Cơ hội sửa sai

07/04/2014 16:47

(Baonghean) - Trong tuần qua, bài viết "Nên biến rủi thành may" của tác giả Duy Hương đăng ở trang 1, nhật báo ngày 27/3 nhận được số phiếu bình chọn cao thứ ba. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.

1.Tái ông thất mã. Sách Hoài Nam Tử xưa có chuyện Tái ông mất ngựa. Cơ bản luận điểm mà tích cũ đưa ra là Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa Phúc luân chuyển và tương sinh. Người đời sau mới có thành ngữ: "Tái ông thất mã, an tri họa phúc" (Ông lão mất ngựa, biết đâu là họa hay phúc). Đọc bài viết của tác giả Duy Hương "Nên biến rủi thành may", dường như trong câu chuyện mà bài viết đề cập cần có sự vận dụng phép "nhân định thắng thiên"...

Người ta nghe các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam than phiền về sự nhũng nhiễu của một số các quan chức. Tình trạng tham nhũng của các quan chức tại Việt Nam nhiều năm qua cũng bị coi là vấn đề nan giải. Một số công ty nước ngoài muốn làm ăn ở Việt Nam giờ đây đang góp phần gia tăng tham nhũng của quan chức Việt Nam khi họ sẵn sàng đưa những khoản tiền hối lộ lên đến vài triệu đô la để trúng thầu các dự án. Có vụ đã được đưa ra xét xử, có vụ bị rơi vào im lặng hoàn toàn dù đã được báo chí nước ngoài nêu đích danh. Điển hình như vụ PCI năm 2008. Báo chí Nhật đưa tin các quan chức của công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật (gọi tắt là PCI) đã đưa hối lộ 820.000 đô la cho một quan chức cao cấp ở Sài Gòn để thắng thầu dự án phát triển cơ sở hạ tầng có sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Vào năm 2009, báo chí Úc đưa tin về vụ đút lót các quan chức Việt Nam liên quan đến công ty in tiền polymer của nước này là Securency. Theo đó, Công ty Securency đã đút lót 20 triệu đô la cho các quan chức Việt Nam để thắng thầu dự án in tiền polymer cho Việt Nam vào đầu những năm 2000. Và đến năm 2014, tờ Yumiori Shimbun của Nhật, Chủ tịch Công ty JTC đã thừa nhận đưa hối lộ 130 triệu yên, tương đương 1,3 triệu đô la cho các quan chức nước ngoài để có được các dự án phát triển trị giá hàng triệu đô la. Trong số này có 80 triệu yên được hối lộ cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam cho dự án đường sắt đô thị số 1 ở Hà Nội.

Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với phía Nhật Bản, có báo cáo Chính phủ và các cơ quan hữu quan vào ngày 24/3/2014. Đây chính là "cơ hội để chúng ta thể hiện, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, vừa là cơ hội để chúng ta học hỏi và rút ra những kinh nghiệm quý báu từ nước bạn để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trong thời gian tới" như tác giả Duy Hương đã viết.

Cần phải nhắc lại rằng, tham nhũng ở Việt Nam là tham nhũng đại trà, tràn lan cho nên chỉ số cảm nhận về tham nhũng của Việt Nam rất tồi, đứng hàng 116/177 quốc gia (số càng cao càng xấu). Và tham nhũng thời nào, ở đâu cũng có. Chính vì vậy, như ý tưởng đầy tâm huyết của nhà báo Duy Hương đã nêu, đây chính là lúc nên "biến cái rủi thành cái may". Đó là thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh với căn bệnh trầm kha: tham nhũng bằng những quyết định cụ thể, kiên quyết và xác đáng nhằm lập lại một kỷ cương trong sạch của thể chế chính trị của dân, do dân và vì dân.

2. Thuốc đắng giã tật. Bài viết trao đổi, bàn luận về vấn đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của dư luận “quan chức ngành Đường sắt ăn hối lộ” từ phía đối tác và cho họ trúng thầu công trình. Đây là sự việc gây rúng động dư luận, ảnh hưởng đến thanh danh quốc gia, làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Dự án ODA là vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ đối tác, là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài. Đôi khi còn gọi là viện trợ. Với mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở nước được đầu tư, cho Nhà nước vay. Vì muốn giúp Việt Nam phát triển kinh tế, Nhật Bản đã cho vay vốn, đầu tư công trình giao thông. Vậy nhưng, những người ở BQL dự án lại “rút ruột” công trình, nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng khiến đối tác có lúc tuyên bố “tạm dừng cấp vốn”. “Một lần mất tin, vạn lần mất tín”, chỉ vì lòng tham mà phía ta làm mất niềm tin ở đối tác, khiến họ cảm thấy bị lợi dụng, bị xúc phạm.

Bài viết đã chỉ rõ những việc “cần làm ngay” sau khi sự việc đó xảy ra. Thứ nhất là, khẩn trương làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm, triệt để. Thứ hai là, điều chỉnh cách quản lý, giám sát các dự án, phòng, ngăn ngừa từ xa để tránh “tiếng xấu”, để khỏi “chạy theo giải quyết những việc đã rồi”. Thứ ba, cần phát hiện những “lỗ hổng chết người” trong “địa hạt phòng chống tham nhũng”. Từ đó, xây dựng cơ chế: không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không được tham nhũng và không cần tham nhũng. Đây chính là cơ hội để biến rủi thành may. Điều quan trọng là ở chỗ “biết sai để sửa”, chấp nhận “thuốc đắng giã tật” để lấy lại niềm tin, uy tín, danh dự.

Người xây dựng

Cơ hội sửa sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO