Nữ giáo viên tiêu biểu toàn quốc: Yêu nghề giáo vì những điều giản dị

Song Hoàng 15/11/2018 10:56

(Baonghean.vn) - Trong mắt những người đồng nghiệp, cô Lê Thị Lan, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - người vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu của năm 2018, bao giờ cũng mạnh mẽ. Nhưng đã có không ít lần cô mềm lòng, thậm chí rơi nước mắt, bởi đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, niềm tự hào...vì được làm nghề giáo.

"Kỳ tích" tại Olympic Hóa học quốc tế

Nói về thành tích của cô giáo Lê Thị Lan trong năm học này, không thể không kể đến tấm Huy chương Đồng Olympic Hóa học quốc tế mà chị và cậu học trò Phan Nhật Duật vừa giành được vào tháng 8 tại Cộng hòa Séc. Kết quả so với kỳ vọng, có thể chưa thực sự làm hài lòng cô trò nhưng nhìn chặng đường mà cả hai cô trò đã trải qua mới thực sự là "kỳ tích".

Năm 2018, gần 20 năm cô giáo Lê Thị Lan gắn bó với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Song Hoàng
Năm 2018 - gần 20 năm, cô giáo Lê Thị Lan gắn bó với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Song Hoàng

Trước đó, trong 4 thành viên được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay, Duật có thể xem là thành viên đặc biệt nhất. Lý do năm lớp 12 Duật mới được thi quốc gia thì các thành viên còn lại, người ít nhất cũng đã có2 năm kinh nghiệm ở đội tuyển, người thì đã lần thứ 2 tham dự Olympic Hóa học quốc tế.

Những năm đầu ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Duật cũng là cậu bé thường “trắng tay” trong các kỳ thi, bởi một lý do duy nhất là cẩu thả. Khi biết được ưu điểm của Duật là nhanh nhẹn, thông minh thì cô giáo Lan cũng nhận ra được những hạn chế không dễ sửa của Duật.

Kể về quá trình bồi dưỡng Duật: "Tôi là một giáo viên rất nghiêm khắc và khá khó tính. Bài của Duật dù có làm đúng nhưng không bao giờ cho điểm tuyệt đối vì chữ quá xấu. Duật nhiều lần nhận kết quả đã thắc mắc “sao cô chấm cho em chặt thế” - cô Lan cho biết.

Cô giáo Lê Thị Lan và em Phan Nhật Duật tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2018. Ảnh: NVCC
Cô giáo Lê Thị Lan và em Phan Nhật Duật tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2018. Ảnh: NVCC

Rồi đến “ưu” của Duật là làm bài nhanh cũng bị cô điều chỉnh bởi “nhanh” vẫn thường đi với “ẩu”: "Cứ mỗi lần Duật làm bài là tôi lại lo nơm nớp bởi tôi tin vào năng lực của em. Nhưng để có một bài thi tốt thì đòi hỏi sự toàn diện, chỉ mắc một sai lầm là thất bại... Mất hơn hai năm nỗ lực, đến lớp 12, Duật mới được trở lại đội tuyển của trường tham dự kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. Bất ngờ hơn, dù là lính mới, Duật đã vượt lên giành giải Nhất và được chọn tham dự vòng loại Olympic Hóa học quốc tế và giành một vé sang Séc chính thức tham dự kỳ thi".

Kể thêm về kỷ niệm đặc biệt này, cô giáo Lê Thị Lan chia sẻ: "Tôi tiếc nhất là tấm huy chương Đồng của Duật. Bởi trước đó, sau khi thi xong vòng lý thuyết, Duật điểm cao thứ 2 toàn đoàn. Nhưng, đến phần thi thực hành, vì chưa có kinh nghiệm nên sau khi hoàn thành phần thi của mình, Duật cảm thấy chưa ưng ý nên xin thêm hóa chất để làm lại. Đây cũng là lý do, Duật bị trừ 20 điểm và đang ở nhóm có cơ hội giành Huy chương Bạc, Duật chấp nhận giành Huy chương Đồng dù điểm số kế cận với các bạn top trên...".

Yêu nghề giáo bởi những điều giản dị

Tính từ khi mới ra trường, năm nay gần tròn 20 năm cô giáo Lê Thị Lan gắn bó với nghề giáo và mái trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Nghề giáo cho đến thời điểm này cũng đem đến cho chị rất nhiều, nhưng ngày trước, đây không phải là lựa chọn đầu tiên của chị. Kể cả khi làm hồ sơ thi đại học, chị ưu tiên đầu tiên là Đại học Kinh tế và Đại học Giao thông vận tải rồi mới đến Đại học Vinh. Sau này, chị đậu cả ba trường và đã làm hồ sơ nhập học Trường Đại học Kinh tế.

Mãi đến ngày chuẩn bị ra Hà Nội, nghe “trộm” bố nói chuyện, chị mới thay đổi ý định bởi biết rằng ước mơ lớn nhất của ông là có một người “thầy” trong gia đình.

Sự lựa chọn ngày ấy của chị cũng khiến bạn bè bất ngờ, bởi lúc đó, dù chỉ học ở Trường THPT Thanh Chương 3 nhưng chị đã từng được chọn tham dự Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học. Khi vào Đại học Vinh, chị cũng là một trong những thí sinh đậu điểm cao nhất và là sinh viên duy nhất tốt nghiệp loại Giỏi.

Đoàn giáo viên và học sinh Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Ảnh: NVCC.
Đoàn giáo viên và học sinh Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Ảnh: NVCC.

Những ngày còn đi học, cô giáo Lê Thị Lan, cũng là một tấm gương đầy nghị lực. Nhà chị ở Thanh Liên - Thanh Chương, bố mẹ đều làm nông nghiệp nên thuở nhỏ, ăn cơm độn sắn, độn khoai là bình thường. Cũng không ai ngờ rằng, dù mẹ chị không biết chữ vì ngày xưa nghèo không được đi học, bố chỉ làm công nhân nông trường nhưng 5 anh chị em của cô giáo Lan đều học rất tốt.

Điều đáng tiếc duy nhất, đó là trong 5 người, cũng chỉ có duy nhất cô con gái út là được học hành đến nơi đến chốn, còn lại đều dang dở. Đó cũng là lý do, khi đã vào trường đại học, cô giáo Lê Thị Lan luôn nỗ lực không ngừng nghỉ bởi với chị, học không chỉ cho riêng bản thân mà còn cho cả gia đình.

Ngày ra trường, với tấm bằng ưu, chị có nhiều cơ hội để đi dạy. Nhưng, chỉ một lần được xuống trường Phan thi học sinh giỏi quốc gia những năm cấp III, chị đã đặt ước mơ được làm giáo viên của trường. Và, cô sinh viên mới ra trường đã không ngần ngại nộp hồ sơ, dù biết rằng cơ hội rất ít ỏi.

Kể về kỳ thi tuyển chọn giáo viên vào trường Phan, chị chia sẻ: "Chúng tôi có 5 người cùng dự thi. Trong đó, chỉ mình tôi là sinh viên mới ra trường, còn lại đều là giáo viên có kinh nghiệm được tuyển chọn ở các huyện. Vậy mà, không hiểu sao tôi tự tin làm tốt một bài thi viết, giảng hết hai bài chuyên đề mà chỉ có một ngày chuẩn bị".

Niềm vui của cô giáo Lê Thị Lan cùng đồng nghiệp và học trò trong ngày đón học sinh đạt giải ở Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế trở về. Ảnh: SH
Niềm vui của cô giáo Lê Thị Lan cùng đồng nghiệp và học trò trong ngày đón học sinh đạt giải ở Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế trở về. Ảnh: SH

Cũng với nghị lực đó, sau khi vào trường, dù phải ở trọ, ngày ngày lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ nhưng hai năm đầu tiên, chị đã hoàn thành chương trình cao học và hoàn toàn tự chủ được cuộc sống của mình.

Cô giáo Lan khi đó cũng từng khiến mọi người ngạc nhiên khi có biệt tài bồi dưỡng học sinh chuyên các môn xã hội đậu học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học. Sau này, khi tay nghề đã cứng, cô cũng đã được nhà trường tin tưởng chuyển sang dạy các lớp chuyên và liên tục nhiều năm cô Lan có học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi tỉnh, thi học sinh giỏi quốc gia và học sinh giỏi quốc tế.

Ở cô giáo Lan, mọi người cũng cảm nhận được sự bền bỉ, ngay thẳng, dám làm, dám thử thách... đúng chất của một giáo viên tự nhiên. Chị chỉ khóc khi nhìn học trò của mình được đứng trên bục vinh quang, nhận giải thưởng. Rồi có lúc lại không giấu được cảm xúc khi bất ngờ được học sinh tổ chức sinh nhật, thấy học trò cũ râm ran đến kín nhà mỗi dịp 20/11 thay nhau gọi “cô ơi, cô à”...

Niềm vui bên các học trò ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC.
Niềm vui bên các học trò ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC.

Những cảm xúc chân thật đó cũng là điều mà cô giáo Lan cảm nhận rõ ràng nhất sau gần 20 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng và những thế hệ học trò hiếu học. Để rồi, dù chỉ là “lựa chọn thứ 2” nhưng chị đã gắn bó với công việc này bằng tất cả sự đam mê, trách nhiệm, bằng tất cả trí óc và trở thành một người “lái đò” đầy tận tụy và đam mê.

Mới nhất

x
Nữ giáo viên tiêu biểu toàn quốc: Yêu nghề giáo vì những điều giản dị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO