Cơ hội mới cho nhà nông
(Baonghean) Tỉnh ta vừa triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 8-5-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, tạo điều kiện quan trọng cho tiến trình xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu trước hết vẫn là chuyển đổi nhận thức của các cấp và người dân trước cơ hội cũng như thách thức mới.
Thực hiện Chỉ thị 08/CT-TU, yêu cầu cao nhất là gắn việc dồn điền, đổi thửa với chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, mở rộng cánh đồng thu nhập cao, đẩy mạnh xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” và thực hiện đồng bộ các loại quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sử dụng đất cấp xã, quy hoạch lại đồng ruộng và hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng để thực hiện kiên cố hóa kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới và tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Hội thảo đầu bờ cánh đồng cho năng suất cao ở Quế Phong . Ảnh: C.S
Trong nguyên tắc thực hiện có quy định ổn định số khẩu đã được giao đất nông nghiệp tại thời điểm thực hiện Nghị định số 64/CP và diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng (trừ phần diện tích đã thực hiện quyền sử dụng đất và diện tích Nhà nước đã thu hồi theo quy định). Trường hợp các hộ, cá nhân đã thực hiện tích tụ ruộng đất thành vùng có diện tích lớn đang thực hiện dự án trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao thì không đưa vào diện phải dồn điền đổi thửa. Ruộng đất của các xóm trước đây được bố trí ở nhiều vùng (xứ đồng) chưa tiện cho việc quản lý sản xuất thì các xóm có thể chuyển đổi ruộng đất cho nhau để đảm bảo liền vùng, liền thửa trước khi xây dựng phương án dồn điền đổi thửa cho từng xóm… Kế hoạch năm 2013 sẽ hoàn thành dồn điền đổi thửa tại thực địa 100 xã, năm 2014: 80 xã, năm 2015: 80 xã, năm 2016: các xã còn lại.
Nổi lên trong mục đích dồn điền đổi thửa giai đoạn này là xây dựng các “Cánh đồng mẫu” hướng tới các tiêu chí chủ yếu là diện tích canh tác đủ lớn, cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ khoa học và cơ giới hóa đồng bộ; doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu. Từ “Cánh đồng mẫu”,người nông dân sẽ có tư duy sản xuất mới, biết gắn sản xuất với thị trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Ngày 4/2/2012, UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND với các cơ chế chính sách khuyến khích mở rộng xây dựng “Cánh đồng mẫu” . Hiện toàn tỉnh có 8/20 huyện, thành, thị đăng ký xây dựng được 26 mô hình cánh đồng mẫu về cây lúa với quy mô từ 30-120ha/một mô hình. Trong đó các huyện Yên Thành, Nghi Lộc và Quỳ Hợp đăng ký xây dựng 5 mô hình; huyện Diễn Châu đăng ký 4 mô hình… Về thực tiễn thí điểm xây dựng thí điểm “cánh đồng mẫu”, tỉnh cũng đã có các đánh giá về các mô hình do Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An phối hợp với các huyện và một số cơ sở sản xuất trong tỉnh thực hiện đối với cây lúa và cây ngô. Theo đó năng suất lúa của các mô hình đạt từ 70-74 tạ/ha, cao hơn năng suất ruộng sản xuất bình thường từ 8-12 tạ/ha. Về phía doanh nghiệp - Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã trực tiếp ký kết hợp đồng thực hiện và cho nông dân được ứng trước giống, phân bón các loại không tính lãi suất vay ứng trước; cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống tận các cơ sở sản xuất tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất và sản phẩm làm ra được Tổng Công ty bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 10%. Tại huyện Tân Kỳ, Tổng Công ty cũng đã triển khai thí điểm mô hình “cánh đồng mẫu” trồng ngô diện tích 30 ha ở xã Nghĩa Dũng với các cơ chế tương tự và hiện đang thu hút sự quan tâm của người nông dân với các tín hiệu khả quan…
Triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-TU được coi là một trong những tiền đề quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện tỉnh ta hiện nay. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới trước hết là phải đưa lại lợi ích thiết thực, cải thiện nâng cao đời sống kinh tế bền vững cho người dân nông thôn (nông dân), thì tác động của “dồn điền, đổi thửa” là rất to lớn: giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ canh tác, thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.
Như vậy, tiến trình triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-TU có tính “kế thừa” kết quả thực hiện Chỉ thị 02/CT-TU nhưng đã có đột phá mới trong mục tiêu, mà lớn nhất là tạo cơ hội cho người nông dân được vươn lên làm ăn lớn trên đồng ruộng với khí thế xây dựng nông thôn mới ấm no, giàu đẹp.
Đình Sâm