“Có đam mê, tâm huyết thì chị em cũng không thua kém...”
(Baonghean) Say mê và dành hết tâm huyết cho công việc nghiên cứu khoa học đầy vất vả, chị đã ươm giống nhiều loại cây trồng có thương hiệu trên cả nước. Khi công việc của một ngày kết thúc, chị lại trở về là một người phụ nữ của gia đình. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20 – 10), báo Nghệ An cuối tuần đã có buổi trò chuyện với chị Võ Thị Nhung – Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An.
(Baonghean) Say mê và dành hết tâm huyết cho công việc nghiên cứu khoa học đầy vất vả, chị đã ươm giống nhiều loại cây trồng có thương hiệu trên cả nước. Khi công việc của một ngày kết thúc, chị lại trở về là một người phụ nữ của gia đình. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20 – 10), báo Nghệ An cuối tuần đã có buổi trò chuyện với chị Võ Thị Nhung – Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An.
- Chào chị, trở thành nhà nghiên cứu khoa học về giống cây trồng có phải là ước mơ của chị?
- Thật ra, sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi đăng ký và thi đỗ cả Trường Đại học Y Thái Bình và Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Tôi yêu thích nghề y, không hiểu thế nào lại có duyên đặc biệt với ngành Nông nghiệp và bắt đầu gắn với “cây”. Có lẽ, bởi vì vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông, từ nhỏ cũng đã quen công việc đồng áng và hiểu được những trăn trở, lo lắng của người nông dân trong tiềm thức đã có sự gắn bó rồi đưa đẩy đến với nghề. Trong suốt 4 năm rưỡi trên ghế nhà trường và trong vườn thực vật, tôi ngày càng say mê, yêu thích ngành học của mình. Tình yêu với công việc nghiên cứu, tìm tòi, khảo nghiệm tìm ra giống cây mới không ngừng lớn lên.
- Sau khi ra trường, chị có từng muốn ở lại Hà Nội làm việc không?
- Không, tốt nghiệp ra trường là tôi về Nghệ An luôn! Tôi thích được về quê, được đem kiến thức đã học ứng dụng vào mảnh đất quê mình. Lúc tôi học xong, trường muốn giữ tôi lại làm giảng viên, các thầy cô cũng cứ bàn tôi ở lại Hà Nội nhưng tôi không chịu.
Tôi ra trường cũng là lúc thành lập Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Nghệ An (nay là Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An). Tôi đã làm đơn, được nhận vào làm việc ngay. Tại trung tâm 4 năm, tôi quay ra trường Nông nghiệp I để học cao học, lấy bằng thạc sĩ, lại một lần nữa các thầy cô “bàn” tôi ở lại làm nghiên cứu sinh. Tôi vẫn yêu thích công việc của một nhà khoa học ứng dụng, khi đem sản phẩm mình nghiên cứu ra áp dụng cho người dân, được tận mắt chứng kiến kết quả đạt được đem về lợi ích cho nhà nông thế nào nên vẫn quyết định quay về quê hương mình.
- Chị thấy điều mình đang dành hết tâm huyết để theo đuổi là gì?
- Công việc của chúng tôi là nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật. Mục tiêu, đối tượng phục vụ số một là người nông dân. Làm thế nào để những giống cây lúa, cây ngô, hay lạc, chuối, mía… mình tạo ra, những mô hình mình xây dựng khi triển khai đến người dân, được dân hiểu, thấy phù hợp, làm theo một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất, cho kết quả cao nhất là chúng tôi thấy vui, thấy thoải mái lắm. Ngược lại, nếu thấy người dân không hài lòng, thì chúng tôi cũng không thể nào yên tâm. Tôi không ngại khó, ngại khổ, không ngại xuống đồng ruộng, đi cơ sở nhiều…, đó là việc rất thường xuyên rồi! Khi nảy ra ý tưởng gì, tôi trăn trở không yên, phải tìm tòi mọi cách làm cho bằng được.
- Là một phụ nữ nghiên cứu khoa học, công việc lâu nay vẫn là lãnh địa ưu thế của đàn ông, chị có bao giờ thấy quá sức, hay mệt mỏi, muốn từ bỏ?
- Công việc của nhà nghiên cứu khoa học về nông nghiệp rất lặng lẽ, cũng chẳng mấy ai để ý tới, nhưng khi đã lựa chọn, thì chúng tôi luôn hết mình. Trung tâm của tôi, phụ nữ nhiều hơn đàn ông, chiếm 35/53 người. Không phải “khoe”, chị em trong trung tâm rất trưởng thành, kiến thức ngày một vững, và trên dưới rất đoàn kết với nhau, các đơn vị khác cũng phải công nhận. Vị trí lãnh đạo các phòng ban chị em cũng là chủ đạo. Công việc đúng là vất vả, nhưng có đam mê, tâm huyết thì chị em cũng không thua kém ai đâu!
- Vậy còn gia đình chị thì sao?
- Đối với người phụ nữ, thì gia đình vẫn là trước hết. Tôi may mắn có được người chồng hiểu và thông cảm cho công việc của vợ, 2 cháu cũng rất ngoan. Mỗi khi không đi công tác, tôi luôn dành thời gian đưa đón con đi học, nấu cơm cho cả nhà. Dạy cho con biết tự học, tự lập, lúc nào thật sự khó khăn thì mới nhờ mẹ “ra tay”… Tôi nghĩ, người phụ nữ nào trong cuộc sống cũng vậy thôi, được lo cho chồng con, có một tổ ấm bình yên là hạnh phúc mong chờ nhất!
- Xin cảm ơn chị!
Hồ Lài (Thực hiện)