Cố hương của Hoàng Trung Thông
Về thăm quê
Nếu tôi không nhầm thì cả 9 tập thơ trữ tình của nhà thơ Hoàng Trung Thông (Quê hương chiến đấu -1955, Đường chúng ta đi -1960, Những cánh buồm -1960, Đầu sóng- 1968, Trong gió lửa- 1971, Như đi trong mơ- 1977, Hương mùa thơ- 1984, Tiếng thơ không dứt- 1989, Mời trăng- 1992), tập nào quê hương làng Quỳnh của đất Nghệ cũng được ông dành cho một vị trí trân trọng với những câu thơ bộc bạch thật ruột gan! Bài thơ "Về thăm quê", Hoàng Trung Thông viết năm ông 34 tuổi, sau đó không lâu, tác giả cho in trong tập Đường chúng ta đi:
Về thăm quê
Tôi trở lại quê hương
Như gió xuân rong ruổi ngàn phương
Đang trở lại hàng cây mơn mởn lộc
Nắng chiều vàng vờn trên mái tóc
Tim phập phồng theo tiếng hát chơi vơi
Xa quê hương đã mấy năm trời
Nay trở lại, sóng hồn rung điệu hát.
Quê hương ơi! Có những gì đổi khác
Con đường ơi! Còn nhớ tôi không
Hỡi cây đa nghiêng bóng trên đồng
Tôi nhớ mãi đỏ bay cờ tháng Tám.
Bức tường đình rỗ nhăng hố đạn
Mảnh ao làng ôm bóng rủ hàng tre
Bao nhiêu ký ức vụt quay về
Bao khao khát hiện lên
thành bóng dáng.
Tôi vẫn nghĩ đi làm cách mạng
Đâu cũng là nhà
đâu cũng quê hương
Tôi vẫn nghĩ đi tìm ánh sáng
Bàn chân quen gót rỗ trên đường
Nhưng hôm nay trở về quê cũ
Một ngọn lá một mái nhà cũng nhớ
Một con đường một dòng nước
cũng nao nao
Bao người thân tay bắt miệng chào
Câu chuyện râm ran pháo n
Chén nước đượm thơm tình mong nhớ
Niềm vui theo khói thuốc tỏa vờn
Chuyện trong nhà,
chuyện xóm thôn
Mỗi tiếng nói, một nụ cười khấp khởi.
Quê hương ơi! Biết bao điều đổi mới
Mới con đường, mái rạ, vườn rau
Mới ruộng không bờ, lúa đứng kề nhau
Mới sôi nổi từng cánh tay hợp tác
Mới lớp học đàn em ca hát
Mới cửa hàng mậu dịch vải khoe tươi
Mới từ trong mỗi trái tim người
Mới đến cả mảnh trời xanh biếc
Tôi đi dưới hàng cây thân thiết
Yêu bao nhiêu thôn xóm ruột rà
Trên đồng xanh cò trắng liệng bao la
Đang vẫy cánh
về chân trời ánh sáng...
Quê hương ơi! Đứng lên từ tháng Tám
Hãy vững bàn chân dũng cảm
đến tương lai!
Tháng 8-1959
Thời gian sáng tác bài thơ này, ông đã ra Thủ đô Hà Nội công tác, là Thư ký Tòa soạn tuần Báo Văn nghệ, ủy viên Đảng đoàn và ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Xa quê, nhưng nghe nói cái chất Nghệ ẩn trong con người nhà thơ này vẫn rất đậm. Ông thường quan tâm đến quê hương và nếu có dịp thì về thăm, có khi đi một mình, có khi cùng vợ con.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông (hàng sau, thứ 2, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu sưu tầm. |
Theo "Niên biểu" nhà thơ, ông sinh ngày 5-5-1925 ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, vùng đất văn vật rất nổi tiếng của xứ Nghệ. Hồi nhỏ, đi học trường làng, trường huyện, lớn lên vào Vinh học Trường Quốc học Vinh, tham gia tổ chức Việt Minh trong trường.
Tốt nghiệp, ông trở về làng, hoạt động Việt Minh tại xã, là ủy viên Thường vụ Thanh niên Cứu quốc xã Quỳnh Đôi, Thường vụ Thanh niên Cứu quốc huyện nhà, chính trị viên huyện đội, thành viên trong Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc tỉnh Nghệ An.
Vào Đảng năm 1946, Hoàng Trung Thông lần lượt giữ các chức bí thư chi bộ xã, huyện ủy viên, sau là ủy viên Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu... Một nhà thơ bút lực dồi dào như ông, kể lại một số chức vụ vừa nêu, tôi chỉ muốn bạn đọc hôm nay hiểu cặn kẽ hơn điều này: Nhà thơ Hoàng Trung Thông, ngay từ thời rất trẻ đã có thời gian dài gắn bó với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn.
Ông ham mê các hoạt động chính trị - xã hội, gắn bó vận mệnh mình với vận mệnh quê hương đất nước, để rồi từ đó bao nhiêu kỷ niệm về quê cứ ùa vào ông, níu giữ lấy ông, trở thành máu thịt, thành tâm hồn tính cách, nết ăn nết ở không thể nhòa nhạt được trước tuổi tác thời gian và biến động nhân tình.
Có lẽ nhờ thế, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc mới bạo dạn đề cập tới "cái gàn" của "anh Thông": "Anh Thông có cái gì đó của cái gàn Quỳnh Lưu. Gàn theo tôi là trong hành động, suy nghĩ cho mô hình mình xây dựng nên là quan trọng hơn thực tế, và thường theo mô hình trong óc, dù cho thực tế bác lại. Cái hay của anh ta ở đó, mà cái dở của anh ta cũng ở đó"(1).
Về thăm quê lần này, tâm trạng nhà thơ vui như đi hội. Ta thắng giặc mới hơn được bốn năm, nên ông còn nhớ như in: "mái đỏ bay cờ tháng Tám", "bức tường đình rỗ nhăng hố đạn"... Nhưng ngập tràn lên tất cả vẫn là cuộc sống mới, có "hàng cây mơn mởn", có "tiếng hát chơi vơi", có "bao người thân tay bắt miệng chào". Điều lạ lùng là nhà thơ đã nhìn ra cái mới mà cả ngàn năm trước chưa từng có, chỉ cách mạng mới đem lại:
Mới con đường, mới rạ, vườn rau
Mới ruộng không bờ, lúa đứng kề nhau
Mới sôi nổi từng cánh tay hợp tác
Mới lớp học đàn em ca hát
Mới cửa hàng mậu dịch vải khoe tươi...
Để rồi, từ những cái mới này, Hoàng Trung Thông cho vút lên hai câu thơ sảng khoái: "Mới từ trong mỗi trái tim người/ Mới đến cả mảnh trời xanh biếc". Cả bài thơ 42 câu, vẫn giữ được cái hào sảng, say sưa của hơi thở kháng chiến; câu nào cũng rạo rực, phơi phới niềm yêu quê, yêu đời, yêu chế độ mới. Nên chi ở hai câu cuối bài, Hoàng Trung Thông như muốn dặn dò, khích lệ với quê mình: "Quê hương ơi! Đứng lên từ tháng Tám/ Hãy vững bàn chân dũng cảm đến tương lai!".
Ngoài làm thơ, Hoàng Trung Thông còn viết phê bình văn học, truyện ngắn, bút ký, dịch thơ; có thời gian ông là Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Nghệ An, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên huấn Trung ương, Viện trưởng Viện Văn học,... nhưng trước sau dứt khoát ông vẫn tự nhân mình là nhà thơ!
Ông qua đời tại Hà Nội, ngày 4-1-1993, chỉ sau một thời gian ngắn xuất bản tập thơ cuối cùng, rất có tiếng vang trong giới bạn đọc sành thơ nước ta- tập Mời trăng (1992). Nhà thơ Nguyễn Bao, một người tham gia làm Tuyển tập văn học của "Ông Trạng họ Hoàng" (cách gọi thân mật của nhà thơ Chế Lan Viên), tỏ ra đồng cảm với nhà thơ xứ Nghệ này khi viết: "với Hoàng Trung Thông, điều cốt yếu là mãi mãi còn được rung động với vẻ đẹp của đời sống, của tình người và cuối cùng có thể gửi gắm vào những vần thơ"(2). Ở tập thơ Mời trăng, đề tài Cố hương thêm một lần nữa trở lại với Hoàng Trung Thông, với một tâm thế khác trước nhiều, không hồ hởi mà buồn da diết. Cái buồn của người cuối đời, ngồi ở Hà Nội mà nhớ quê, nhớ chị...
Khách ở quê ra chơi
Khách ở quê ra chơi
Cho tôi mấy cân lạc
Sẻ ngọt và chia bùi
Với nhà thơ kiết xác.
Khách hỏi: "Sống ra răng?"
Chủ nói: "Cũng nhì nhằng"
Khách bảo: "Về quê nhá?"
Chủ cười không nói năng.
Về quê, quê còn ai
Chỉ còn bà chị ruột
Bảy mươi tuổi một đời
Sống với quê tạm được.
Nhưng nhớ em, nhớ lắm
Hàng dừa nghiêng bóng trăng
Nhớ em, chị chỉ nhắn
Nhìn trời nhìn xa xăm.
Khách ở quê ra chơi
Mắm gửi tôi một lọ
Nói là chị gửi cho
Cả nhà mặt hớn hở...
Nhớ chị như nhớ mẹ
Mong mãi khách ra chơi
Khách về rồi nhớ chị
Nói làm sao, chị ơi!
----------------------------
(1) GS Phan Ngọc, bài "Hoàng Trung Thông, nhà thơ của những con người nhỏ bé", in trong sách Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học. NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr 391-392.
(2) Nguyễn Bao, bài giới thiệu "Có một Hoàng Trung Thông - thi sĩ", in trong Tuyển tập Hoàng Trung Thông. NXB Văn học, Hà Nội, 1997, tr 13-14.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông (hàng sau, thứ 2, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1951 - Ảnh tư liệu (K.H sưu tầm)
Kim Hùng