Chuyện về những gương mặt nữ tiêu biểu của làng thể thao Nghệ An

Minh Quân 05/03/2023 15:01

(Baonghean.vn) - Trong thành phần Đoàn thể thao Nghệ An tham gia các giải đấu quốc gia hay tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu tỉnh những năm gần đây, các vận động viên, huấn luyện viên nữ chiếm số lượng không nhỏ và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự thành công của thể thao tỉnh nhà.

Những thành tích đáng nể

Một điều thú vị là trong làng thể thao Nghệ An, hầu hết những vận động viên, huấn luyện viên nữ nổi bật là ở các môn võ, trong đó cái tên đáng chú ý nhất hiện nay là Ngũ Thị Thuyết.

Sinh năm 1990 tại xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), với thể hình, thể lực tốt và niềm đam mê võ thuật, 15 tuổi, Thuyết đã được chọn vào đội tuyển Nghệ An tham gia Giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc và sau đó được gọi vào đội tuyển quốc gia. Từ đó, Ngũ Thị Thuyết liên tục gặt hái thành công với hàng chục tấm huy chương các loại ở cả 3 môn: võ cổ truyền, boxing và kick-boxing.

Ngũ Thị Thuyết (giữa) theo dõi các học trò trong một buổi tập boxing. Ảnh: Minh Quân.

Liên tiếp từ năm 2008 - 2018, Ngũ Thị Thuyết bất bại ở hạng cân 50kg võ cổ truyền và 60kg boxing, kick-boxing ở các giải đấu toàn quốc. Dù không có duyên với những giải đấu khu vực, châu lục cũng như thế giới do gặp phải một số chấn thương trong quá trình tập trung đội tuyển Quốc gia, Thuyết vẫn được coi là một trong những nữ võ sĩ khiến nhiều người nể phục của làng võ Việt trong 20 năm đầu thế kỷ 21.

Tháng 4/2022, ngay trước khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thành tích cao, Ngũ Thị Thuyết vẫn giành 1 HCV hạng cân dưới 60kg tại Giải kick-boxing mở rộng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện cô đang là huấn luyện viên của bộ môn Võ cổ truyền - boxing - kick-boxing (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh), hằng ngày đem nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình truyền cho những vận động viên trẻ, trong đó có nhiều người là đồng đội sát cánh cùng cô trong các giải đấu những năm gần đây.

Trong đội ngũ huấn luyện viên gạo cội đang công tác tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, nếu bình chọn một gương mặt nữ tiêu biểu, không ai xứng đáng hơn huấn luyện viên Trịnh Thị Mùi (môn pencak silat).

Sinh năm 1979 ở Thanh Hóa nhưng chị đã có hơn 20 năm gắn bó với thể thao Nghệ An trên cương vị huấn luyện viên. Trước đó, trong giai đoạn thi đấu cho Đội tuyển Quốc gia pencak silat (từ năm 1995 đến năm 2001), Trịnh Thị Mùi đã giành được 7 HCV toàn quốc, 4 HCV SEA Games, 2 HCV châu Á, 3 HCV thế giới hạng 60 kg; 4 lần được bầu chọn là vận động viên tiêu biểu trong 4 năm liên tiếp từ năm 1999 đến 2003; 3 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.

Sau khi kết thúc sự nghiệp vận động viên vào năm 2001, chị kết hôn với anh Trần Trọng Cường - một vận động viên pencak silat người Nghệ An và cùng chồng đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên Đội tuyển pencak silat Nghệ An. Trên cương vị mới, Trịnh Thị Mùi đã góp phần đào tạo nên những vận động viên tài năng cho pencak silat Nghệ An như Trương Văn Mão, Nguyễn Duy Đoàn, Nguyễn Hải Lâm, Trần Anh Tuấn, Trần Thị An…, đưa Nghệ An trở thành một tỉnh mạnh ở môn võ này.

Một gương mặt nữ vận động viên tiêu biểu khác của thể thao Nghệ An là Phạm Thị Hồng Thanh. Sinh năm 1999 tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, khi vừa học hết lớp 8, trong một lần nghỉ hè vào Nghệ An thăm họ hàng, Hồng Thanh được một người chú đang làm lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An giới thiệu đến tập bơi.

Vận động viên cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh và huấn luyện viên Vũ Đức Hoàng. Ảnh: Minh Quân.

Tại đây, cô đã lọt “mắt xanh” của huấn luyện viên cử tạ Vũ Đức Hoàng và được thuyết phục, tuyển chọn vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An. Tại các kỳ SEA Games 30, 31, Phạm Thị Hồng Thanh đều giành HCV ở hạng cân 64 kg. Đặc biệt, tại SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5/2022 trên sân nhà, cô còn thiết lập 3 kỷ lục khi chinh phục được tổng cử 230 kg.

Những tháng cuối năm 2022, Hồng Thanh giành thêm 3 HCV tại Giải vô địch cử tạ châu Á và 3 HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Nỗ lực vượt khó

Hiện nay, Trung tâm Đào tạo TDTT tỉnh có 165 vận động viên nữ trong tổng số 315 vận động viên, trong đó có những bộ môn mà số vận động viên nữ chiếm đa số như bóng chuyền (20 vận động viên), điền kinh (20 vận động viên), taekwondo (16 vận động viên), cầu mây (12 vận động viên), pencak silat (11 vận động viên)… Ngoài ra, còn có 7 huấn luyện viên nữ ở các môn võ thuật và cầu mây, đá cầu, điền kinh…

Một buổi tập của đội bóng chuyền nữ Nghệ An. Ảnh: Minh Quân.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, số huy chương, đặc biệt là huy chương vàng mà các vận động viên nữ Nghệ An giành được tại các giải đấu quốc gia chiếm hơn một nửa số huy chương của thể thao thành tích cao Nghệ An.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX – sự kiện thể thao trong nước lớn nhất của năm 2022, các vận động viên nữ Nghệ An đã giành 7 trên tổng số 12 HCV mà Đoàn thể thao Nghệ An có được ở các môn cầu mây (2 HCV), cử tạ (3 HCV), điền kinh và karatedo (mỗi môn 1 HCV).

Tuy chiếm số lượng lớn và giành được rất nhiều thành tích cho thể thao tỉnh nhà nhưng ít ai biết rằng so với các đồng nghiệp nam, các vận động viên, huấn luyện viên nữ gặp rất nhiều khó khăn để theo đuổi sự nghiệp thể dục thể thao.

Huấn luyện viên Hà Thị Kim Ánh (môn điền kinh) chia sẻ: “Phụ nữ khi tham gia tập luyện, thi đấu thể thao thì gặp rất nhiều khó khăn, áp lực như về thể trạng, gia đình. Tâm sinh lý của vận động viên nữ không được ổn định như các vận động viên nam, thời gian gắn bó với thể thao đỉnh cao cũng ngắn hơn. Trong khi đó, giai đoạn tập luyện thể thao đỉnh cao thường rơi vào thời điểm độ tuổi tươi đẹp nhất của người phụ nữ (từ 18 - 24).

Không những thế họ phải thường xuyên tập luyện, thi đấu xa nhà... Như cá nhân tôi, trong năm 2022, trong quá trình tập huấn cùng đội chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đã phải ròng rã xa nhà 5 tháng, dù thời điểm đó cháu đầu học lớp 8 còn cháu thứ hai mới lớp 3”.

Các vận động viên điền kinh nữ Nghệ An tập luyện. Ảnh: Minh Quân.

Thế nhưng, với niềm đam mê, các huấn luyện viên, vận động viên nữ đã vượt qua mọi khó khăn để cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể dục, thể thao. Với nhiều nữ vận động viên, huấn luyện viên, có lẽ chướng ngại vật đầu tiên họ phải vượt qua để bắt đầu con đường thể thao chuyên nghiệp chính là làm thế nào để thuyết phục gia đình ủng hộ mình.

Có một thực tế là hầu hết các vận động viên đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đều đến từ các huyện, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cũng vì hoàn cảnh gia đình nên các vận động viên này dễ dàng hơn trong việc thuyết phục gia đình cho họ theo đuổi nghiệp thể thao.

Các nữ võ sĩ wushu trên sàn tập. Ảnh: Minh Quân

Còn ở thành phố Vinh, theo các huấn luyện viên, hiện nay có nhiều học sinh nữ có tố chất tốt, có tiềm năng để trở thành vận động viên xuất sắc nhưng quan niệm của bố mẹ các em cũng khắt khe hơn. Song cũng vì đam mê thể thao nên nhiều em đã thuyết phục được gia đình, như em Nguyễn Tú Anh (SN 2007) ở môn lặn.

Nữ vận động viên lặn Nguyễn Tú Anh cùng huấn luyện viên Hồ Văn Lược. Ảnh: Minh Quân

Tú Anh cho biết: “Từ nhỏ em đã đam mê với môn bơi lặn nên em đã cố gắng thuyết phục bố mẹ cho em được tham gia đội tuyển bơi lặn của tỉnh. Ban đầu bố mẹ em phản đối vì cho rằng con gái không nên theo nghiệp thể thao nhưng em vừa kiên trì thuyết phục, vừa cố gắng học tốt văn hóa nên dần dần, bố mẹ cũng đồng ý”.

Động tác mạnh mẽ của các vận động viên taekwondo nữ Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Bên cạnh đó, người ta thường nghĩ rằng con gái theo nghiệp thể thao thì thể hình thường thô cứng và không được duyên dáng, mặn mà. Nhưng thực tế thì ngược lại, có rất nhiều vận động viên nữ tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Nghệ An là hoa khôi, như Nguyễn Thị Mai (VĐV karatedo), Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Kim Anh (VĐV taekwondo), Hồ Thị Minh Thuận (HLV cầu mây), Lê Thị Thanh Liên (bóng chuyền)… Chính tài sắc của những vận động viên này đã đem đến không khí tươi mới, sôi nổi cho những sân tập.

Mới nhất

x
Chuyện về những gương mặt nữ tiêu biểu của làng thể thao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO