Có nên bán "quân phục nhí"?
(Baonghean) - Thời gian gần đây, một số bạn đọc thắc mắc, hiện nay ở TP Vinh xuất hiện những cửa hàng, những chiếc xe đẩy bày bán các loại trang phục của lực lượng Công an, Cảnh sát giao thông, Bộ đội dành cho trẻ em. Như vậy có vi phạm pháp luật không? Để góp phần xác minh, cũng như giải đáp thắc mắc của bạn đọc chúng tôi đã tìm hiểu thực tế...
Hiện nay, trên các tuyến đường như Lê Duẩn, Thăng Long... xuất hiện những cửa hàng, những xe đẩy bày bán quần áo công an, bộ đội đủ các kích cỡ dành cho trẻ em, cùng với đó là những dụng cụ hỗ trợ kèm theo như mũ, dùi cui, còi, gậy… được thiết kế giống như thật. Một chị bán loại trang phục này ở ngã tư Quán Bánh (đường Thăng Long) cho biết: “Bày bán sát Quốc lộ 1 nên có khá nhiều người dừng lại mua về làm quà cho con, cháu. Mỗi bộ cho các bé từ 1 đến 8 tuổi, có giá 130.000 đồng”.
Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy chất liệu dùng để may quần áo bằng loại vải cotton, mũ được làm từ nhựa dẻo, các công cụ hỗ trợ như thắt lưng, bao súng, dùi cui, còi đều làm bằng nhựa. Loại hàng hóa này được nhập về từ TP. Hồ Chí Minh. Giá bán tuy không rẻ so với chất lượng sản phẩm, nhưng nhìn thấy bắt mắt, hơn nữa rất được trẻ con ưa thích nên phụ huynh bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng đây là loại trang phục nhái quân phục của lực lượng vũ trang nên dù chỉ dùng cho trẻ con cũng gây phản cảm, chưa nói đến việc trẻ dễ phát sinh tâm lý thích “oai” với bạn bè, đòi bố mẹ mua trang phục để mặc, để làm công an một cách dễ dàng.
Ngoài ra, việc bày bán quần áo ở vỉa hè cũng như cho trẻ con mặc các loại quân phục nhái này đối với các đơn vị lực lượng vũ trang là thiếu tôn trọng. Là giáo viên mầm non một trường học trên địa bàn TP Vinh, chị Nguyễn Thị Duyên cho rằng “quân phục nhí” chỉ nên sử dụng để minh họa trong các giờ học để giáo dục cho trẻ biết chấp hành một số quy định của pháp luật, như Luật Giao thông đường bộ... chứ không nên bày bán, sử dụng tràn lan như hiện nay.
Một điểm bán “quân phục nhí” trên đường Thăng Long, TP. Vinh |
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trịnh Xuân Cần, Trưởng phòng hậu cần kỹ thuật Công an tỉnh cho rằng: Việc dùng trang phục này trong trường học để tổ chức cho các em học tập hoặc tham gia hội diễn thì không sao. Xét hậu quả về mặt pháp lý thì không có, vì đây là trang phục dành cho trẻ em. Tuy nhiên, nếu bày bán, sử dụng tràn lan thì không hay lắm, bởi phần nào làm mất tính uy nghiêm của lực lượng. Cùng quan điểm trên, Thượng tá Vương Kim Hải, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP Vinh cho rằng quân trang nhí chỉ nên sử dụng trong các giờ học để minh họa cho các cháu biết về chú bộ đội, chú công an, chứ không nên xuất hiện một cách tràn lan từ việc bày bán đến môi trường sử dụng. Như vậy sẽ làm mất đi tính uy nghiêm của lực lượng.
Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ban hành ngày 12/6/2006 của Chính phủ. Khoản 1, Điều 5 Nghị định quy định rõ: “Nghiêm cấm thương nhân và tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hoạt động có liên quan đến thương mại tại Việt Nam kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”. Nếu vi phạm, tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo đó Điều 18 Nghị định số 06/2008/NĐ - CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, hành vi kinh doanh quân trang (thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh) bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tương ứng với giá trị của lô hàng, mức cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng.
“Quần áo nhái quân phục dành cho trẻ em không đáp ứng đầy đủ yếu tố để xem là quân trang, xét về mức độ nguy hại đối với xã hội là chưa lớn. Tuy nhiên, các loại quần áo này được bắt chước khá tỉ mỉ, có cả quân hàm gắn sao và vạch tương tự mẫu thật, những phụ kiện nhái như mũ, thắt lưng, còi, gậy, súng… cũng được trang bị đầy đủ theo bộ. Việc quần áo dành cho trẻ em lại mô phỏng quá giống với quần áo của cơ quan chức năng, đặc biệt là quần áo của lực lượng vũ trang, sẽ là thiếu tôn trọng lực lượng này và phần nào làm giảm tính uy nghiêm của những người thực thi pháp luật. Mặt khác, về mặt giáo dục nhận thức và định hướng cho trẻ em khi sử dụng các loại đồ chơi theo kiểu “nhái” như loại này cũng không tốt. Dù rằng việc sản xuất, mua bán “quân trang nhí” được xem là không vi phạm pháp luật, nhưng cần thắt chặt về phương diện quản lý và ban hành bổ sung các văn bản dưới luật để cấm sản xuất, kinh doanh”, luật sư Nguyễn Trọng Hải -Trưởng Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự, cho biết.
Như vậy, những bộ “quân trang nhí” không gây nhầm lẫn cho xã hội, nên xét về mức độ nguy hại là không có. Tuy nhiên, việc bày bán quần áo công an, bộ đội dùng cho trẻ con trên một số tuyến đường đã ít nhiều gây sự phản cảm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh uy nghiêm của lực lượng vũ trang. Vì vậy cũng cần xem xét về cách quản lý việc sản xuất, bày bán, sử dụng sản phẩm. Xa hơn, có thể phòng ngừa việc lạm dụng để “cho ra lò” nhưng bộ quân trang người lớn để sử dụng vào các hành vi phi pháp như những vụ liên quan đến “cảnh sát nhái” đã từng xảy ra.
Quảng An