Có một "Chiều Thu" đằm thắm
(Baonghean.vn) Đó là bài "Chiều Thu quê hương" của cố nhà thơ Huy Cận viết năm 1958 trong một chuyến đi thực tếở vùng biển Cẩm Phả, được in trong sách giáo khoa cấp 2 của chương trình giáo dục cũ (hệ 10 năm).
Ai cũng biết, những năm 60 của thế kỷ trước, miền Bắc bắt tay vào xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, cảđất nước khó khăn về vật chất và "đói khát" về tinh thần (thiếu sách vở, báo chí, tài liệu). Chúng tôi - những học sinh lớn lên ở nông thôn, chẳng có gì ngoài cơm trời, nước giếng và những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa. Vì vậy, "Chiều Thu quê hương", và nhiều bài thuộc lòng khác đã trở thành món ăn tinh thần của chúng tôi trong những ngày khó khăn chung của đất nước, bởi trong "Chiều Thu" ấy, chúng tôi đã sớm nhận ra bóng dáng của quê mình với những âm thanh, hình ảnh thân quen, đơn sơ, mộc mạc, đằm thắm vô cùng:
"Chiều Thu trông lá trúc vờn đẹp quá!
Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ,
Tiếng lao xao như ai ngả nón chào.
Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao,
Giếng trong lẻo, trời Thu in thăm thẳm.
Chiều Thu quê hương sao mà đằm thắm,
Tôi bước giữa vườn làm bạn với hàng cau,
Hút nắng tơ vàng như những đài cao.
Đứng lồng lộng, thu tiếng chiều vàng rượi,
Vồng khoai lang xòe lá ra nằm sưởi
Cùng với mẹ gà xòa cánh ấp con,
Ở trước sân nhà, mấy đống gạch son,
Hố vôi trắng nằm đợi ngày xây dựng.
Chiều Thu trông em bé cười má ửng,
Những cây sai, mẹđứng giữa chùm con.
Chiều Thu vàng, vàng rực cả tâm hồn,
Cảđất nước đang bồi da thắm thịt.
Gió biển mặn thổi vềđây tha thiết,
Những con chim phơi phới cánh chiều Thu.
Náo nức như chiều, êm ả như ru."
Chừng ấy âm thanh, hình ảnh, với giai điệu ngọt ngào, tha thiết, bài thơđã gieo vào tâm hồn tôi từ thủa ấu thơ một tình yêu quê hương, xứ sở, một niềm tự hào, niềm tin yêu về sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Hơn nửa thế kỷ qua, trên bước đường học tập, lao động đầy vất vả, "Chiều Thu quê hương" như một khúc nhạc lòng êm đềm, mượt mà, quyến rũ, động viên tôi trong những lúc mệt mỏi, khó khăn.
Cùng với chùm "Thơ Thu" của Nguyễn Khuyến, "Tiếng Thu" của Lưu Trọng Lư, "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, với "Mùa Thu hương cốm mới", "Chiều Thu quê hương" của cố nhà thơ Huy Cận xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa để các thế hệ học sinh Việt Nam biết thêm một "nét Thu"- một dáng hình xứ sở của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Hồ Thị Thúy