Có cải thiện nhưng chưa đột phá
(Baonghean)- Sáng 23/2, tại Hà Nội Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 và Khảo sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2011 do VCCI và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đồng tổ chức vừa diễn ra. Theo đó, tỉnh Nghệ An sau những nỗ lực từ vị trí 53 (năm 2010) vươn lên thứ 49 trong năm 2011, đạt 55,46 điểm.
(Baonghean)- Sáng 23/2, tại Hà Nội Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 và Khảo sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2011 do VCCI và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đồng tổ chức vừa diễn ra. Theo đó, tỉnh Nghệ An sau những nỗ lực từ vị trí 53 (năm 2010) vươn lên thứ 49 trong năm 2011, đạt 55,46 điểm.
Có 9 chỉ số thành phần phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đó là: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền địa phương, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Từ lần đầu tiên công bố vào năm 2005, Chỉ số PCI được tiến hành thường niên nhằm đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố thông qua khảo sát, cảm nhận của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Báo cáo PCI năm nay đại diện cho tiếng nói của gần 7.000 doanh nghiệp trong nước tại 63 tỉnh, thành. Theo đó, Lào Cai bứt phá vươn lên vị trí quán quân, đội sổ là Cao Bằng xếp ở vị trí 63. Hai thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tăng lần lượt 6 và 3 thứ hạng so với năm 2010, xếp vị trí thứ 36 và 20 trên bảng xếp hạng.
Đại diện của VCCI cho biết, bảng xếp hạng PCI 2011 cho thấy, khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh ngày một thu hẹp. Bằng chứng là một số tỉnh trong những năm đầu tiên công bố PCI có điểm số cao nay bắt đầu chững lại. Đồng thời, các tỉnh, thành trước đây đứng cuối bảng đã có bước tăng trưởng.
Riêng đối với Nghệ An năm nay tăng 4 bậc, xếp vị trí thứ 49, đạt 55,46 điểm. So với năm 2010, năm 2011, Nghệ An bứt phá ở các chỉ số: gia nhập thị trường (đạt 8.70 điểm), chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước (đạt 6.02 điểm). Ngoài ra, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính năng động của lãnh đạo tỉnh cũng là các chỉ số ghi điểm của Nghệ An. Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin giữ nguyên, không có biến chuyển so với năm 2010.
Ông Nguyễn Duy Tuấn - Trưởng Văn phòng đại diện VCCI tại Nghệ An cho biết: Trong 9 chỉ số thành phần của Nghệ An thì chỉ số tính năng động lãnh đạo tỉnh năm nay có thêm điểm cộng, trong khi hầu hết các địa phương khác đều có sự sụt giảm, đặc biệt tại các tỉnh đứng đầu. Thực tế từ bảng xếp hạng cho thấy, Nghệ An đã có cải thiện nhưng chưa đột phá.
Năm nay, từ những chi phí không chính thức trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, đến những chi phí không chính thức trong đấu thầu tài sản công đã được đưa vào điều tra, nghiên cứu. Điều đáng buồn, trong khi các địa phương có sự cải thiện về chi phí này thì Nghệ An vẫn bị "kêu" về những khoản chi phí không chính thức (4.78 điểm). Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp vẫn còn phải chi "lót tay" cho cán bộ cơ quan hành chính địa phương. Bất ngờ hơn, trong khi Nghệ An được xem là trung tâm của đào tạo nghề, của dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với sự phát triển nhanh chóng các chi nhánh ngân hàng, hiệp hội... thì cũng chính các lĩnh vực này không tạo được niềm tin từ phía các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Tuấn cho rằng, mặc dù tỉnh phát triển nhanh chóng các trung tâm, trường đào tạo nghề trên địa bàn nhưng hiệu quả của công tác đào tạo nghề lại chưa như mong muốn. Chính bản thân ông đã nhận được khá nhiều phàn nàn từ doanh nghiệp về chất lượng tay nghề qua đào tạo tại địa phương. Các đơn vị này mới chỉ quan tâm tới lý thuyết và phát triển số lượng học viên nhưng khả năng ứng dụng vào thực tế còn kém và chưa quan tâm đúng mức tới chất lượng đào tạo. Cũng tương tự như đào tạo nghề, dù không ít hiệp hội hoạt động, không ít dịch vụ làm vệ tinh cho phát triển kinh tế mọc lên, song doanh nghiệp cũng chưa có đánh giá tốt bàn tay "bà đỡ" từ các hiệp hội, các dịch vụ hỗ trợ...
Năm 2011 là một năm nhiều khó khăn đối với nền kinh tế, nhưng "ngược dòng" về thứ bậc trong bảng xếp hạng được đánh giá là nỗ lực cải thiện của Nghệ An. Việc tăng được số điểm trong năm 2011 của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là đáng ghi nhận. Tuy vậy, dù thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính giảm đi, dù tiếp cận đất đai tốt hơn, thiết chế pháp lý đi vào ổn định nhưng thẳng thắn nhìn nhận, các lĩnh vực khác của cải cách hành chính công vẫn chưa được thực hiện tốt. Các hoạt động đào tạo nghề, dịch vụ, hiệp hội... vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Tỉnh cần quan tâm hơn đến môi trường kinh doanh, chiến lược thu hút đầu tư, chính sách phát triển nguồn nhân lực, giải quyết nút thắt về phát triển cơ sở hạ tầng...
Thu Huyền