảnh: Công Kiên

Cùng thời gian này, cô gái Vũ Thị Kim Liên, người con của quê hương Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) cũng đăng ký lên đường hành quân vào Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường, gùi lương, tải đạn. Giữa vùng rừng núi giáp biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, những chàng trai, cô gái TNXP sống dưới tầm mưa bom, bão đạn của kẻ thù, chịu đựng biết bao gian khổ, hiểm nguy. Có những lúc chứng kiến hàng chục đồng đội bị bom vùi, trúng mảnh bom và hy sinh ở độ tuổi đôi mươi, chưa một lần biết đến tình yêu đôi lứa.

Như là sự sắp đặt của số phận, Đội TNXP 23 và 25 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên tuyến đường 20 Quyết Thắng - một nhánh của tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn.

Bà Liên nhớ lại: “Một ngày cuối năm 1968, sau loạt bom của Mỹ đánh vào đội hình tổng đài Đội TNXP 25, tôi vừa chạy xuống đường nối đường dây, bỗng đợt bom tọa độ tiếp theo dội xuống… Khi tỉnh dậy mới biết mình nằm tại Trạm xá Binh trạm, một thanh niên nói giọng Khu 4 kể cho tôi nghe sự việc hôm qua. Và biết anh là TNXP Nghệ An, tên là Trần Văn Thân, làm công tác Đoàn ở Đội 23. Thật cảm động và biết ơn anh đã giúp đỡ tôi lúc hiểm nghèo. Chúng tôi quen nhau từ đó…”.

2 chuyen tinh Truong Son
Vợ chồng ông Trần Văn Thân cùng ôn lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Cũng theo lời bà Liên, hôm ấy người cán bộ Đoàn của Đội 23 trên đường làm nhiệm vụ tuần đường, gặp phải trận bom tọa độ, thấy một đồng đội nữ ở Đội 25 bị sức ép liền lao vào giải cứu, cõng về Trạm xá Binh trạm. Từ đó, hai người ngày càng trở nên thân thiết, trái tim bắt đầu có những nhịp đập khác thường, lâu ngày không gặp thấy nhớ nhau da diết.

Có lúc, nữ TNXP nghĩ thầm phải chăng sự gặp gỡ ấy là duyên số, bởi lẽ vì sao hôm ấy chỉ hai người…? Rồi tự đặt câu hỏi: “Gái sông Vân, núi Thúy gặp trai Hồng Lĩnh, sông Lam chăng?”. Nhưng trong điều kiện chiến tranh, kỷ luật chiến trường hết sức nghiêm ngặt nên mỗi dịp gặp nhau hai người chỉ có thể gửi gắm tình cảm qua ánh mắt, nụ cười.

Nắm tay nhau vượt thử thách

Dường như cơ duyên muốn sắp đặt cho hai người đến với nhau, khi năm 1969 cấp trên quyết định nhập Đội 23 và Đội 25 thành một đơn vị. Đôi uyên ương có nhiều cơ hội gặp gỡ và gần gũi nhiều hơn, có sự hòa quyện giữa tình đồng chí, đồng đội và tình yêu đôi lứa.

Lúc bấy giờ, bà Liên vẫn làm nhiệm vụ trực tổng đài, còn ông Thân vẫn làm cán bộ Đoàn, mỗi người một nhiệm vụ nhưng luôn hướng về nhau. Nhất là gặp lúc bom dội, mặt đất rung chuyển, khói bụi mù trời và khét lẹt, hai người đều dành cho nhau một nỗi lo và niềm hy vọng.

14_czgp.jpg
Một đoạn đường 20 Quyết Thắng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

“Khi tình yêu đến độ “chín”, xác định đến với nhau, chúng tôi quyết định báo đơn vị. Nhưng mãi tới năm 1972, khi đi qua hai nhiệm kỳ với nhiều thử thách, đơn vị mới đồng ý đứng ra tổ chức đám cưới. Khỏi phải nói hết niềm vui và hạnh phúc tột cùng” – ông Thân kể lại.

Đám cưới của hai chiến sĩ TNXP diễn ra ở khu vực đóng quân km 54 đường 20 Quyết Thắng. Hôn trường là chiếc lán đơn sơ, được trang trí bằng những bông hoa rừng thân thuộc, lễ vật thiết đãi chỉ có một ít bánh kẹo, lễ thành hôn có toàn bộ đồng đội trong đơn vị chứng kiến.

Một đám cưới đơn sơ giữa núi rừng Trường Sơn, diễn ra giữa khoảng thời gian của hai trận bom tọa độ nhưng vẫn không kém phần trang trọng và ấm áp. Đôi vợ chồng trẻ được đơn vị cấp giấy chứng nhận thành hôn để khi xuất ngũ, địa phương sẽ lấy làm căn cứ cấp giấy kết hôn. Nay, giấy chứng nhận của thành hôn của đơn vị cấp đang được lưu giữ tại một bảo tàng ở Hà Nội để minh chứng cho tình yêu nam, nữ trong những năm khói lửa chiến tranh.

132602711067919496_tn-xung-phong_hrml.jpg
Lực lượng TNXP tải đạn ra chiến trường. Ảnh tư liệu

Sau khi cưới một thời gian, ông Trần Văn Thân chuyển công tác sang ngành giao thông, tiếp tục bám sát các công trình trên mọi miền đất nước. Bà Liên cũng được xuất ngũ và về quê chồng, làm việc tại Cửa hàng ăn Bến Thủy (TP Vinh), thành người dân xứ Nghệ, gắn bó với dòng sông Lam và điệu ví giặm thân thương, với những trận gió Lào bỏng rát.

Ba người con lần lượt chào đời, tất cả đều khỏe mạnh, là nguồn hạnh phúc lớn nhất của những đội viên TNXP trở về từ núi rừng Trường Sơn.

Không thể kể hết những gian nan, vất vả của những năm tháng trong cơ chế bao cấp với mức thu nhập ít ỏi, có lúc phải nhịn ăn, dành phần cho các con, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua.

3 chuyen tinh Truong Son
Niềm vui sum vầy cùng con cháu của vợ chồng ông Trần Văn Thân. Ảnh: Công Kiên

Nhưng từ trong khó khăn ấy, tình nghĩa vợ chồng càng đằm thắm, thiết tha, cùng nhau chia sẻ những nhọc nhằn, lo toan và giữ gìn mái ấm hạnh phúc. Nhờ vậy, các con ngày một khôn lớn, được chăm lo học hành, nay tất cả đã trưởng thành, có công việc ổn định và gia đình riêng hạnh phúc. Hiện ông bà có 9 cháu nội, ngoại đều chăm ngoan, học giỏi, là nguồn vui sướng trong những năm tháng tuổi già.

Tình yêu nảy nở trong khói lửa chiến tranh và đơm hoa trong cuộc sống hòa bình. Chúng tôi luôn tự hào đã vượt qua bao thử thách ác liệt, bao khó khăn và thiếu thốn của cuộc sống để hòa cùng nhịp bước của quê hương, đất nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con trưởng thành”.

Bà Vũ Thị Kim Liên

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Chuyện tình yêu trên tuyến lửa Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO