Cơ cấu lại nợ: Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi

15/06/2012 17:28

(Baonghean) - Cơ cấu lại nợ (gồm khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới trả nợ cũ, giảm lãi suất về lãi suất mới...) là một giải pháp màChính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cổ phần và thương mại triển khai để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các ngân hàng đang tiến hành phân loại khách hàng,chấm điểm xếp hạng tín dụng để có thểvừa giúp doanh nghiệp khơi thông vốn sản xuất, kinh doanh vừa tạo điều kiện cho ngân hàng thu hồi nợ…

Cơ cấu lại nợ có nghĩa là cho doanh nghiệp, người vay một “lối thoát” sau khi họ chưa có khả năng trả nợ do nhiều nguyên nhân. Cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp sẽ làm giảm một nguồn lợi nhuận đáng kể của các ngân hàng… nhưng nếu làm đúng, khéo léo, đánh giá đúng khách hàng sẽ là một “cứu cánh” cho doanh nghiệp khỏi bị mất sản nghiệp lại vừa tạo điều kiện cho họ kinh doanh để thu hồi vốn. Doanh nghiệp hiện nay vay vốn chủ yếu bằng bìa đất, tài sản nên nếu họ không được cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ sẽ dễ dàng bị ngân hàng phong tỏa tài sản, lấymất nhà đất. Công ty TNHH Sơn Trang đã phảimất nhà vì ngân hàng thu hồi.Công ty CP XNK Hùng Hưnglà một khách hàng của Vietcombank hiện đang rất khó khăn. Rất nhiều công ty, cửa hàng khác cũng đang trong cảnh “khó khăn trăm bề” với nguy cơ không trả được nợ ngân hàng.



Đánh giá đúng về doanh nghiệp để cho vay vốn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo về giải pháp hoạt động tín dụng trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các Hội sở chính, các ngân hàng chi nhánh trên địa bàn Nghệ An đang chủ động phối hợp với khách hàng để rà soát, cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Vinh, dư nợ tín dụng đến hết tháng 5/2012 là 2.122 tỷ đồng. Ngân hàng đang tiến hành cho vay 290 doanh nghiệp trên địa bàn. Bà Lê Huệ Anh- Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Vinh cho biết: Sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Ngoại thương VN, Ngân hàng Ngoại thương Vinh đang tiến hành phân loại nợ đối với khách hàng.

Tuy nhiên, chỉ xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn tạm thời do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước, thế giới và được Chi nhánh đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực, có khả năng trả nợ tốt sau tái cơ cấu. Những khách hàng được cơ cấu lại nợphải thuộc đối tượng: Có kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ BB+ trở lên, khách hàng không sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến mất cân đối tài chính; Phân tích tài chính cho thấy, khách hàng chỉ có khó khăn tạm thời, trong đó đảm bảo hàng tồn kho luân chuyển bình thường, không có hàng tồn kho kém phẩm chất, khó tiêu thụ, phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau thời hạn cơ cấu nợ khả thi, và một tiêu chí rất quan trọng theo bà Huệ Anh là “thiện chí của khách hàng”.

ỞNgân hàng Nông nghiệp tỉnh: Đối với doanh nghiệp xây dựng cơ bản đã có khối lượng được nghiệm thu, nhưng hiện chưa được giải ngân, thì ngân hàng mời doanh nghiệp lên xem xét, cơ cấu lại nợ theo 2 hình thức: Điều chỉnh lại kỳ hạn nợ hoặc gia hạn nợ kéo dài thời gian cho vay. Tương tự, đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hoá cũng vậy, xem xét hàng tồn kho, nếu doanh nghiệp sản xuất mà chưa tiêu thụ kịp thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, xem xét kéo dài thời gian cho vay. Đó là trường hợp một số khách hàng như doanh nghiệp Đa Ly, doanh nghiệp xây dựng Ngọc Linh, hộ Nguyễn Ngọc Luyến kinh doanh vận tải, hộ Lê Khắc Hoàng đầu tư mua máy húc, máy cẩu…

Ông Lê Thanh Phong- Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thủy chia sẻ: Chủ trương cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, nếu chủ trương này ra đời từ đầu năm thì ngân hàng rộng đường triển khai hơn. Cơ cấu lại nợ phải thực hiện khi chưa quá hạn trả nợ. Còn khi “quá hạn” rồi thì lại không cơ cấu được nữa.

Việc đánh giá khách hàng vì thế rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ ngân hàng dày thông tin, nhạy bén, nắm bắt được tình hình dòng vốn của khách hàng...Chủ trương đã có, chỉ đạo của các ngân hàng mẹ rất cụ thể, trong điều kiện ấy, ngân hàng nào tích cực, vì khách hàng sẽ làm hết mình. Còn ngân hàng nào không muốn vướng vào khó khăn, sẽ mặc nhiên “xiết nợ”,đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản.

Trong bối cảnh nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng như hiện nay (khoảng 10% trên toàn hệ thống), việc thu nợ của các ngân hàng đang rất khó khăn. Thực hiện các giải pháp về tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là con đường sống cho các ngân hàng. Trong khi nợ xấu của ngân hàng đang ở mức báo động thìviệc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu là một giải pháp quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của ngân hàng.


Châu Lan - Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Cơ cấu lại nợ: Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO