Nghệ An là mảnh đất gắn bó mật thiết với nhà Tây Sơn nói chung và Hoàng đế Quang Trung nói riêng. Đây chính là nơi có vị trí địa chính trị quan trọng mang tầm chiến lược, chính vì vậy Vua Quang Trung đã chọn Yên Trường – Dũng Quyết tại Nghệ An để xây dựng kinh đô của triều đại mới với tên gọi Phượng Hoàng Trung Đô, còn tên trấn vẫn giữ nguyên là Nghệ An mà không hề thay đổi. Tuy nhiên, một số bộ địa chí lớn của triều Nguyễn cho rằng dưới thời Tây Sơn, tên gọi “Nghệ An” đã được đổi thành “Nghĩa An”.
Nghệ An là tên gọi thay thế cho tên gọi Hoan Châu vào năm 1036 nhân việc vua Lý Thái Tông xây dựng hành cung tại đây. Lý Thái Tông vốn là một nhà Nho điển hình của thời Lý, am tường nhiều điển tích trong các sách vở kinh điển, nên ông đã lấy 2 chữ “Nghệ An” với ý nghĩa thái bình thịnh trị trong sách Sử ký để đổi tên cho Hoan Châu với ước mong về một địa phương luôn được thái bình và giàu mạnh. Cụ thể, trong Liệt truyện thứ 52 (thuộc quyển 112) là “Bình Tân hầu chủ phụ liệt truyện” có câu: “Thị thời Hán hưng lục thập dư tải, hải nội nghệ an, phủ khố sung thực” (Bấy giờ, nhà Hán hưng thịnh đã hơn 60 năm, thiên hạ thái bình, kho lẫm đầy ắp)
Và trong Bản kỷ thứ 12 (thuộc quyển thứ 12) là “Hiếu Vũ bản kỷ” cũng có câu: “Nguyên niên, Hán hưng dĩ lục thập dư tuế hĩ, thiên hạ nghệ an” (Năm đầu, nhà Hán đã hưng thịnh hơn 60 năm, thiên hạ thái bình)
Tên gọi Nghệ An bắt đầu từ mùa hè tháng 4 năm Bính Tý niên hiệu Thông Thụy thứ 3 (1036) triều Lý, tới mùa hè tháng 4 năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái năm thứ 10 (1397), nhà Trần đổi tên “Nghệ An” thành “Lâm An”, và tên gọi này tồn tại trong một thời gian ngắn, cho tới triều Lê sơ thì trở lại với tên gọi cũ là “Nghệ An”.
Còn việc nhà Tây Sơn đổi tên “Nghệ An” thành “Nghĩa An”, sách Đại Nam nhất thống chí phần viết về tỉnh Nghệ An, ghi rõ:
“Ngụy Tây cải danh Trung Đô, hựu viết Nghĩa An (kiến: Bang giao lục). Bản triều Gia Long nguyên niên phục vi Nghệ An trấn” [Ngụy Tây Sơn đổi tên là Trung Đô, lại (có tên) là Nghĩa An (xem Bang giao lục). Năm đầu niên hiệu Gia Long đổi lại là trấn Nghệ An].
Chắc lẽ chính từ nguồn thông tin từ bộ quốc chí này mà hiện nay trong các bộ hồ sơ di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hay mới nhất là công trình Lịch sử Phật giáo Nghệ An cũng theo đó mà cho rằng dưới thời Tây Sơn, “Nghệ An” đã bị đổi tên thành “Nghĩa An”.
Sự tồn tại của tên gọi “Nghĩa An” trong nhiều sách vở tài liệu thời hiện đại đã mặc nhiên khẳng định rằng đã có một sự thay đổi về tên gọi của Nghệ An dưới triều đại Tây Sơn mà cụ thể hơn là chính Vua Quang Trung đã tạo nên sự thay đổi đó.
Tuy nhiên, theo các tư liệu thành văn đồng đại hiện còn đã cho phép xem xét lại vấn đề này theo một hướng khác, để đi đến khẳng định rằng thông tin nói trên hoàn toàn không chính xác, bởi:
Theo sử liệu triều Nguyễn:
Trong Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Năm đầu niên hiệu Gia Long đổi lại là trấn Nghệ An”. Chúng tôi đã tìm trong bộ chính sử quan trọng nhất của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục, tuy nhiên không thấy ghi chép về việc thay đổi tên gọi “Nghĩa An” trở lại thành “Nghệ An”, mà chỉ thấy những sự kiện quan trọng đều gắn với “Nghệ An”, chẳng hạn:
“Nhâm tuất, năm Gia Long thứ 1 [1802]:
Mùa thu, tháng 7, ban ấn đồng cho các trấn từ Nghệ An ra Bắc. Triệu Đặng Trần Thường đến hành tại. Sai đô thống chế Hậu dinh quân Thần sách là Hoàng Viết Toản lãnh chức Trấn thủ Nghệ An, Tham tri Hộ bộ là Hồ Thế Học lãnh chức Hiệp trấn”…“Tháng 12, Vua bèn hạ lệnh cho các địa phương từ Nghệ An ra Bắc, phàm ruộng đất của dân xiêu tán, quan sở tại phải lập giới hạn rõ ràng, chia cấp cho quan quân cày cấy mà được tha thuế, làng lân cận không được cày cấy”.
Bên cạnh đó, chúng tôi tra cứu một bộ sử nổi tiếng khác dưới thời Nguyễn là Quốc triều chính biên toát yếu cũng không thấy đề cập việc đổi tên gọi “Nghĩa An” trở lại thành “Nghệ An”.
Hay như bộ sử Quốc sử di biên do Thám hoa Phan Thúc Trực biên soạn nhằm bổ sung những sự kiện mà quốc sử của triều Nguyễn còn bỏ sót hoặc đề cập chưa chính xác, cũng đã nhiều lần đề cập tới các sự kiện liên quan tới Nghệ An mà Đại Nam thực lục không ghi chép, như:
“Nhâm Tuất, Gia Long năm thứ nhất, tháng 5, mồng một, ngày Canh Ngọ, Thế Tổ đổi niên hiệu, tiến lấy trấn Nghệ An. Tán lý Đặng Trần Thường xin đổi niên hiệu, tiến quân đánh lấy Nghệ An, Thế Tổ nghe theo, lấy ngày tháng ấy đổi năm Cảnh Hưng thứ 63 làm Gia Long thứ nhất. Phó tướng Thần vũ quân Vũ Đức hầu đều đem quân và voi tiến đánh Nghệ An, phá tan được”
Như vậy, qua các bộ sử lớn dưới triều Nguyễn, không thấy đề cập việc triều Tây Sơn đổi tên “Nghệ An” thành “Nghĩa An” cũng như việc đến năm đầu niên hiệu Gia Long lại đổi “Nghĩa An” thành “Nghệ An”.
Theo Bang giao lục:
Trong phần ghi chép về việc đổi tên “Nghệ An” thành “Nghĩa An” tại sách Đại Nam nhất thống chí có chú rằng việc này được ghi chép tại Bang giao lục. Bang giao lục là bộ sách ghi lại các văn kiện, tư liệu, điển lệ về việc giao thiệp giữa các triều đại Việt Nam và Trung Quốc: dụ, chế, sắc phong, chiếu, biểu, tấu khải, thư, thơ… do Lê Thống biên soạn và viết tựa năm Gia Long thứ 18. Cuốn sách này ghi chép đầu tiên từ việc họ Việt Thường hiến chim trĩ trắng cho nhà Chu, kết thúc ở cuộc đi sứ của phái bộ Hoàng Kim Hoán, Nguyễn Trọng Vũ, Nguyễn Hựu Nhân niên hiệu Đạo Quang thứ 5 (1826). Sách này đã được bổ sung thêm các sự kiện ngoại giao sau năm soạn giả biên tập và đề tựa (1819).
Bên cạnh đó, còn có bộ Đại Việt Quốc thư là một hồ sơ gồm cả Quốc thư và công văn trong thời kỳ Vua Quang Trung và Càn Long nhà Thanh (từ năm Càn Long thứ 54 (1789) tới năm 1790) thư từ qua lại lẫn nhau trong thời kỳ Vua Quang Trung (giả) sang Trung Hoa để cảm tạ; và những thiếp thư của Vua Quang Trung đi đường cùng các quan chức nhà Thanh, gửi qua đáp lại theo hành trình từ Quảng Tây đến Nhiệt Hà. Ngoài ra, còn có những công văn chuẩn bị trước khi sứ thần nhà Thanh sang làm lễ tuyên phong cho Vua Quang Trung. Tuy nhiên, trong những bộ sách này chúng tôi vẫn không thấy đề cập đến việc “Nghệ An” đổi thành “Nghĩa An”.
Theo Hoàng Lê nhất thống chí:
Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết viết theo thể chương hồi, nội dung nói về sự thống nhất vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt họ Trịnh trả lại quyền bính cho Vua Lê, đến lúc Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước. Đây là tác phẩm viết theo thể chí – một lối văn ghi chép sự vật, sự việc, do một số tác giả kế tục nhau viết trong những thời điểm khác nhau trong khoảng thời gian dài từ cuối Triều Lê sang đầu triều Nguyễn. Mặc dù đây chỉ là một tác phẩm văn học thiên về tự sự lịch sử, lại có một số tình tiết hư cấu, tuy nhiên các tác giả là người đương thời nên đã có những mô tả khá sinh động và ghi chép rất chân thực về những biến động trong xã hội phong kiến cuối thế kỷ 18, trong đó những mô tả về nhà Tây Sơn khá đậm nét. Tuy nhiên, Hoàng Lê nhất thống chí vẫn chưa từng ghi nhận dưới thời Tây Sơn có tên gọi “Nghĩa An” mà chỉ có “Nghệ An”. Như phần viết về Nguyễn Huệ định yên Bắc Hà và xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô:
“Vua Quang Trung cho rằng Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch ngói, để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng toà lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái-Hoà hai dãy hành lang, để phòng dùng đến trong những khi có lễ triều hạ (các quan vào chầu và chúc mừng nhà vua). Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành”.
Theo các văn bản hành chính của triều đại Tây Sơn:
Triều đại Tây Sơn tuy tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi và cũng không có quốc sử để ghi thực lục. Nhưng hiện nay nhiều văn bản hành chính của triều đình cũng như chính quyền địa phương bấy giờ vẫn còn đang được lưu giữ. Thông qua những văn bản này chúng ta sẽ xác định được triều đình Tây Sơn dùng tên gọi “Nghệ An” hay “Nghĩa An” trong thời điểm đó. Về việc xây dựng kinh đô tại Nghệ An như đã nói ở trên, ngay từ những năm trước khi chưa lên ngôi, Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ đã để ý đến Nghệ An với vai trò là kinh đô mới của triều đại. Sau khi mời La Sơn Phu tử ra cùng trị nước, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đã giao cho La Sơn Phu tử thị sát chọn mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất tại Nghệ An để xây dựng kinh đô. Về việc này, Long Nhương Tướng quân đã gửi thư cho La Sơn Phu tử vào ngày mồng 1 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11 (1788), nội dung như sau (chữ Nôm):
Chiếu truyền La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp khâm tri. Ngày trước uỷ cho Phu tử về Nghệ An tướng địa làm đô cho kịp kỳ này hồi ngự. Sao về tới đó, chưa thấy đặng việc gì. Nên hãy giá hồi Phú Xuân kinh hưu tức sĩ tốt (cho binh sĩ nghỉ ngơi). Vậy chiếu ban hạ Phu tử tảo nghi dữ Trấn thủ Thận cộng sự, kinh chi doanh chi, tướng địa tác đô tại Phù Thạch (sớm cùng Trấn thủ Nguyễn Văn Thận tính toán mà làm việc đó, chọn đất dựng đô tại Phù Thạch). Hành cung sảo hậu cận sơn (hành cung thì cất ở phía sau gần với núi). Kỳ chính địa, phỏng tại dân cư ư gian, hay là đâu cát địa khả đô, duy Phu tử đạo nhãn giám định (Nơi đất ấy, tìm chỗ ở giữa nơi dân ở, hay là đâu là đất tốt có thể dựng đô, cứ theo con mắt nghề của phu tử mà giám định). Tảo tảo bốc thành (sớm sớm chọn được)! Uỷ cho Trấn thủ Thận tảo lập cung điện (sớm lập cung điện). Kỳ tam nguyệt nội hoàn thành (trong vòng 3 tháng phải hoàn thành), được tiện giá ngự. Duy Phu tử vật dĩ nhàn hốt thị (Vậy Phu tử đừng chậm trễ không chịu xem). Khâm tai! Đặc chiếu”
Thái Đức thập nhất niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật (Ngày mồng 1 tháng 6 năm Thái Thứ thứ 11).
Hơn 2 tuần sau, vào ngày 19 tháng 6, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ lại gửi tiếp cho La Sơn phu tử một bức thư, nội dung như sau:
(Dịch nghĩa) Chiếu cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp cùng biết: vào ngày 19 tháng 6 năm nay ta ngự xem tờ khải của Phu tử. Trong đó có nói đầy đủ địa thế tốt xấu cùng với tình trạng thống khổ của sinh dân. (Phu tử) lại lấy danh ngôn sự tích của người xưa để can gián. Luận lý ấy như thang thuốc tốt rất hợp với ý ta. (Nhưng) buổi ban đầu khi mới gây dựng được nước, lòng người mới theo, (nếu) không ở Nghệ An để thường xuyên chế ngự vùng thượng du thì lấy đâu mà khống chế trong ngoài? (Ta) Chắc rằng Phu tử cũng hiểu rõ điều này vậy. Nay rất vui khi được nghe lời của Phu tử, thì việc xây dựng lớn hãy theo đó mà tạm hoãn. Nhưng cái nơi mà ta ngự đến thì không thể không dự liệu sớm để thực hiện. Phiền Phu tử nắm việc và xem ngày. Nếu như hoành thành thì đó cũng là kế để bảo trị quốc gia vậy. Xin Phu tử hãy định liệu. Khâm tai. Đặc chiếu.
Ngày 19 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11. (Ấn ) Quảng Vận chi bảo.
Như vậy, ngay bản thân vua Quang Trung gửi thư cho La Sơn phu tử vẫn dùng tên gọi “Nghệ An” chứ không hề nhắc tới tên gọi “Nghĩa An”. Đặc biệt nhất, ở bức thư quan Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn là Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận gửi cho La Sơn Phu tử nhằm đốc thúc thực hiện nhanh chóng mọi công việc liên quan tới việc xây dựng kinh đô. Nội dung như sau:
(Dịch nghĩa) Quan Khâm sai Trấn thủ (là) Thận Trực hầu kính thư đến La Sơn Phu tử cùng chiếu lãm. Nay [chúng tôi] cung kính vâng theo chiếu chỉ kiến lập kinh đô. Trong đó, đã truyền xuống các huyện, xã lo xong các khoản bới đào, xây đắp. Kính mời (Phu tử) cảm phiền dời gót ngọc đến tại hành cung, định rõ phương hướng cho đúng kỳ xây dựng, tránh khiến cho dân đinh lưu lại lâu ngày gây lãng phí. Nay kính thư.
Ngày mồng 4 tháng 7 năm Thái Đức thứ 11 (1788). (Ấn) Nghệ An trấn phủ chương.
Trong văn bản này, câu đầu tiên ghi rõ “Quan Khâm sai Trấn thủ (là) Thận Trực hầu” và đặc biệt nhất là dấu ấn triện son đóng trên bức thư có dạng hình vuông, kích cỡ 6,8×6,8cm cùng 5 chữ Hán được viết theo thể Triện là “Nghệ An trấn phủ chương” (con dấu của phủ trấn Nghệ An) cho ta biết đây là văn bản do vị quan Trấn thủ tại trấn Nghệ An gửi đi. Thận Trực hầu Nguyễn Văn Thận Khi được Nguyễn Huệ phong chức Trấn thủ Nghệ An khi ông ra Bắc lần thứ nhất vào giữa năm 1786, và ông giữ chức vụ này trong suốt thời gian tồn tại của triều Tây Sơn, đáng tiếc sử sách không ghi lại nhiều thông tin về ông. Nhưng thông qua dấu triện son “Nghệ An trấn phủ chương” tại văn bản nói trên chúng ta thấy rằng dưới triều Tây Sơn không hề tồn tại tên gọi “Nghĩa An” mà chỉ có tên gọi “Nghệ An”.
Trong tất cả các tư liệu thành văn thì những văn bản đóng dấu triệu son có giá trị xác tín rất cao bởi nó đã được chính quyền phong kiến xác nhận nhằm đảm bảo tính chân thực và hiệu lực pháp lý của các văn bản được ban hành. Việc vua cấp ấn triện cho những quan lại tại các trấn là ủy quyền thay mặt thiên tử để cai trị lê dân trăm họ. Chính vì vậy ấn triện cũng chính là biểu hiện của quyền lực và uy tín.
Bên cạnh những văn bản mang niên hiệu Thái Đức nói trên, thì những văn bản mang niên hiệu Cảnh Thịnh vào đầu thế kỷ 19 cũng chưa từng ghi nhận tên gọi “Nghĩa An”. Tờ Phó niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ 9 (1801) do Đô ngự sử Hoằng Nghị hầu sai phái Nhưng Tài hầu Nguyễn Văn Điểm về bản quán tại Nghệ An huy động quân lương cho triều đình Tây Sơn, nội dung như sau:
(Dịch nghĩa) “Thị nội đô sát thự Đô Ngự sử Hoằng Nghị hầu, Phó cho Trung cần Hiệu úy quân sứ, (tước) Nhưng Tài hầu … cho nên hợp phó này, cho viên này đốc thúc quân về bản quán tại trấn Nghệ An để vận động quân lương. Hạn trong một tháng phải trở lại kinh đô Phú Xuân để sai phái việc công…
Ngày mồng 3 tháng 4 năm Cảnh Thịnh thứ 9 (năm 1801)
Như vậy, trải qua các văn bản từ những bức thư của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ cho tới quan Trấn thủ Nghệ An, trải qua các niên hiệu từ Thái Đức tới Cảnh Thịnh dưới triều đại Tây Sơn, đều cho thấy chỉ có tên gọi “Nghệ An” mà không xác nhận sự tồn tại của tên gọi “Nghĩa An”.
Vào niên hiệu Quang Thái năm thứ 10 (1397), nhà Trần đổi trấn Nghệ An thành trấn Lâm An còn trấn Diễn Châu thành trấn Vọng Giang. Như vậy sau khi đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An thì tới cuối triều Trần mới có một lần duy nhất thay đổi tên gọi “Nghệ An” sang một tên gọi khác là “Lâm An” và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Từ thời Lê sơ cho tới tận ngày nay, Nghệ An chưa ghi nhận sự thay đổi tên gọi nào khác. Chính vì vậy “Nghệ An” là địa phương có tên gọi lâu đời bậc nhất ở nước ta. Tên gọi này lâu đời hơn rất nhiều so với các địa phương khác, kể cả các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng, như: Hải Dương – ra đời năm 1469, Ninh Bình – 1822, Nam Định – 1822, Bắc Ninh – 1822, Hà Nội – 1831, Hưng Yên – 1831, Hải Phòng – 1888, Hà Nam – 1890…
Nghệ An với vị thế là địa phương có bề dày văn hóa nên xưa nay luôn là đối tượng nghiên cứu và biên soạn của nhiều tác giả lớn trong nhiều công trình địa dư có giá trị. Trong mỗi thư tịch đều có kiến giải và quan điểm riêng về một thông tin hay sự kiện nào đó trong lịch sử, như việc khẳng định dưới thời Tây Sơn, “Nghệ An” đã đổi tên thành “Nghĩa An” là một trong số đó. Đại Nam nhất thống chí tuy là bộ quốc chí lớn nhất và quan trọng nhất về địa dư nước ta dưới thời phong kiến, được đánh giá cao về phương pháp biên soạn nghiêm túc và nguồn sử liệu dồi dào, nhưng đây chỉ là tác phẩm được viết ra ở giai đoạn sau thời đại Tây Sơn. Vì vậy, trong trường hợp muốn nhận thức đúng đắn về các sự kiện diễn ra trong lịch sử mà cụ thể là xác định nhân vật sự kiện của triều đại Tây Sơn, chúng ta cần phải đưa ra được chứng cứ có độ xác tín cao – tức các tư liệu gốc (Primary source) đồng đại. Những văn bản có niên đại Tây Sơn nói trên đều là những hiện vật gốc bằng văn bản được ghi chép vào đúng thời điểm mà nó xuất hiện. Đây thực sự là vật chứng gốc (Original evidence) chưa hề trải qua việc sao chép hay viết lại do người đời sau thực hiện. Chính vì vậy có thể khẳng định rằng dưới thời Tây Sơn, không tồn tại tên gọi “Nghĩa An”.