Cơ bản đúng lịch thời vụ
(Baonghean.vn) Qua rằm tháng Giêng, đồng đất ở nhiều địa phương trong tỉnh đã phủ một màu xanh của lúa. Tại các huyện đồng bằng và trung du, bà con cơ bản đã sắp hoàn thành gieo trồng cây vụ xuân.
Là địa phương có tiến độ gieo cấy lúa vụ xuân nhanh nhất tỉnh, đến nay Yên Thành đã cơ bản khép kín diện tích lúa xuân. Chị Hoàng Thị Tạo - xóm 8 xã Xuân Thành cho biết: Gia đình chị có 5 sào lúa, nhưng đến ngày 3/2, chị đã ra đồng cấy nốt diện tích ruộng mạ cuối cùng.
Hiện cây lúa đang phát triển tốt trong điều kiện thời tiết ấm dần, nhưng chị vẫn thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh theo hướng dẫn của xã. Vụ xuân năm nay, toàn huyện Yên Thành gieo cấy 13.400 ha lúa, trong đó chủ yếu là các giống lúa lai như Khải phong 1, Nhị ưu 986... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - ông Nguyễn Sỹ Hưng, thì qua kiểm tra, một số diện tích lúa dài ngày và lúa sản xuất giống cấy trước Tết hiện đã bén rễ, diện tích lúa cấy sau Tết sinh trưởng, phát triển tốt và hiện trên đồng ruộng chưa thấy xuất hiện sâu bệnh.
Bà con nông dân ra đồng cấy lúa xuân
Đó cũng là tình hình chung ở các huyện vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Tại Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện tại, tiến độ gieo trồng các loại cây vụ xuân đều đảm bảo đúng lịch thời vụ, ngoài vài trăm ha diện tích lúa xuân sớm ở vùng sâu trũng được cấy trước Tết, còn lại hầu hết bà con xuống đồng từ ngày mùng 4 Tết và hiện tại hầu hết diện tích lúa vụ xuân đã được gieo cấy xong, các loại cây trồng khác như lạc, rau các loại đều đã gieo trồng đúng kế hoạch.
Vốn là địa phương có "truyền thống" tốt trong sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại, huyện Diễn Châu cũng đã chỉ đạo bà con thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, đặc biệt diện tích lạc tại huyện trọng điểm lạc này đều được gieo trồng từ mùng 6 Tết, khi thời tiết đã ấm dần, nên hiện lạc đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến 50% diện tích lạc của huyện sẽ được gieo trước tiết lập Xuân.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, nhìn chung các vấn đề như lịch thời vụ, giống, áp dụng các tiến bộ KHKT đều được bà con chấp hành khá nghiêm túc. Nếu vụ xuân 2011, toàn tỉnh gieo thẳng hơn 13.000 ha lúa thì hiện chỉ còn hơn 8.000 ha, giảm 1/3. Các địa phương thường có diện tích lúa gieo thẳng nhiều như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc... năm nay đều giảm.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ xuân năm nay, hầu hết các diện tích lúa cấy đều được bắc mạ phủ nilon và chăm sóc đúng kỹ thuật nên hầu như không có mạ bị chết, nhiều địa phương từng bị thiếu mạ vào các vụ xuân như Quỳnh Lưu, Diễn Châu... hiện đều thừa mạ.
Ở các vùng trọng điểm lạc, lạc được gieo trồng đúng lịch, địa phương ra quân sớm nhất là Diễn Châu cũng chỉ gieo trước tiết lập Xuân 10 ngày. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện chưa thực sự chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh.
Dù ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đã chỉ đạo rất quyết liệt, góp phần làm giảm diện tích lúa gieo thẳng, nhưng ở nhiều huyện diện tích này vẫn còn nhiều, như Đô Lương hiện đã có hơn 3.000 ha, Hưng Nguyên 2.100 ha, Nam Đàn hơn 1.500 ha... và trong số này đã có khoảng 7- 10% diện tích lúa gieo bị chết do rét.
Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT- ông Nguyễn Văn Lập, thì với tiến độ như hiện tại, trong điều kiện thời tiết đang ấm dần, các vùng trọng điểm sản xuất lúa sẽ kết thúc gieo cấy vào khoảng 10- 15/2, cây lạc trước ngày 20/2, đúng chỉ đạo của tỉnh.
Như vậy, hiện thời vụ vẫn còn khá dài, bà con nên theo dõi thời tiết và tùy vào tuổi mạ cụ thể để cấy hợp lý theo lịch thời vụ, nếu mạ đang non hoặc trời rét dưới 150C thì không nên gieo cấy. Dỡ nilon diện tích mạ đến thời kỳ cấy để mạ cứng cây, đồng thời, trước khi cấy 2-3 ngày nhất thiết phải phun thuốc trừ rầy cho mạ.
Đặc biệt, ngay sau khi cấy, nếu thời tiết ấm lên, lúa phát triển nhanh, rất có khả năng một số đối tượng sâu bệnh như rầy, đạo ôn sẽ phát sinh gây hại. Các địa phương và người dân cần hết sức chú ý, tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời và xử lý trong diện hẹp, nhất là ở những diện tích đã từng bị bệnh lùn sọc đen và trên những giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn như PC15, AC15...
Đối với những địa phương có diện tích lúa gieo thẳng, cùng việc kiểm tra, rà soát lại những diện tích lúa bị thiệt hại do rét để có phương án bổ sung, cần quan tâm đến việc chống rét, cung cấp đủ nước theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp để giữ ấm cho lúa. Đồng thời chú ý theo dõi sự phát sinh của rầy và bệnh lùn sọc đen, vì đây là những diện tích chưa được quản lý và chưa được phun phòng trừ rầy như đối với diện tích mạ.
Phú Hương