Chuyện về huấn luyện viên gạo cội của làng cầu mây Nghệ An

Minh Quân 18/04/2023 08:29

(Baonghean.vn) - Hơn 25 năm gắn bó với bộ môn cầu mây, anh Hoàng Hữu Nghĩa - Trưởng bộ môn cầu mây, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Nghệ An là người có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của cầu mây Việt Nam nói chung và cầu mây Nghệ An nói riêng.

Thành tích nổi bật…

Sinh năm 1972, tại xã Diễn Thọ (Diễn Châu), tốt nghiệp THPT, Hoàng Hữu Nghĩa thi vào Khoa Bóng đá, Trường Đại học thể dục, thể thao (đóng tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Tháng 12/1993, sau khi tốt nghiệp đại học, anh được phân công về công tác tại Sở Thể dục, thể thao Nghệ An (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) với vai trò là cán bộ phụ trách phong trào của Phòng Nghiệp vụ.

Năm 1996, Hoàng Hữu Nghĩa chuyển sang công tác tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện thể dục, thể thao (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao) tỉnh, với vai trò là huấn luyện viên bộ môn đá cầu.

Năm 1997, môn cầu mây bắt đầu được đưa vào huấn luyện thành tích cao tại trung tâm, lãnh đạo ngành Thể dục, thể thao tìm “đỏ mắt” mà không có huấn luyện viên nào có chuyên môn để dẫn dắt Đội tuyển cầu mây tỉnh. Thời điểm đó, Hoàng Hữu Nghĩa đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ mặc dù chưa có kinh nghiệm gì về bộ môn này.

Để có thêm kiến thức về cầu mây, anh đã tìm đọc các tài liệu, tranh thủ học hỏi qua đồng nghiệp của các địa phương có phong trào cầu mây mạnh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Sóc Trăng… mỗi khi dẫn dắt đội tuyển đi tập luyện và thi đấu.

Huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa và Đội tuyển cầu mây Nghệ An tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Ảnh: NVCC

Năm 1998, lần đầu tiên Đội tuyển cầu mây Nghệ An tham gia Giải trẻ Quốc gia, đối đầu với các đối thủ mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... nhưng Hoàng Hữu Nghĩa và các học trò của mình đã xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng ở nội dung đội tuyển 3 nữ.

Thời điểm đó, thành tích này là một bất ngờ lớn với ngành Thể dục, thể thao tỉnh nhà, bởi bộ môn cầu mây mới được đưa vào huấn luyện thành tích cao chưa đầy 1 năm, các vận động viên Nghệ An hầu hết đều rất trẻ, dưới 20 tuổi. Tấm Huy chương Vàng đầu tiên này khiến thầy và trò càng có thêm động lực để tập luyện và cố gắng đạt được nhiều thành tích hơn nữa.

Huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa - Trưởng bộ môn cầu mây, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An.

Năm 1999, Hoàng Hữu Nghĩa và những học trò trẻ tham gia giải Vô địch cầu mây Quốc gia đầu tiên giành được 1 Huy chương Đồng. Từ đó, năm nào đội tuyển cầu mây Nghệ An cũng mang huy chương về cho thể thao tỉnh nhà. Cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa, nhiều vận động viên cầu mây Nghệ An đã trưởng thành nhanh chóng và được gọi vào các Đội tuyển trẻ Quốc gia, Đội tuyển Quốc gia như Bạch Hà, Hồ Minh Thuận, Đậu Bảo Hiền (nữ), Phạm Viết Thành (nam)…

Năm 2009, Đội tuyển cầu mây Nghệ An có tấm Huy chương Vàng vô địch Quốc gia đầu tiên. Từ đó đến nay, cầu mây Nghệ An đều giành được từ 3 - 5 Huy chương Vàng tại các giải trẻ Quốc gia, giải Vô địch Quốc gia. Tại các kỳ Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VI (2010), lần thứ VII (2014), lần thứ VIII (2018) và lần thứ IX (2022), cầu mây là một trong những môn mang về nhiều huy chương nhất cho đoàn thể thao Nghệ An.

Dẫn dắt Đội tuyển cầu mây Nghệ An liên tục đạt nhiều thành tích cao, huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa sớm được giới chuyên môn trong nước đánh giá cao. Năm 2006, anh được gọi lên làm huấn luyện viên Đội tuyển cầu mây nam Quốc gia. Ngay ở lần đầu cầm quân tham dự giải Vô địch thế giới 2006, Hoàng Hữu Nghĩa đã khẳng định được năng lực của mình, khi các học trò của anh đã đoạt 2 Huy chương đồng. Cũng trong năm đó, tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 15 được tổ chức tại Qatar, anh cùng cùng đội tuyển nữ đoạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.

Năm 2011, Hoàng Hữu Nghĩa được tín nhiệm giao trọng trách dẫn dắt Đội tuyển cầu mây nữ Quốc gia. Và anh chính là người người đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trẻ hóa Đội tuyển cầu mây Quốc gia đầu những năm 2010.

Sau những thành tích vang dội của cầu mây Việt Nam tại ASIAD 15 khi giành chiến thắng trước Thái Lan, cường quốc của môn thể thao này, bộ 3 chủ lực của cầu mây Việt Nam là Lưu Thị Thanh - Hải Thảo - Bích Thuỳ dần xuống sức và phải rời sân đấu, huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa lại phải bắt tay xây dựng lại đội tuyển từ đầu với các vận động viên trẻ như: Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Hòa, Đinh Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thị Quyên...

Huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa cùng các học trò tại Đội tuyển cầu mây bãi biển Quốc gia. Ảnh: NVCC

Từ đó, ở các giải đấu như SEA Games, ASIAD hay Giải vô địch thế giới, cầu mây nữ Việt Nam, dù chưa thể vượt qua được Thái Lan - cường quốc số 1 thế giới ở bộ môn này, những cũng tạo ra rất nhiều dấu ấn đặc biệt, trong đó, ấn tượng nhất là chức vô địch thế giới ở nội dung tuyển 3 nữ vào năm 2011.

Từ năm 2008 đến năm 2016, Hoàng Hữu Nghĩa cũng là Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển nữ cầu mây bãi biển Quốc gia. Anh từng dẫn dắt đội tuyển tham gia 5 kỳ Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG) liên tiếp vào các năm 2008, 2010, 2012, 2014 và 2016.

Sau 4 lần chỉ giành được thành tích tốt nhất là tấm Huy chương Bạc, tại ABG lần thứ 5 năm 2016, Đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam đã giành được tấm Huy chương Vàng lịch sử ở nội dung bộ 3 nữ sau khi xuất sắc giành thắng lợi 2-0 trước Đội tuyển Myanmar.

… và những trăn trở

Hoàng Hữu Nghĩa cho biết, làm huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia lúc nào cũng phải chịu áp lực về thành tích. Với anh, điều ấy không khó khăn bằng việc phải thường xuyên phải xa nhà, ít có thời gian dành cho gia đình. Nhưng nghĩ đến vinh dự và trách nhiệm của một huấn luyện viên Quốc gia, anh lại lao vào công việc, cùng các học trò chinh phục những thử thách phía trước.

Năm 2017, huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa xin nghỉ huấn luyện ở Đội tuyển Quốc gia để tập trung cho công tác huấn luyện bộ môn cầu mây tỉnh nhà. Dưới sự dẫn dắt của anh, tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc vào các năm 2018 và 2022, cầu mây Nghệ An đứng thứ nhì toàn đoàn về cầu mây, chỉ sau Hà Nội - địa phương mạnh nhất toàn quốc ở bộ môn này. Ngoài ra, trong năm 2022, đội cầu mây tham gia thi đấu 3 giải câu lạc bộ, trẻ và vô địch bãi biển, 3 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng.

Huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa và tuyển thủ Quốc gia Nguyễn Thị My - vận động viên từng giành Huy chương Vàng SEA Games 31 năm 2022. Ảnh: NVCC

Sau những Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Quyên, Đinh Thị Thúy Hằng vào đầu những năm 2010, huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa tiếp tục phát hiện và giới thiệu cho Đội tuyển Quốc gia cầu mây nữ những gương mặt vận động viên người Nghệ An tài năng như Nguyễn Thị My, Ngô Thị Ngọc Quỳnh. Trong số này, Nguyễn Thị My là gương mặt xuất sắc nhất, khi cùng các đồng đội ở đội tuyển 3 nữ đánh bại đội tuyển Thái Lan tại SEA Games 31 năm 2022 để giành tấm Huy chương Vàng quý giá sau gần 20 năm chờ đợi ở sân chơi khu vực.

Chính thầy Hoàng Hữu Nghĩa đã huấn luyện và động viên em rất nhiều để em vượt qua những khó khăn, luôn nỗ lực hết mình ở các giải đấu để mang vinh quang về cho tỉnh nhà, cho Quốc gia”.

Tuyển thủ Quốc gia Nguyễn Thị My (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An)

Tuy đã giành nhiều thành tích với môn cầu mây nhưng theo huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa, nhiều năm qua anh rất trăn trở với sự phát triển của bộ môn này.

“Không như các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và võ thuật, việc xã hội hóa môn cầu mây ở Nghệ An rất hạn chế. Hiện môn này mới chỉ được phát triển tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh vì đối với phần lớn người dân thì nó còn khá xa lạ, kể cả trong tầng lớp thanh thiếu niên.

Hiện cầu mây chưa được đưa vào các trường học cũng như các các Hội khỏe Phù Đổng không tổ chức thi đấu môn cầu mây nên mỗi khi tìm kiếm vận động viên năng khiếu, các huấn luyện viên đành phải tự đến các địa phương để tuyển. Các huấn luyện viên phải đặt mối quan hệ với các trường học để họ giới thiệu cho những em có năng khiếu về thể thao. Hoặc chúng tôi phải đích thân tìm đến từng làng quê để “chiêu mộ” những em có năng lực. Những cách làm này, khiến huấn luyện viên tốn rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, so với các địa phương mạnh về cầu mây khác, số chỉ tiêu đào tạo vận động viên của môn cầu mây là khá ít nên việc lựa chọn vận động viên tham dự các giải toàn quốc gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh tâm huyết, sự nỗ lực của các vận động viên, huấn luyện viên, rất cần thêm sự quan tâm của ngành Thể dục, thể thao để để cầu mây Nghệ An phát triển hơn nữa”, huấn luyện viên Hoàng Hữu Nghĩa tâm sự./.

Mới nhất

x
Chuyện về huấn luyện viên gạo cội của làng cầu mây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO