Cơ hội lớn và triển vọng mới!
(Baonghean) - Ngày 25/8, ngài Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam. Những kết quả quan trọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển sâu rộng, hiệu quả mối quan hệ hợp tác quốc tế toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso đã chứng kiến Lễ ký tuyên bố Liên minh châu Âu quyết định tài trợ 2,65 triệu euro hỗ trợ thương mại quốc tế và đầu tư bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2017 thông qua Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu dành cho 6 hiệp hội và viện nghiên cứu, nhằm xây dựng chính sách thương mại và tiếp cận hiệu quả thị trường Liên minh châu Âu. Đây là sự hỗ trợ quan trọng của Ủy ban châu Âu nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực thương mại quốc tế, hoàn thiện chính sách thương mại và đầu tư – những điều kiện vô cùng quan trọng để Việt Nam tận dụng và phát huy tốt các ưu thế, nguồn lực để hòa nhập và hội nhập một cách bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso. Ảnh: VOV |
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Barroso trên cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Chuyến thăm lần đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2007, khi quan hệ song phương của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Từ đó đến nay, mối quan hệ Việt Nam và EU tiếp tục phát triển sâu rộng, ngày càng phong phú và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, điều này được đánh dấu bằng Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam và EU diễn ra vào năm 2012. Từ đó đến nay, mặc dù quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi, thế giới chứng kiến những biến động khôn lường về trật tự các mối quan hệ chính trị, thì quan hệ Việt Nam và EU tiếp tục duy trì và phát triển bền vững.
Chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu tiếp tục khẳng định EU ngày càng đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Mối quan hệ đó không chỉ được thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh về các chương trình, dự án, mà còn được làm sâu sắc thêm bởi lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và EU trong việc giải quyết những vấn đề có tính chất toàn cầu, những vấn đề và sự kiện chính trị nổi bật. Đặc biệt, trong 75 ngày Trung Quốc tiến hành đưa giàn khoan Hải Dương 981 và các phương tiện quân sự, dân sự vào vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trái luật pháp quốc tế, EU đã liên tục lên án các hành động vi phạm Công ước về Luật Biển năm 1982, yêu cầu giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông theo Luật pháp quốc tế, cực lực lên án hành động gây hấn, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế.
Ông Jose Manuel Durao Barroso khẳng định mục đích chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 25 - 26/8 nhằm củng cố các kết quả đạt được trong thời gian qua. Trong đó, một nội dung vô cùng quan trọng là hợp tác theo lĩnh vực, cũng như đạt được tiến triển trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), được khởi động từ năm 2012. Đây là điều mà doanh nghiệp và các ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam rất quan tâm bởi Hiệp định thương mại tự do sẽ tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo nhiều ưu đãi cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU, cũng như tạo cho Việt Nam nhiều triển vọng trong nền kinh tế toàn cầu. Câu chuyện này có ý nghĩa như việc mở ra cánh cửa để doanh nghiệp Việt Nam tiến đến những “sân chơi lớn” cả về quy mô lẫn chất lượng, tính chất, đẳng cấp.
Trong ngày 25/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã hội đàm, cùng nhau trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, an ninh - quản lý khủng hoảng tới môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục, tư pháp và di cư. Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế - xã hội của mỗi bên; cùng nhau trao đổi các biện pháp thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh - quản lý khủng hoảng tới môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục, tư pháp và di cư. Trong đó, hai bên cùng nhất trí 3 định hướng lớn trong quan hệ:
Thứ nhất, về chính trị, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN - EU, ASEM, Liên Hợp quốc...
Thứ hai, về kinh tế, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau và cùng nỗ lực phấn đấu để biến ý chí chính trị thành hiện thực, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vào trước tháng 10/2014.
Thứ ba, về hợp tác chuyên ngành, hai bên sẽ tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và EU có thế mạnh như thông tin, truyền thông, khoa học – công nghệ, y tế, môi trường, tài chính, môi trường, biến đổi khí hậu...
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Durão Barroso cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như Biển Đông, hội nghị Cấp cao Á – Âu sắp tới. Hai bên đã chia sẻ những vấn đề quan tâm và đạt được sự đồng thuận cao trên cơ sở tinh thần, thái độ cởi mở, thẳng thắn, xây dựng. Những kết quả quan trọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển sâu rộng, hiệu quả mối quan hệ hợp tác quốc tế toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Với 28 nước thành viên, Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong những đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và EU 6 tháng đầu năm nay đạt 17,5 tỷ USD; có 23/28 nước thành viên EU đầu tư 1.471 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 18 tỷ USD. Giai đoạn 2014 – 2020, EC cam kết viện trợ cho Việt Nam 400 triệu euro tập trung vào 2 lĩnh vực là năng lượng bền vững và quản trị quốc gia… |
Chí Linh Sơn