Có thể tăng tuổi gọi nhập ngũ lên 27
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi đề xuất tăng tuổi gọi nhập ngũ tối đa thêm 2 năm, tức là thay vì 25 tuổi, công dân 27 tuổi vẫn được gọi nhập ngũ.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ảnh: TTXVN |
Trình bày Tờ trình về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 3/11, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ theo quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vì vậy, dự án luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng nhằm bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giảm mức độ tổn thất về con người và vũ khí khi tác chiến xảy ra.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, QĐND Việt Nam đang xây dựng Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại với nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Vì vậy, bộ đội phải có đủ thời gian huấn luyện nâng cao trình độ. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân đội còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác do Đảng và Nhà nước giao như: Cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, công tác dân vận... đã chiếm một phần đáng kể thời gian huấn luyện của bộ đội.
"Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng), chưa thật sự công bằng, ảnh hưởng đến tư tưởng của hạ sĩ quan và binh sĩ, nhất là đối với đối tượng phục vụ tại ngũ 24 tháng. Hằng năm, Bộ Quốc phòng cũng phải tổ chức tuyển quân, xuất ngũ hai đợt, gây tốn kém về vật chất và thời gian của các địa phương", Tướng Thanh cho hay.
Một điểm mới của dự án luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi trình lần này là thay đổi độ tuổi gọi công dân nhập ngũ. Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hằng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ vào quân đội thấp. Mặt khác, số công dân được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học đại học, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Vì vậy, dự án Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
“Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành chưa quy định cụ thể về thời điểm gọi nhập ngũ nên công dân không chủ động sắp xếp được thời gian học tập, lao động. Dự án Luật quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng hai hoặc tháng 3 hằng năm”, Bộ trưởng Quốc phòng cho hay.
Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình quá rộng khiến tỷ lệ công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ không nhiều. Một số công dân còn lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự…Vì vậy, dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”. Để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nhận xét, từ năm 1981 đến nay, Luật Nghĩa vụ quân sự đã 2 lần điều chỉnh thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình và có phân biệt thời hạn với hai loại đối tượng. Nay Chính phủ đề nghị quy định thống nhất thực hiện thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ từ 18 tháng lên 24 tháng, uỷ ban Quốc phòng an ninh thấy rằng, việc quy định thời hạn nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ là nội dung quan trọng cần phải có cơ sở chính trị, xã hội, pháp lý, khoa học thực tiễn để bảo đảm yêu cầu đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kết hợp việc xây dựng lực lượng thường trực có số lượng hợp lý với xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu...
Thời hạn nghĩa vụ quân sự có thể tăng lên từ 18 tháng lên 24 tháng. Ảnh minh họa |
Qua thảo luận, đa số thành viên của Uỷ ban đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, còn một số ý kiến chưa thống nhất, trong đó có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành hoặc quy định một thời hạn chung là 18 tháng đối với các quân nhân phục vụ tại ngũ để bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng (đặc biệt là đối với công dân đã tốt nghiệp bậc đại học).
Thành viên uỷ ban cũng kiến nghị để nâng cao chất lượng xây dựng quân đội cần phải kết hợp chặt chẽ các giải pháp đổi mới công tác tuyển quân, nhất là tuyển được nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường đại học và cao đẳng vào thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.
Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật là gọi nhập ngũ tối đa đến 27 tuổi để có thể tuyển chọn được nhiều công dân đã học xong chương trình đào tạo bậc đại học vào phục vụ tại ngũ, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm chi phí đào tạo và khắc phục được những hạn chế, vướng mắc về chất lượng tuyển quân như hiện nay. Đồng thời bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quyền được học tập của công dân.
“Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành vì cơ bản đã thực hiện ổn định. Những vướng mắc vừa qua trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc đại học và cán bộ, công chức không phải do hạn chế về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện”, ông Khoa nói.
Theo VnExpress