Xã hội

Một mình gánh một đầu võng: Chuyện chưa kể về Anh hùng Trường Sơn Hồ Sĩ Tư

Công Kiên 11/04/2025 09:28

Hơn 20 năm quân ngũ, có nhiều năm làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, ông Hồ Sĩ Tư lưu giữ nhiều kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Và, người Anh hùng ấy không thể quên những lần cáng thương binh trên chặng đường hàng chục cây số để kịp về tuyến sau chữa trị.

Gian khổ và ác liệt

Nhìn vóc dáng nhỏ bé ấy, không ai nghĩ ông Hồ Sĩ Tư (SN 1944) ở xóm Xuân Sơn, xã Nam Xuân (Nam Đàn – Nghệ An) từng được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đáng nói hơn, ông được phong vì thành tích là kiện tướng mang vác, gùi gạo và cáng thương, nghĩa là thực hiện nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sức bền và sự dẻo dai.

“19 tuổi tôi lên đường nhập ngũ, ban đầu vào đơn vị pháo binh 164 ở xã Nam Thanh, rồi chuyển sang Trung đoàn 71 thuộc Đoàn 559, hoạt động ở chiến trường Quảng Trị và bên kia dãy Trường Sơn. Nhiệm vụ chính là vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường, rồi chuyển thương binh từ chiến trường về hậu cứ để cứu chữa” – ông Tư kể lại.

1 Ong Ho Si Tu
Anh hùng LLVTND Hồ Sĩ Tư luôn nhớ về những năm tháng làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh trên tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: Công Kiên

Đối mặt với gian khổ và hy sinh, Anh hùng Hồ Sĩ Tư cho rằng thời điểm từ 1966 – 1973 là những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những người trực tiếp cầm súng trên chiến hào, đối mặt với kẻ thù đã đành, những người lính vận tải cũng thường xuyên băng qua mưa bom, bão đạn.

Công việc gùi lương, tải đạn chi viện cho chiến trường là vô cùng gian nan và nguy hiểm nhưng với ông Tư và các đồng đội, việc khó khăn nhất vẫn là vận chuyển thương binh về tuyến sau.

2 Ong Ho Si Tu
Ông Hồ Sĩ Tư xem lại tư liệu về Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: Công Kiên

Bởi, vũ khí và lương thực bị mất có thể tìm lại được nhưng khi chuyển một người bị thương đòi hỏi vừa phải luôn thận trọng, nhẹ nhàng, vừa đảm bảo an toàn khi có máy bay hoặc đụng độ với bọn biệt kích. Nếu gặp tình huống hiểm nguy, sẵn sàng lấy thân mình che chở, chấp nhận hy sinh để cứu chữa những người đồng chí, đồng đội.

duong-truong-son-4374.jpg
Đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Ảnh tư liệu

Gần như suốt thời gian phục vụ ở chiến trường, ông Hồ Sĩ Tư thuộc quân số của Binh trạm 37 (Sư đoàn 470), hoạt động chủ yếu ở địa bàn tỉnh An-Tô-Pơ (Lào). Khoảng cách giữa các binh trạm khoảng 20 km, nghĩa là hàng ngày những người lính giao liên làm nhiệm vụ vận chuyển trên quãng đường này nên thông thuộc từng ngõ ngách, lối rẽ. Và nắm rõ thời điểm địch thường ném bom tọa độ, quy luật, cách thức hoạt động của các toán biệt kích. Nhưng không ít lần máy bay địch bất ngờ xuất hiện và ném bom ồ ạt, những lúc như thế thường khó tránh khỏi thương vong.

Quên mình cứu thương binh

Ông Tư nhớ mãi một lần vào ban đêm, địch ném bom phát quang vào đúng nơi đóng quân của đơn vị, lúc này có mấy đồng chí thương binh đang tạm nghỉ, chờ ngày mai chuyển sang binh trạm khác. Lửa cháy ngùn ngụt, ông và các đồng đội lao vào cõng các đồng chí thương binh ra địa điểm an toàn, trong khi máy bay địch vẫn chao lượn trên những ngọn cây. Rất may, hôm ấy chiến sỹ của binh trạm và thương binh đều được an toàn.

dsc_3.jpg
Vận chuyển thương binh trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Tùy vào điều kiện thời tiết, đường sá và mức độ nặng hay nhẹ của vết thương trên cơ thể thương binh, các chiến sỹ giao liên ở binh trạm sẽ lựa chọn cách vận chuyển thích hợp. Với người bị thương nhẹ, trời nắng ráo, đường không bị bom cày nát, ông Hồ Sĩ Tư và đồng đội thường chọn cách thồ bằng xe đạp.

Còn với người bị thương nặng, gặp ngày trời mưa hay đường bị bom dội phải dùng võng để khiêng. Thường thì bốn người khiêng một thương binh nằm trong võng, nghĩa là mỗi đầu võng có hai người đảm nhận. Nhưng càng về sau chiến sự càng ác liệt, số lượng thương binh ngày một nhiều nên rút xuống còn 3 người, riêng ông Tư nhận một mình khiêng một đầu võng, tức là đảm nhận công việc của hai người.

3 Ong Ho Si Tu
Năm 1971, ông Hồ Sĩ Tư được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Công Kiên

Ông Tư chia sẻ: “Tuy thấp bé nhưng lúc ấy tôi rất khỏe và dai sức, khiêng thương binh đi hàng chục cây số là việc bình thường. Những lúc số lượng thương binh nhiều, tôi nhận một mình khiêng một đầu võng, vì quá thương anh em, không muốn để họ phải chịu thêm đau đớn. Nhất là với những người bị thương nặng, vết thương bị nhiễm trùng, nghe tiếng rên của anh em, chúng tôi như đứt từng khúc ruột”.

Vất vả nhất là mùa mưa, đường trơn trượt và lầy lội đã đành, gian nan nhất là việc đưa thương binh qua sông suối lúc nước đang dâng cao và chảy cuồn cuộn. Có lần, ông Tư cùng đồng đội dùng thuyền chở thương binh vượt sông trong ngày mưa lũ, ra giữa dòng, nước cuộn xiết, con thuyền chao đảo và có nguy cơ bị lật, ai nấy đều lo lắng.

Vốn có nhiều kinh nghiệm sông nước, ông Tư bảo mọi người cùng hợp sức chèo nhanh qua luồng nước xiết rồi xuôi theo dòng nước để ghé vào bờ bên kia. Khi lên bờ, tất cả đều không thể tin nổi mình đã vượt sông an toàn.

4 Ong Ho Si Tu
Anh hùng LLVTND Hồ Sỹ Tư (thứ 2, phải sang) thăm hỏi đồng đội cũ. Ảnh: Công Kiên

Nhờ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phục vụ chiến đấu, năm 1971, bước sang tuổi 26, ông Hồ Sĩ Tư được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Tôn Đức Thắng ký quyết định tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoà bình lập lại, trở về với cuộc sống đời thường, Anh hùng Hồ Sĩ Tư lại gắn bó với ruộng đồng quê hương, sống giản dị và chan hòa với bà con xóm giềng. Đặc biệt, ông thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ những người thương binh trong làng, sẵn sàng bớt một ít tiền lương để hỗ trợ những ai đau ốm, điều kiện khó khăn. Vì thế, ông luôn được mọi người yêu mến và kính trọng.

Ông Hồ Sĩ Tư được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã chiến đấu, lập chiến công xuất sắc và đóng góp công sức của mình vào chiến công chói lọi của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trở về nghỉ hưu ở quê hương, ông luôn tích cực lao động sản xuất, quan tâm công tác Hội Cựu chiến binh và có nhiều năm làm Bí thư chi bộ xóm.

Ông Trần Văn Quế - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Xuân

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Một mình gánh một đầu võng: Chuyện chưa kể về Anh hùng Trường Sơn Hồ Sĩ Tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO