Cơ chế tài chính đang kìm hãm khoa học phát triển
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, sự phức tạp và rườm rà của cơ chế tài chính khiến các nhà khoa học không thể chuyên tâm nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đang khảo sát và hoàn thiện đề án “Phát triển Khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” để trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10 tới. PV trao đổi với Thứ trưởng Trần Văn Tùng về đề án này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, sự phức tạp và rườm rà của cơ chế tài chính khiến các nhà khoa học không thể chuyên tâm nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đang khảo sát và hoàn thiện đề án “Phát triển Khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” để trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10 tới. PV trao đổi với Thứ trưởng Trần Văn Tùng về đề án này.
- Đề án sắp trình Ban chấp hành Trung ương nói về vấn đề gì thưa ông?
Đề án này gồm 4 phần lớn, nói về tình hình hoạt động khoa học hiện nay, quan điểm mục tiêu phát triển khoa học trong thời gian tới, nêu lên nhiệm vụ giải pháp cơ bản và các kiến nghị. Sau khi đánh giá, chúng tôi thấy trong thời gian qua khoa học công nghệ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, nhìn lại lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng đầy đủ sự phát triển của kinh tế xã hội do những bất cập từ cơ chế tổ chức, cơ chế quản lý rồi cơ chế hoạt động khoa học công nghệ, cơ chế tài chính; sự phối hợp cơ quan quản lý như Bộ Đầu tư, Bộ Tài chính cần phải xem xét và rút kinh nghiệm.
Do đó, đề án tập trung khắc phục các yếu tố còn tồn tại, yếu kém. Trong Đề án, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới các giải pháp về hoàn thiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ chế khoán trong khoa học. để khoa học công nghệ có những bước đột phá, trở thành động lực phát triển đất nước.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng. Ảnh: Hương Thu.
- Đề án tập trung vào những nội dung gì thưa ông?
Nội dung đề án tập trung nhiều vấn đề về đổi mới cơ bản tổ chức cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ, trong đó nhấn mạnh đến cơ chế tài chính và chính sách cán bộ, vì đây đang là điểm yếu, là nút thắt cần tháo gỡ. Hiện nay cơ chế tài chính đầu tư dàn trải, không có hiệu quả, chưa đến nơi đến chốn, nên chưa đưa ra sản phẩm có giá trị, thương mại hóa và xuất khẩu nên hiệu quả đầu tư không đảm bảo; thậm chí tiền đầu tư cho khoa học lại dùng cho việc khác.
Về cơ chế tài chính hiện đang rất hành chính, dẫn đến các nhiệm vụ khoa học công nghệ quản lý theo dự án đầu tư xây dựng. Các đề tài nghiên cứu muốn phê duyệt năm nay thì phải xây dựng kế hoạch từ năm ngoái. Nhưng khi đã được phê duyệt triển khai thì nhiều thứ rất lạc hậu lỗi thời từ định mức cho tới trang thiết bị trở nên lỗi thời.
Đó là chưa nói đến thanh quyết toán hành chính rất phức tạp rườm rà, gây nản lòng các nhà khoa học. Nhiều nhà khoa học còn làm chuyên đề không có thật để quyết toán tài chính cho được.
Vấn đế tiếp theo là giải quyết chính sách cán bộ nguồn nhân lực đất nước ta. Đây là yếu tố mang tính quyết định nhất cho xây dựng và đảm bảo thành công khoa học công nghệ. Các ngành nghề khác hầu hết đều có phụ cấp, còn nhà khoa học chỉ có chế độ hưởng theo lương hành chính nhà nước, do đó không tạo động lực cho nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu.
- Yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan khoa học công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Ông nhận định như thế nào?
- Đúng là giới khoa học hiện không đủ sống nên họ đã phải tìm cách thu nhập khác để đảm bảo cuộc sống. Cơ chế tài chính hành chính không tạo khả năng sáng tạo của họ. Theo các quy định hiện hành thì để lập kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm cần thời gian chuẩn bị để hoàn tất các thủ tục đến 1,5 năm trước năm tài chính. Do đó, dẫn đến tình trạng, nhiều đề tài sau khi đã qua đủ các khâu phê duyệt và cấp kinh phí đã trở nên lỗi thời, khi tiền đến nơi thì không thể giải ngân được và cũng không cần giải ngân nữa.
Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, giới khoa học chỉ lo làm thế nào để hợp thức hóa các chứng từ đã mất quá nhiều thời gian. Dẫn đến hệ lụy, nhiều nhà khoa học buộc phải bịa ra các chuyên đề. Có đề tài lên tới hàng trăm chuyên đề, trong khi thực tế khoảng hơn chục chuyên đề.
Tại sao các nhà khoa học phải 'ôm' các chứng từ, giấy tờ tài chính đó, thậm chí trong một cơ quan khoa học, bộ phận tài chính còn có quyền to hơn cả các nhà khoa học. Như thế làm sao họ chuyên tâm nghiên cứu khoa học được.
- Chính điều trên đã dẫn đến hiện tượng "chảy máu chất xám" trong các tổ chức khoa học công nghệ?
- Có thực tế bậc lương của giáo sư khởi điểm chỉ bằng chuyên viên cao cấp. Chuyển sang hạng ngạch nhà nước thì giáo sư còn thua chuyên viên rất nhiều. Trong khi chuyên viên hưởng lương bậc 5 thì giáo sư vẫn thế. Do đó điều này khiến giới trẻ tham gia tổ chức khoa học hụt hẫng. Điều này do chính sách chế độ đãi ngộ với giới khoa học chưa đảm bảo.
Về chảy máu chất xám chúng ta nghe nói nhiều. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào cho người Việt Nam ở bất kỳ đâu đều suy nghĩ và có trách nhiệm với đất nước. Đừng nghĩ rằng họ ra ngoài là ta mất người tài và không có ích cho đất nước. Có khi họ ở nước ngoài, có quan hệ với đồng nghiệp, với thầy giáo, môi trường đang làm, họ còn giúp ích cho đất nước nhiều hơn. Ví dụ, giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn làm ở môi trường nước ngoài và có một số chỉ đạo điều hành cho Viện Nghiên cứu cao cấp về toán ở Việt Nam. Như vậy, giáo sư có cơ hội để tập hợp thông tin, cán bộ khoa học ở nước ngoài cùng làm việc với Việt Nam. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, thông tin được chia sẻ, điều đó giúp cho quá trình phát triển đất nước tốt hơn nhiều.
- Bộ Khoa học và công nghệ sẽ làm gì để tháo gỡ chính sách về tài chính để đảm bảo đời sống cho các nhà khoa học?
- Về vấn đề lương cho nhà khoa học, Bộ từng làm việc với các Bộ như Bộ nội vụ, Bộ tài chính nhưng họ đều nói là không thể có chế độ lương cho đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.
Bộ Khoa học đang thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ cho các thủ trưởng khoa học công nghệ. Cơ chế điều hành này mang dáng dấp của doanh nghiệp, thu thập phần chi cho con người ở đề tài dự án nhân từ nhà nước xã hội để hình thành quỹ thu nhập, quỹ thu nhập ấy sẽ được phân chia theo quy chế chi tiêu nội bộ, toàn thể cán bộ thống nhất.
Ai cống hiến, làm nhiều sẽ được chia cao hơn, không hạn chế mức trần của mức lương. Người không làm được dần dần sẽ bị đào thải hoặc chỉ hưởng mức lương cơ bản rất thấp. Cách này nên được triển khai áp dụng chứ không xin thêm thang lương của Nhà nước.
- Tại sao ta không áp dụng cơ chế khoán, định mức cụ thể cho từng nhiệm vụ nghiên cứu?
- Thực tế là không phải cái gì cũng khoán được. Hiện chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thí điểm áp dụng cơ chế khoán trong nghiên cứu vì đặc thù ngành này là có thể cho ra những sản phẩm hữu hình. Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn; khoa học ứng dụng lại không như vậy. Sau khi thí điểm trong ngành nông nghiệp, Chính phủ sẽ xem xét lại hiệu quả của phương thức khoán này để ban hành chính sách.
Lấy ví dụ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long từng đề nghị 3-4 tỷ đồng để nghiên cứu giống lúa mới có thể chịu mặn, sau 3 năm nếu không thực hiện được, số tiền đó sẽ trả lại. Đề tài này làm khoán được, vì có sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, ở lĩnh vực khoa học xã hội, không thể lượng hóa mỗi trang giấy là 2 hay 3 nghìn đồng, quan trọng là chất lượng từng trang giấy, thế nên khó thực hiện cơ chế khoán ở đây được.
Chúng tôi đang trình lên Chính phủ cho thực hiện thí điểm khoán trong khoa học, đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Vnexpress - nt