Chuyện Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn mời khách Tây xem tuồng ở Vinh

Phạm Xuân Cần 23/01/2021 10:26

(Baonghean.vn) - Hầu tước Pierre François Sauvaire De Barthélemy (1870 - 1940) là một nhà văn quý tộc Pháp ưa mạo hiểm, đã từng chu du khắp thế giới. Trong chuyến đi đến Đông Dương năm 1896, Barthélemy cùng với những người bạn từ Hạ Long, ghé qua Hải Phòng, Nam Định và đến Bến Thủy (Vinh – Nghệ An) bằng đường biển. Sau khi chơi Tết ở Vinh, ông tiếp tục ngược sông Cả lên Tương Dương, Kỳ Sơn và sang Lào...

Trong cuốn du ký viết về chuyến đi này, Barthélemy mô tả: “Tết là lễ hội đặc trưng của người có đạo và không có đạo. Tiếng pháo nổ, tiếng hò reo sung sướng của dân chúng đã làm chúng tôi tỉnh giấc ngay từ lúc khởi đầu của ngày mới, một ngày trọng đại. Ngược lại, vào buổi chiều, một bầu không khí yên tĩnh bao trùm lên Vinh, do phong tục nơi đây, nhà nào cũng phải làm mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đàn ông và phụ nữ đều quỳ lạy trước bàn thờ của gia đình, để gửi lời thành kính của mình đến những người đã khuất. Người ta đốt giấy tiền, vàng bạc và nhang thơm, không một ai ra khỏi nhà vào ngày mồng 1 tết. Ngày mồng 2 Tết, người ta đi thăm và chúc Tết bà con”.

Ảnh chụp mâm ngũ quả của gia đình người Việt vào ngày Tết năm 1929. Ảnh tư liệu
Ảnh chụp mâm ngũ quả của gia đình người Việt vào ngày Tết năm 1929. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, ông cho rằng “tính tiết kiệm rất xa lạ đối với người Việt”, điều này thể hiện rõ trong dịp tết. “Trong những ngày Tết, người nào cũng chi tiêu nhiều hơn và phóng khoáng hơn. Vì vậy mà các cửa hàng luôn chật kín. Vào những ngày Tết, tiệc tùng đôi khi diễn ra kéo dài, vượt quá giới hạn, khả năng tài chính”. Ông cho biết, đã đến nhiều sòng bạc trong dịp tết và nhận thấy người Việt sa vào bài bạc rất nhiều. Đó cũng là một nguồn thu béo bở cho các chủ sòng bạc người Hoa. Thậm chí, ông gọi họ là “những nhà tài chính sâu bọ ở đất nước của những cái đầu điên rồ này”.

Barthélemy đã mô tả những dòng quan quân rồng rắn đến chúc Tết Tổng đốc Nghệ An, dù rằng ông không ngạc nhiên, vì đã biết tình trạng tương tự, thậm chí còn hơn thế ở triều đình Huế.

Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất đối với vị nhà văn quý tộc Pháp chính là những vở tuồng do Đào Tấn - Tổng đốc Nghệ An, đồng thời cũng là một nghệ sỹ tuồng biên kịch và dàn dựng. Như đã biết, khi làm Tổng đốc Nghệ An, Đào Tấn đã lập ra một nhà hát tuồng gọi là “Như thị quan”, đồng thời mở lớp đào tạo tuồng, gọi là “Học bộ đình”. Ông có một gánh hát, đồng thời cũng là đội lính chừng 20 người, chuyên đi theo để phục vụ diễn tuồng, kể cả khi ông đã về hưu. “Tổng đốc nói với chúng tôi rằng, gánh hát của ông chưa bao giờ rời xa ông, ông đã đưa gánh hát đi cùng ông đến nhiều nơi”.

Tối mùng 3 Tết, một đoàn hộ tống, với nghi lễ linh đình đã đưa đoàn khách của nhà văn đến Dinh Tổng đốc. “Độ chừng 30 người mặc áo đỏ, quần dài trắng đứng đợi chúng tôi. Một số người cầm đuốc trên tay, một số người cầm lọng 2 tầng, một số người còn lại thì đeo gươm trên vai cho thấy uy quyền của quan lại.

Cuối cùng, có một người đàn ông đi qua trước mặt chúng tôi, tay cầm một cái trống bằng gỗ gõ từng nhịp đều đặn, ông ta báo hiệu chúng tôi đã đến để mọi người đứng dẹp ra.

Đoàn hộ tống chỉ đưa chúng tôi đến cổng nhà Tổng đốc rồi quay về. Ở đó, chúng tôi đợi những quan chức của thành phố và những người xung quanh đưa chúng tôi đến bên Tổng đốc.

Tổng đốc Nghệ An, kiêm nghệ sĩ tuồng Đào Tấn. (Ảnh trong sách L'empire d'Annam, 1904)

Có một người ăn mặc chỉnh tề dẫn chúng tôi đến chỗ anh ta đang đứng và ở đó chúng tôi xem bắn pháo hoa. Người An Nam am tường súng ống và họ thường là những người bắn pháo hoa đẹp. Nhưng than ôi, lúc này trời đang mưa phùn, độ ẩm cao đã hạn chế nhiều màn biểu diễn đẹp.

Nhưng điều làm cho chúng tôi quan tâm đó là vở tuồng. Công sứ đã bố trí cho chúng tôi hai phiên dịch thành thạo, nhờ vào những phiên dịch này chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa của các vở tuồng”.

Buổi diễn tuồng chỉ bắt đầu sau 9 giờ tối. “Sân khấu biểu diễn là một chiếc chiếu, có một vách ngăn để ngăn hậu trường với khán giả. Kẹo bánh và rượu sâm panh được bày ra trên bàn, đó là chỗ dành cho khách mời của vị Tổng đốc.”

Trong buổi tối hôm ấy các vị khách đã được xem 2 vở tuồng.

Vở thứ nhất, kể câu chuyện một chàng trai nghèo học giỏi và hiếu thảo. Bất bình với sự thi cử thiếu công bằng, mẹ lại bị bệnh hiểm nghèo, chàng trai đã hóa trang thành hổ, để vào rừng tìm bằng được sữa hổ về chữa bệnh cho mẹ. Không may chàng trai giả hổ gặp đoàn đi săn của một vị quan triều đình. Khi bị lính giương cung định bắn, chàng đã phải cởi bỏ lốt hổ. Cảm phục vì sự hiếu thảo của chàng trai, ông quan đã thuyết phục chàng về đi thi, để có thể ra làm quan giúp đời. Chàng trai nghe lời và hứa sẽ đi thi khi mẹ khỏi bệnh. Kỳ thi đó thí sinh phải thi cả văn và võ. Oái ăm thay, cuối cùng ban giám khảo lại phải chọn người đỗ đầu giữa anh ta và con trai viên quan nọ. Vở kịch kết thúc với câu hỏi chưa biết chọn ai đỗ đầu. Một kiểu kết thúc mở, rất hiện đại của Đào Tấn.

Vở tuồng thứ hai, kể về cuộc báo thù của một cô gái, là em gái thủ lĩnh một băng đảng thảo khấu, khi anh trai cô bị một viên quan giết chết. Trong lúc cô gái cùng với viên quan giao đấu thì cô hầu gái của cô cũng đấu khẩu với người lính của viên quan nọ. Tối đến, khi viên quan và cô gái tạm ngưng cuộc chiến, thì tên lính lại mò đến tán tỉnh cô hầu gái. Bị cự tuyệt, tên lính đã rút cung tên bắn cô hầu. Cô hầu hứa sẽ cho anh ta thỏa mãn, với điều kiện anh ta phải nằm xuống dùng miệng cắn mũi tên và rút ra. Tên lính nghe theo và đã bị cô hầu đâm chết khi đang làm theo lời cô gái.

Cổng thành Nghệ An (Ảnh trong sách “En Indo-Chine, 1896-1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional”, Paris, 1901)
Cổng thành Nghệ An (Ảnh trong sách “En Indo-Chine, 1896-1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional”, Paris, 1901)

Vì đêm đã quá khuya, nên vở tuồng thứ hai phải tạm dừng ở cảnh này.

“Buổi tối kết thúc rất tuyệt!”. Các vị khách tây không chỉ cảm nhận được nội dung và ý nghĩa nhân văn của các vở tuồng, mà họ hết sức ấn tượng với trang phục rực rỡ và phong cách sân khấu ước lệ của tuồng An Nam, khi sân khấu chỉ là chiếc chiếu, hai lá cờ đan chéo là mục tiêu thi bắn cung, hay chiếc roi, hoặc sợi dây cũng có thể diễn tả cả động tác cưỡi và phi ngựa… Họ cũng tỏ ra ngạc nhiên, khi trái với kiểu kết thúc có hậu của văn học phương Đông, các vở tuồng của Đào Tấn lại kết thúc mở, rất hiện đại. Đặc biệt, dù qua phiên dịch không thể hiểu hết, nhưng nhà văn Pháp cũng hết sức tâm đắc với các màn biểu diễn hài hước, nhất là các pha đấu khẩu, đối đáp với nghệ thuật chơi chữ hết sức tinh tế và đặc sắc.

Theo (Theo: Barthélemy, “En Indo-Chine, 1896-1897, Tonquin, Haut Laos, Annam septentrional”, Paris, 1901)
Copy Link

Mới nhất

x
Chuyện Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn mời khách Tây xem tuồng ở Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO