“Có các anh dân bản yên vui hơn”
(Baonghean) - Nghệ An có 305 thôn bản của 27 xã, thuộc 6 huyện nằm dọc 419 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ mú, Đan Lai và Tày Poọng ở khu vực biên giới đang từng bước khởi sắc, thế trận an ninh - quốc phòng ngày càng vững mạnh. Có được những thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cán bộ, chiến sỹ biên phòng, trong đó phải kể đến chủ trương bố trí cán bộ tăng cường về cơ sở.
Một ngày đầu năm, khi sắc Xuân, khí Xuân đang tràn ngập khắp núi rừng, chúng tôi vào thăm xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương), nơi cư trú của đồng bào Thái, Mông và Tày Poọng. Khác với 6 năm trước, khi chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, các bản làng Tam Hợp giờ đây đã có nhiều ngôi nhà kiên cố, nương rẫy tốt tươi hơn và những thửa ruộng nước đang vào mùa vụ. Gặp lại Xồng Bá Nỏ - Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm, anh vội khoe ngay: “Bản ta giờ khác trước nhiều lắm rồi, không còn tình trạng thiếu đói triền miên và không có chăn ấm, phải đốt lửa sưởi như lần trước anh vào nữa đâu”. Và trong câu chuyện với Xồng Bá Nỏ, anh bí thư bản Mông này thường nhắc tới tên anh Vũ Văn Hậu, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp đang được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Tìm gặp Vũ Văn Hậu, được biết anh được tăng cường về cơ sở từ tháng 3/2010. “Nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã, việc đầu tiên tôi nghĩ là phải tìm cách ổn định tình hình an ninh - trật tự, từ đó tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội” - Thiếu tá Vũ Văn Hậu chia sẻ.
Chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm (Thanh Chương) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng keo. Ảnh: P.V
Sau khi tìm hiểu, khảo sát một cách kỹ lưỡng, Phó Bí thư Vũ Văn Hậu đã tham mưu công tác phối kết hợp giữa xã và Đồn Biên phòng Tam Hợp, các cơ quan ban ngành có liên quan (quân sự, công an) để nắm chắc tình hình, đặc biệt là tình hình tư tưởng quần chúng nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện những vấn đề cấp bách cần được giải quyết như phòng chống ma túy, kiểm tra hộ tịch hộ khẩu, tăng cường tuần tra đường biên cột mốc, thu hồi vũ khí và vật liệu nổ, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh... Và điều quan trọng nhất là bà con các dân tộc ở Tam Hợp đã bắt đầu ổn định về mặt tư tưởng và yên tâm làm ăn, sản xuất. Bên cạnh đó, anh Vũ Văn Hậu là làm tốt công tác tham mưu cho đảng ủy, chính quyền phối hợp với đồn biên phòng giải quyết tình trạng truyền đạo Tin Lành trái pháp luật ở bản Phà Lõm. Vào khoảng cuối năm 2010 - đầu 2011, đối tượng Lầu Y Xía sang Lào chăm bố chồng điều trị tại bệnh viện đã bị kẻ xấu tiêm nhiễm, trở về quê cấu kết với các đối tượng xấu tổ chức truyền đạo cho 14 chị em bản Phà Lõm và Huồi Sơn. Nắm được tình hình, Vũ Văn Hậu đã tham mưu thành lập đoàn công tác của xã, phối hợp với đoàn công tác liên ngành của huyện về tuyên truyền, vận động đồng bào Mông ở Phà Lõm và Huồi Sơn không nghe theo lời kẻ xấu. Cuối cùng, 14 chị em bị dụ dỗ đã từ bỏ hẳn việc theo đạo Tin Lành, riêng Lầu Y Xía đã viết cam kết không tiếp tục tổ chức truyền đạo trái pháp luật, chỉ đọc kinh tại nhà riêng. Những tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và vai trò “cầu nối” của anh Vũ Văn Hậu đã góp phần quan trọng giúp Đảng bộ xã Tam Hợp được công nhận danh hiệu “Trong sạch vững mạnh” năm 2012, điều mà từ trước tới nay gần như chưa hề có.
Rời Tam Hợp, chúng tôi tiếp tục ngược lên xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) gặp Đại úy Hồ Sỹ Cần, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Cũng như hầu hết các xã vùng biên ở Kỳ Sơn, đời sống kinh tế - xã hội ở Tà Cạ còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn nằm ở mức cao, trình độ dân trí còn thấp. Các tổ chức chính trị xã hội và một số ban ngành, đoàn thể hoạt động còn mang tính hình thức nên chưa thật sự mang lại hiệu quả. Đầu năm 2010, anh Hồ Sỹ Cần được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Khi nắm chắc được tình hình và đặc điểm dân cư, anh đã tham mưu cho đảng ủy ban hành những chủ trương, chính sách quan trọng và đến nay đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Hoạt động của các chi bộ đã đi vào nề nếp và có chất lượng hơn, năm 2012 có 13/15 chi bộ đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đẩy mạnh, bà con nhân dân đã có ý thức giao nộp các loại vũ khí và vật liệu nổ để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đến nay, 9/11 bản đã xây dựng được đội văn nghệ và đội bóng chuyền để tham gia giao lưu vào các ngày lễ, tết. Đặc biệt, nhờ sự tham mưu của anh Hồ Sỹ Cần, xã Tà Cạ đã huy động các nguồn lực để phục dựng đền thờ và tổ chức Lễ hội Đền Đức Khánh để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Thái, Khơ mú, Kinh và Mông cư trú trên địa bàn. Theo Đại úy Hồ Sỹ Cần, trước hết, để hoàn thành nhiệm vụ, bản thân người cán bộ tăng cường phải thật sự tâm huyết, là một tấm gương sáng trên mọi mặt của đời sống. Đồng thời, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin từ nhiều kênh, chân thành lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác để có sự tam mưu trúng, đúng và có hiệu quả.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Quyết định của Bộ Tư lệnh Biên Phòng, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy Nghệ An thực hiện kế hoạch tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã vùng biên giới. Hiện nay, toàn tỉnh có 24/27 xã biên giới được bố trí tăng cường cán bộ biên phòng, 62 chi bộ thôn bản có đảng viên bộ đội biên phòng về sinh hoạt tạm thời. Quá trình triển khai thực hiện đã tạo được sự chuyển biến về nhiều mặt, kinh tế - xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, hệ thống chính trị từng bước được củng cố, chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng được nâng lên rõ rệt, được các cấp các ngành địa phương đánh giá cao.
Thượng tá Lê Như Cương - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết: “Chủ trương chuyển cán bộ biên phòng tăng cường trực tiếp tham gia cấp ủy địa phương, đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy xã biên giới đã góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ địa phương, xóa bỏ hẳn lối làm việc “5 không” (không nghị quyết lãnh đạo; không kế hoạch công tác; không quy chế, chương trình làm việc; không lịch trực; không sinh hoạt thường kỳ)”. Đồng thời, để tiếp tục góp phần giảm số lượng thôn bản còn “trắng” chi bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ thôn bản yếu kém, Đảng ủy BĐBP tỉnh còn tham mưu và thực hiện chủ trương chuyển cán bộ BĐBP về tham gia sinh hoạt tạm thời tại các thôn bản vùng biên giới. Giải pháp này đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều thôn bản thành lập được chi bộ, xóa bỏ tình trạng đảng viên sinh hoạt ghép và bản “trắng” đảng viên, củng cố nề nếp sinh hoạt, chất lượng và tính khả thi của nghị quyết ngày càng được nâng lên.
CÔNG KIÊN