Có tâm mà nỏ có tầm!
(Baonghean) - Mấy bữa nay, dư luận xôn xao bàn tán mà chủ yếu là “ném đá” về một đề nghị của một “bà nghị” tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Ấy là tại phiên thảo luận về dự thảo luật hộ tịch, một nữ đại biểu của dân đã đề xuất quy định phải đặt tên “thuần Việt” khi khai sinh cho con.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lý do bà đưa ra đề xuất như vậy là vì trong xã hội đang có hiện tượng một số bậc “mần cha, mần mẹ” thích đặt tên con theo các nhân vật trong phim Hàn Quốc kiểu như “Đinh San U”, hay theo thương hiệu điện thoại như “Cao Nokia”… không đúng với tập quán truyền thống của người Việt Nam ta. Cũng có trường hợp đặt tên xấu, tên mất thẩm mỹ, gây mặc cảm hoặc tên quá dài gây phức tạp khi sử dụng như trường hợp tên “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân”… Vì thế, theo vị “dân biểu” này thì cần đưa vào luật quy định về nguyên tắc đặt tên, nguyên tắc xác định họ, xác định dân tộc cho phù hợp với tập quán, truyền thống lâu nay.
Một đề nghị có phần hữu ích, vậy mà lại bị dư luận phản ứng dữ dội theo chiều hướng tiêu cực. Vì sao lại thế? Nghĩ đi, nghĩ lại thì thấy người ta phản ứng như rứa cũng không phải là không có lý. Trước hết về mặt kỹ thuật, việc đặt tên thuần Việt là rất khó vì nhìn rộng ra trong cuộc sống, hầu như cách đặt tên của dân ta từ cổ chí kim đều dùng từ Hán Việt nhằm chuyển tải, gửi gắm một thông điệp, một ước vọng nào đó của các bậc cha, mẹ. Như Hùng Vỹ là để mong muốn con mình sau này cường tráng, khỏe mạnh và có sự nghiệp lẫy lừng. Cho dù, trong thực tế anh chàng mang tên đó có khi lại vừa lùn, vừa xấu và cũng không có tài năng xuất chúng. Con gái thì đặt tên là Diệp với ý nghĩa mảnh mai, mềm mại và đáng yêu như một chiếc lá xanh. Hay Thanh là xanh, trong sáng… Do ảnh hưởng của chữ Hán từ nghìn đời nay, phần lớn tên người ở ta là từ Hán - Việt, nên buộc người dân phải đặt tên con theo cách thuần Việt là việc rất khó và không khả thi. Mặt khác, việc đặt tên con cái như thế nào là thuộc quyền tự do của công dân đã được ghi trong Hiến pháp. Và hiện tượng đặt tên con bắt chước phim Hàn, hay tên hãng điện thoại là không phổ biến mà chỉ diễn ra nhỏ lẻ ở một vài thôn, bản vùng miền núi, ở một vài gia đình. Nghĩa là không có khả năng đe dọa đến tồn vong của văn hóa Việt. Nên không cần đặt vấn đề một cách to tát như vậy. Hơn nữa, đây có lẽ mới là nguyên nhân chủ yếu khiến cho đề xuất đó bị “đả” cho tơi bời rằng việc đặt tên con là vấn đề vô cùng nhỏ trong cuộc sống; trong khi, còn vô số vấn đề gay cấn, bức xúc liên quan thiết thực đến cuộc sống người dân, đến đường hướng phát triển của đất nước đang rất cần đại biểu dành thời gian bàn bạc một cách thấu đáo để có biện pháp giải quyết đến nơi đến chốn... Người dân bầu ra đại biểu của họ và đóng thuế để phục vụ hoạt động của các đại biểu là kỳ vọng để được giải đáp những vấn đề quan trọng, tháo gỡ được những vấn đề khó khăn, nan giải trong cuộc sống của họ chứ không phải là để đi xử lý vài ba cái việc vặt vãnh, nhỏ lẻ như vậy.
Và làm thế, thì chẳng khác nào “giết gà dùng dao mổ trâu” rất lãng phí, rất không đáng và không xứng tầm. Cho nên, có thể đi đến kết luận đề xuất đó của đại biểu Quốc hội là: Có tâm mà nỏ có tầm.
Nghệ Nhân