Cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển trong Công ước của LHQ

08/07/2014 18:07

(Baonghean.vn) - Câu hỏi 40. Cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển được quy định như thế nào trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982?

Trả lời: Những tranh chấp xảy ra trên biển gồm có nhiều loại khác nhau. Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để xử lý, giải quyết tất cả mọi tranh chấp.

Tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299 của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và các phụ lục có liên quan, đã quy định các nội dung cơ bản như:

- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp;

- Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp;

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

- Trình tự thủ tục hòa giải (Phụ lục V);

- Tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng của Tòa án quốc tế về Luật Biển (Phụ lục VI);

- Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Phụ lục VII);

- Giải quyết tranh chấp bằng Toà án trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII)...

Phía trước phòng xử của Tòa án Quốc tế về luật biển.
Phía trước phòng xử của Tòa án Quốc tế về luật biển.

Các quy định nói trên của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là một bước tiến quan trọng của luật pháp quốc tế nói chung và Luật Biển nói riêng, là thành quả đấu tranh của mọi quốc gia, nhất là các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển, các quốc gia không có biển và bất lợi về mặt địa lý... Nó phản ánh đúng xu thế của thời đại hiện đại và văn minh, trong đó mọi mối quan hệ phải được xử lý bằng pháp luật.

Nguyên tắc nền tảng được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là: các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp trong việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương LHQ, Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương.

Tại Phụ lục V của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã trù định việc thành lập một ủy ban hòa giải có chức năng "nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ và đưa ra có khuyến nghị cho các bên liên quan với mong muốn đạt được một sự hòa giải " (Điều 6, Phụ lục V).

Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các cơ quan tài phán sau: Tòa án quốc tế về Luật Biển, Tòa án công lý quốc tế, Tòa trọng tài thông thường hoặc Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong Phụ lục này.

Theo quy định tại Điều 296 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, các phán quyết của Tòa có thẩm quyền là có tính chất tối hậu (chung thẩm), các bên tranh chấp liên quan phải tuân thủ. Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước yêu cầu các thành viên của Công ước phải chấp hành, không được bảo lưu Tuy nhiên các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn cách thức riêng để giải quyết tranh chấp, có quyền lựa chọn thành phần của tòa án...

Cần lưu ý rằng, các quy định nói trên chỉ áp dụng cho những tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lơi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phái có thỏa thuận bằng văn bản của các bên liên quan.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 ở Biển Đông hầu như đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, các học giả và luật gia quốc tế. Hiệu quả của vụ kiện này là Tòa án quốc tế về Luật Biển đã thành lập Hội đồng trọng tài 5 thành viên và khởi động phiên đầu tiên vào ngày 11/7/2013 . Hiện tại Philippines vẫn tiếp tục kiên trì không thay đổi lựa chọn này bất chấp việc Trung Quốc tìm mọi cách vận động, cô lập Philippines và ngăn chặn vụ kiện.

Theo đánh giá của dư luận thì đó là việc làm văn minh, đúng luật, hoàn toàn không có nghĩa là làm phức tạp vấn đề hay quốc tế hóa vấn đề. Ngược lại, chính việc thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết một cách sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều.

Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam

(Còn nữa)

Mới nhất
x
Cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển trong Công ước của LHQ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO