Coi chừng tụt hậu

25/09/2013 11:00

Lâu nay hễ nói đến trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến SLNA. Thế nhưng sau màn trình diễn ấn tượng của U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ trưởng thành từ Học viện bóng đá HAGL JMG, mọi quan tâm đã bắt đầu đổ dồn về phố núi...

(Baonghean) - Lâu nay hễ nói đến trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến SLNA. Thế nhưng sau màn trình diễn ấn tượng của U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ trưởng thành từ Học viện bóng đá HAGL JMG, mọi quan tâm đã bắt đầu đổ dồn về phố núi...

Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong khi hầu hết các CLB bóng đá ở Việt Nam tuyển chọn cầu thủ từ bóng đá phong trào thì SLNA đã sớm có hướng đi mới: xây dựng một hệ thống đào tạo bóng đá trẻ từ U11 đến U21 để tạo nguồn cầu thủ kế cận. Nhờ đó, từ năm 2000 đến nay đội bóng xứ Nghệ không những không phải đi thuê cầu thủ từ địa phương khác đến thi đấu mà còn là nguồn cung cấp dồi dào cho nhiều CLB bóng đá khắp cả nước.

Liên tục hơn 10 năm nay, chưa có năm nào đội tuyển quốc gia tham gia các giải đấu quốc tế mà thiếu vắng các ngôi sao trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá xứ Nghệ. Sự cống hiến của SLNA cho cả nền bóng đá Việt Nam những năm qua là không thể phủ nhận. Lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA nhiều năm liền đã trở thành hình mẫu cho các địa phương trong cả nước đến học tập. Các lứa cầu thủ trẻ cũng như đội 1 SLNA đã vô số lần mang vinh quang về cho xứ Nghệ với những chiếc Cúp Vàng từ các giải đấu trong nước.



Các cầu thủ SLNA tại Giải bóng đá U19 QG – Cúp Tôn Hoa Sen 2013. Ảnh: TTVN

Thực tế vài năm trở lại đây, các đội trẻ SLNA không còn “làm mưa làm gió” ở các giải bóng đá trẻ trong nước như trước đây, lò đào tạo SLNA đang bắt đầu bộc lộ dần những hạn chế.

Có thể thấy, mô hình đào tạo trẻ của SLNA hiện nay gần như không có gì khác so với cách đây 10 năm. Vẫn phương pháp tuyển chọn VĐV với những bài test cũ kỹ theo sự cảm nhận chủ quan của HLV là chính; vẫn quản lý VĐV theo cách giao phó hoàn toàn cho BHL các đội; vẫn phương pháp dạy đá bóng kiểu cũ … Hầu như U11 cũng như U13, U15, U17 hay U19 và U21, tất cả đều học chung một bài mà không có sự đổi khác theo từng lứa tuổi.

Do phương pháp tuyển chọn VĐV trẻ ban đầu không khoa học, cách quản lý và giáo dục VĐV không tốt nên hàng năm SLNA phải đào thải rất nhiều VĐV trẻ vì lý do “chuyên môn không đáp ứng yêu cầu” hoặc “vi phạm kỷ luật”. Chính ông Nguyễn Đình Nghĩa – Phó GĐĐH Công ty CP bóng đá SLNA cũng thừa nhận: “Mỗi lớp VĐV, lúc tuyển vào từ U11 và U13 khoảng 40 em thì sau này cũng chỉ có khoảng dăm ba em trưởng thành”. Không có sự đảm bảo về tương lai như vậy nên càng ngày càng có ít phụ huynh dám gửi gắm con em của mình vào CLB SLNA và nhiều em có năng khiếu bóng đá đã bỏ lỡ cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ở các giải bóng đá trẻ toàn quốc thời gian gần đây, các đội U trẻ SLNA cũng không còn giành được nhiều cúp vô địch như trước…

Ngược lại với SLNA, Học viện bóng đá HAGL JMG mới ra đời được 6 năm, nhưng nhờ áp dụng mô hình hiện đại và các phương pháp rất khoa học nên tỷ lệ đào thải VĐV rất ít.

Thứ nhất là khâu đầu vào, nhờ tuyển chọn được VĐV thực sự có tố chất và được huấn luyện tốt, các em tiếp tục phát huy được năng khiếu để phát triển nên ít khả năng bị đào thải vì lý do chuyên môn.

Thứ hai là khâu quản lý VĐV hết sức chuyên nghiệp, thời gian biểu khoa học, từ việc học văn hóa, học đá bóng đến thời gian sinh hoạt, vui chơi giải trí rất lành mạnh, các VĐV được tôn trọng và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cá nhân nên ít có trường hợp vi phạm kỷ luật đến mức phải trả về gia đình. Điều đó tạo nên sự tin tưởng của phụ huynh các em khi gửi gắm con cái vào Học viện bóng đá HAGL JMG.

Điển hình như trường hợp của cầu thủ Nguyễn Công Phượng, một trong những cầu thủ chơi rất nổi bật của U19 Việt Nam ở giải vô địch U19 ĐNA vừa qua (Phượng quê ở Đô Lương và từng được SLNA tuyển chọn nhưng sau đó sa thải, 1 năm sau hai bố con Phượng khăn gói vào HAGL và được Học viện này đào tạo, nuôi dưỡng trưởng thành như bây giờ). Điều thứ ba là phương pháp đào tạo huấn luyện cầu thủ ở Học viện bóng đá HAGL JMG cũng khác xa SLNA. Nguyễn Công Phượng chia sẻ: “Học viện có một giáo án đào tạo huấn luyện cho cầu thủ từ lúc 13 tuổi đến 19 tuổi. Mỗi độ tuổi có một phương pháp huấn luyện riêng. Lúc chưa đến 14 tuổi, các cầu thủ luôn phải tập luyện bằng chân trần để rèn cảm giác bóng, sau 14 tuổi mới được đi giày. Từ 16 tuổi HLV chủ yếu cho tập kỹ thuật, tư duy chiến thuật, rất ít khi cho thi đấu, đến 17 tuổi trở lên mới bắt đầu tập các bài thể lực và tham gia các trận đấu giao hữu”.

Mặc dù chưa mất vai trò là cái nôi đào tạo trẻ số 1 của bóng đá cả nước, hàng năm vẫn tiếp tục cho ra lò nhiều cầu thủ xuất sắc, nhưng SLNA cần sớm có sự đổi mới về mọi mặt, thậm chí nên vào Học viện HAGL JMG để học tập, nếu không muốn bị tụt hậu.


Hoàng Hảo

Mới nhất

x
Coi chừng tụt hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO