Có rất nhiều cách đọc một bài thơ về nàng Kiều

23/12/2013 20:00

(Baonghean.vn) - Một tin vui lớn đến với tất cả những ai yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tại kì họp thứ 37, tháng 11/2013, UNESCO đã chính thức công nhân Đại Thi hào Nguyễn Du là Nhà Văn hóa lớn của nhân loại. Có lẽ, để chuẩn bị cho sự kiện, vào quý III năm này, nhà Kiều học Phạm Đan Quế đã cho xuất bản thêm cuốn sách: Bài thơ vịnh Kiều và cách làm thơ thuận nghịch độc đáo, do NXB Giáo dục ấn hành....


Nhà Kiều học Phạm Đan Quế
Nhà Kiều học Phạm Đan Quế
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, thơ thuận nghịch độc (chữ Hán: đọc xuôi hoặc ngược) là một thể thơ đặc biệt của thơ Đường luật. Thể này còn được gọi là hồi văn, thơ đọc xuôi cũng có nghĩa, đọc ngược từ cuối bài ngược về cũng có nghĩa. Có khi đọc xuôi là thơ chữ Hán, còn đọc ngược lại thì thành thơ Nôm…Thơ thuận nghịch có thể xem là một trò chơi trí tuệ tao nhã trong lịch sử nước ta đã có tiền lệ. Có thể kể tới trường hợp thơ của Vua Tự Đức, thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt bài thơ “Vũ trung sơn thủy” của Vua Thiệu Trị, theo phát hiện của GS.Nguyễn Tài Cẩn thì có tới 256 cách đọc. Trò chơi này giúp người tham gia có cơ hội đi sâu vào thế giới lung linh, huyền diệu của ngôn ngữ mà có lẽ chỉ có tiếng Việt mới có đươc ưu thế này!

Số là vào năm 2007, ông Phạm Đan Quế sáng tác và cho giới thiệu bài thơ “Kiều nương cửa Phật” của mình theo thể thất ngôn bát cú như sau:

1.Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu,

2.Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau.

3.Vần xoay gió bão đầy năm tháng,

4.Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu

5.Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ,

6.Mộng tình Kim ấy ủ còn đâu.

7.Dẫu xa dõi bong Từ oan khuất,

8.Nhân nghĩa Phật tiên chốn nhiệm màu!

Bài thơ diễn tả tâm sự Thúy Kiều đi tu lần thứ 3 tại am Vân Thủy, sau khi được Vãi Giác Duyên cứu vớt và nương nhờ cửa Phật bên bờ sông Tiền Đường. Chỉ có 8 câu thơ, 56 chữ mà có quá nhiều cách đọc, cách hiểu, mà cách đọc cách hiểu nào cũng có điều thú vị riêng, đều có cơ sở tồn tại. Đọc xuôi, rồi đọc ngược. Đảo vị trí các câu thơ trong bài để đọc. Lại có thể bớt đi hai chữ đầu hoặc cuối mỗi câu, để từ bài thơ thất ngôn trở thành bài thơ ngũ ngôn…Nhờ khả năng biến hóa này, mà bài thơ kể trên xuất hiện rất nhiều cách đọc, cách hiểu, vần điệu bài thơ vẫn đảm bảo.

Trước đây, khi bài thơ “Kiều nương cửa Phật” được công bố, đã có ý kiến cho rằng có thể có tới 1464 cách đọc khác nhau và đều có nghĩa. Trong cuốn sách kể trên vừa xuất bản của Phạm Đan Quế, thì số cách đọc được nâng lên tới 1728 cách, theo những tiêu chí khác nhau. Xin nêu một cách đọc mà tác giả đã đề xuất làm dẫn chứng:

8.Màu nhiệm chốn tiên Phật nghĩa nhân,

3.Tháng năm đầy bão gió xoay vần.

2.Mau rơi ngả nắng vàng hương sắc,

1.Cầu nguyện chiều chuông đổ ngại ngần.

4.Dâu bể trắng đời Kiều nhịp lỗi,

7.Khuất oan Từ bóng dõi xa dần.

6. Đâu còn ủ ấp Kim tình mộng,

5.Thệ ước sai thiền cảnh ái nhân!

Theo ông Quế, còn có thể chọn những bài theo các cách đọc sau: 8-3-2-5-4-7-6-1; hoặc 8-3-6-1-4-7-2-5; 8-3-6-5-4-7-2-1;....

Trong số những người mê Kiều, lao tâm khổ tứ trên đường tiếp cận Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều, với hơn 40 năm mày mò và hơn chục đầu sách đã xuất bản, chúng ta hẳn phải dành một vị trí trang trọng cho Nhà Kiều học Phạm Đan Quế!

Kim Hùng

Mới nhất
x
Có rất nhiều cách đọc một bài thơ về nàng Kiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO