Cô hiệu trưởng tâm huyết với học sinh vùng cao

23/03/2012 18:05

(Baonghean.vn) - Là một trong 43 cán bộ quản lý giỏi của tỉnh Nghệ An tham dự Giao lưu cán bộ quản lý cấp Tiểu học toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 năm 2012, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương luôn đề cao chữ tài, chữ đức góp phần tạo ra diện mạo mới cho giáo dục tiểu học miền núi tỉnh Nghệ An.

(Baonghean.vn) - Là một trong 43 cán bộ quản lý giỏi của tỉnh Nghệ An tham dự Giao lưu cán bộ quản lý cấp Tiểu học toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 năm 2012, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương luôn đề cao chữ tài, chữ đức góp phần tạo ra diện mạo mới cho giáo dục tiểu học miền núi tỉnh Nghệ An.

Sinh năm 1965 tại huyện Nghĩa Đàn, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương đã gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của mình với mảnh đất Quỳ Châu từ 27 năm nay, với 11 năm đứng lớp và 16 năm làm công tác quản lý. Trường tiểu học Châu Bình 1 nơi cô gắn bó nhiều nhất hiện có 18 lớp (có 2 lớp ghép) với 382 học sinh. Học sinh dân tộc Thái chiếm 80%, học sinh con hộ nghèo chiếm 75 %, người dân chủ yếu làm nghề nông nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.



Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng trường tiểu học Châu Bình 1.

Cô giáo Hương, chia sẻ: với trách nhiệm của một nhà quản lý ở vùng núi cao, tôi đã xác định vai trò vị trí của người đứng đầu. Bản thân tôi luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh miền núi, xây dựng được trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Không có cách nào khác là phải nâng cao nhận thức, sự tâm huyết của người thầy. Phải xây dựng đội ngũ giáo viên có cả “đức” và “tài”. Bởi muốn học sinh dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, yêu thích đến trường thì hãy yêu thương trò, coi các em học sinh như con em mình, phải kiên trì chịu khó, chịu khổ, đó chính là cái “tâm” của người thầy.

Sự gương mẫu, tiên phong của cô hiệu trưởng đã gặp được sự đồng lòng của giáo viên trong trường. Tất cả các hoạt động của nhà trường đều bắt nguồn từ sự tận tâm, tận tụy của đội ngũ giáo viên. Nhiều cô giáo đã tự nguyện mua ni lông bọc sách vở cho học sinh, mua bút, thước cho các em, nhiều cô còn gội đầu cắt tóc, đơm lại cúc áo, quyên góp mua quần áo, gạo cho các em học sinh nghèo... Nhiều cô đã lặn lội đến từng nhà học sinh, mua sắm cho các em sách vở quần áo, mang gạo để vận động các em đến trường. Ngoài việc xây dựng mạng lưới phối hợp giữa trưởng bản - phụ huynh - nhà trường, xây dựng các tiết dạy tương tác tích cực giữa thầy và trò cũng tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực nhẹ nhàng để các em có cơ hội bày tỏ ý kiến, tạo được sự hứng thú trong giờ học, giúp các em mạnh dạn tự tin.

Học sinh dân tộc miền núi học rất yếu môn Tiếng Việt, các em phát âm không chuẩn, kỹ năng giao tiếp kém, vốn từ ngữ ít, thường xẩy ra sai lỗi chính tả dẫn đến học yếu cả văn và toán. Chính từ đây buổi dạy thêm tự nguyện của nhà trường ra đời. Ban đầu chỉ dạy tăng từ một đến 2 buổi, sau đó các thầy giáo cô giáo tự nguyện dạy cả tuần. Nhiều học sinh nhà xa trường từ 3 đến 4 cây số các em phải nắm cơm đi để ở lại ăn trưa. Công đoàn nhà trường đã tổ chức “Bữa cơm đầm ấm” bằng sự quyên góp tự nguyện của giáo viên mua mỳ tôm hoặc nấu thêm thức ăn cho các em, mua cặp lồng để các em ủ cơm cho nóng, phân công giáo viên trực trưa quản lý các em, đó là những việc giản dị mà giáo viên, nhà trường đã gây được tình cảm với phụ huynh, phụ huynh tin và yên tâm gửi con học cả ngày.

Bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với nhà trường, các thầy cô giáo, phụ huynh hưởng ứng công tác xã hội hóa giáo dục bằng những việc làm thiết thực. Mỗi dịp chuẩn bị cho năm học mới, hay các hoạt động của nhà trường, phụ huynh dành hàng nghìn ngày công tự nguyện tham gia xây dựng trường. Với đặc thù của huyện miền núi nghèo nhà trường tranh thủ được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương tham mưu tư vấn dành nhiều chương trình dự án xây dựng trường học như chương trình 135, chương trình TF chương trình dự án Bỉ… Cùng sự quan tâm của huyện của phòng giáo dục đến nay cơ sở vật chất của nhà trường tương đối khang trang, thiết bị dạy học tương đối đầy đủ; có 2 phòng máy học tin học, có đầy đủ các phòng chức năng. Đó là một trong các tiêu chuẩn mà nhà trường đang phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia mức 2.

Nhiều gương điển hình của các thầy cô giáo miệt mài dạy học sinh yếu, ôn luyện học sinh giỏi. Năm học 2009-2010 em Nguyễn Duy Trường tham gia giao lưu “nói lời hay, viết chữ đẹp” đạt giải nhất cấp tỉnh. Năm học 2010 - 2011 có 31 em đạt giải trong kỳ thi giải toán qua mạng cấp huyện và có 20 em đạt giải trong kỳ thi giao lưu toán tuổi thơ, 4 em đạt giải giao lưu nói lời hay viết chữ đẹp cấp huyện, 7 học sinh được công nhận trong cuộc thi OLYMPIC tiếng Anh cấp huyện và 2 em được công nhận cấp tỉnh. Từ năm học 2006 – 2007 đến năm học 2010 – 2011, tập thể trường đều đạt tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2008 - 2009 Trường được tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường luôn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2008 - 2009 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

Cô Hương cho rằng: Đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm việc của ban giám hiệu mà còn phải đổi mới từ cán bộ, GV, CNV, tổ chuyên môn và các đoàn thể trong nhà trường. Quản lý giáo dục không chỉ quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch, tìm ra cơ chế, phương pháp, phương thức quản lý để phát huy khả năng của từng cá nhân, của các bộ phận tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển.


Thảo Nhi

Mới nhất

x
Cô hiệu trưởng tâm huyết với học sinh vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO