"Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng"
(Baonghean) - Nếu ai đã từng đến vùng đất Môn Sơn, Lục Dạ, được đắm mình trong không gian vàng rực của cánh đồng Mường Quạ vào mùa lúa chín, được chiêm ngưỡng dòng sông Giăng xanh ngăn ngắt mềm mại như một dải lụa, được thưởng thức cơm lam ăn kèm với con cá mát nướng hẳn sẽ hiểu tại sao người xưa lại nói: “Cơm Mường Quạ - Cá sông Giăng. Điều này không chỉ nói đến sản vật của một miền quê mà hơn hết là giá trị của một vùng văn hóa…
(Baonghean) - Nếu ai đã từng đến vùng đất Môn Sơn, Lục Dạ, được đắm mình trong không gian vàng rực của cánh đồng Mường Quạ vào mùa lúa chín, được chiêm ngưỡng dòng sông Giăng xanh ngăn ngắt mềm mại như một dải lụa, được thưởng thức cơm lam ăn kèm với con cá mát nướng hẳn sẽ hiểu tại sao người xưa lại nói: “Cơm Mường Quạ - Cá sông Giăng. Điều này không chỉ nói đến sản vật của một miền quê mà hơn hết là giá trị của một vùng văn hóa…
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lang Văn Tý, bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vào một buổi chiều cuối thu. Cánh đồng Mường Quạ đang vào mùa lúa chín hắt vào không gian màu vàng sóng sánh như mật ong khiến cho bất cứ ai cũng khó cưỡng lại được cảnh sắc trời đất đã sắp bày. Ông Lang Văn Tý đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, cởi mở. Trong khi nói chuyện với khách, bàn tay của người đàn ông 74 tuổi vẫn thoăn thoắt đan những then, những mắt cước của tấm chài đánh cá.
Đưa mắt nhìn quanh trong ngôi nhà sàn giản dị của ông Lang Văn Tý, tôi nhìn thấy có một tấm chài treo ngay ngắn ngay bên cạnh ban thờ của gia đình. Như đoán được sự phân vân của khách, ông Lang Văn Tý dừng tay nhón tách nước vối: “Tấm chài đó chỉ được dùng trong những dịp trọng đại. Là dịp Tết. Cá bắt về dùng để cúng tổ tiên, ông bà”. Hóa ra ngay cả việc đánh bắt cá trên sông Giăng cũng phải tuân thủ những hình thức mang tính lễ nghi đầy màu sắc văn hóa...
Ông Lang Văn Tý giải thích rằng, từ ngàn xưa bà con dân tộc Thái ở Môn Sơn, Lục Dạ có cuộc sống gắn chặt với điều kiện, môi trường tự nhiên trên vùng đất Mường Quạ. Trong đó dòng sông Giăng có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Sông Giăng không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất mà còn mang đến nguồn cá mát hấp dẫn, đặc sản của đồng bào Thái trên vùng đất Trà Lân xưa.
Nướng cá bên sông Giăng. |
Vào những ngày giáp tết, để chuẩn bị chào đón năm mới với mong ước một năm mới mưa thuận gió hòa, người dân 2 bên bờ sông Giăng ở xã Môn Sơn, Con Cuông lại mang chài, lưới ra dòng sông Giăng đánh cá. Sẽ có rất nhiều loại cá được mang về nhưng nhất thiết phải có cá mát để cúng ông bà, tiên tổ. Những con cá mát lấp lánh trắng được chế biến thành nhiều món, trong đó không thể thiếu 3 món: Pa – Pính – Phé, Pa – Pính – Tộp và Pa – Pính - Giảo. Theo ngôn ngữ của bà con dân tộc Thái, “pa” nghĩa là cá, “pính – phé” là giăng ra, ‘pính – tộp” là gập lại, còn “pính – giảo” là rải đều. Mỗi món lại có cách chế biến đặc biệt và rất khác nhau. Với món Pa – Pính – Phé, con cá mát sẽ được mổ từ trên lưng thay vì mổ bụng thông thường.
Theo cách này, phần ruột con cá vẫn được giữ nguyên, không bị vỡ. Sau đó cá sẽ được ướp với lá hẹ và nhiều loại gia vị khác, rồi tách rộng kẹp trên những thanh nứa tươi. Ngược lại với cách chế biến Pa – Pính – Phé, món Pa – Pính – Tộp cá sẽ được mổ bụng như bình thường. Mổ xong cá sẽ được kẹp với các loại gia vị rồi gập lại và nứa tươi sẽ giữ cho chúng không bị tách ra. Còn Pa - Pính – Giảo, cá mát sẽ được để nguyên con ướp các loại gia vị nói trên. Cả 3 loại đều được hong trên bếp lửa. Con cá khi đưa vào bếp để hong, không được tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa, mà phải gác trên bếp với một khoảng cách nhất định. Mục đích không để cá bị cháy, bị lửa sém, món ăn sẽ không giữ được vị ngọt bùi, mùi thơm sẽ kém. Nhưng điều quan trọng, 3 món ăn này dùng để dâng lên bàn thờ trong những dịp trọng đại nên tất cả phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến cũng như lễ nghi. Ngoài ra còn có món mọc cũng được làm từ đầu cá mát, trộn với gạo tấm bọc trong lá dong rồi đem hông.
Sông Giăng có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Môn Sơn, Lục Dạ huyện Con Cuông. |
Vào dịp tết, nếu như người dân miền xuôi và nhiều đồng bào dân tộc khác chỉ cúng tổ tiên, ông bà vải nhà nội – tức nhà chồng, thì đối với bà con người Thái ngoài việc cúng đất trời, cúng tổ tiên nhà chồng còn có một bàn thờ và mâm thức lễ để cúng tổ tiên bên nhà ngoại, tức là bên nhà vợ. Theo quan niệm của người dân ở vùng Môn Sơn, Lục Dạ, đây là sự công bằng đối với người mẹ, người vợ trong gia đình. Bởi có có ông bà, bố mẹ vợ thì mới có vợ và mới có những đứa con cho bên nội. Nên việc thờ cúng tiên tổ nhà vợ là sự tôn trọng, bình đẳng cần thiết. Chính vì vậy 3 món cá mát nói trên mỗi món gồm 3 con cùng với món mọc sẽ được chia đều và trân trọng đặt lên các bàn thờ có trong gia đình.
Buổi chiều hôm ấy chúng tôi theo ông Lang Văn Tý ra sông Giăng để chài cá. Từ nhà ông ra đến sông phải mất non 2km đi bộ. Nhưng dường như điều này cũng không ảnh hưởng gì đến niềm háo hức đã ấp ủ sẵn của mọi người. Với dáng đứng nghiêng nghiêng, thoắt một cái tấm chài từ tay người đàn ông rắn chắc ấy vụt lên không trung rồi xoe tròn trước khi tiếp xuống nhẹ nhàng giữa dòng nước trong vắt. Nhìn xuống có thể thấy những chú cá nhỏ, vảy lóng lánh, quẫy đuôi một cách bình thản. Trên dòng sông trong vắt, chúng tôi còn nhìn thấy có nhiều người cũng tung chài một cách say sưa, như thể đó không phải là sự kiếm tìm vận may hay sự mưu sinh mà dường như đang muốn khoe tấm chài tung tròn với ánh nắng xiên qua mắt lưới trong buổi chiều muộn.
Ấn tượng nhất phải kể đến những người phụ nữ trên dòng sông. Họ không đánh cá bằng chài hay lưới, mà bằng cách đơn giản nhất. Đó là dùng một sợi dây thừng dài khoảng 20m, trên đó cứ cách khoảng 30cm lại buộc một viên đá cuội. Hai người nắm hai đầu sợi dây cùng kéo đi ngược dòng nước chảy. Những chú cá bị sợi dây và những viên đá soàn soạt trượt vào đáy sông làm cho cá hoảng hốt liền bơi ngược lên và bị lùa vào cái nhủi lưới đã giăng sẵn. Đến lúc này người ta chỉ việc nhấc khung nhủi lên. Mỗi lần như thế được non nửa bát cá, loại chỉ bằng chiếc đũa. Nhưng chỉ thế cũng đã đủ cho một buổi chiều quây quần bên bếp lửa của gia đình.
Trước khi chia tay, ông Lang Văn Tý nói rằng bà con Môn Sơn hoàn toàn có thể đánh bắt cá bằng nhiều hình thức khác, được nhiều cá hơn nhưng điều đó sẽ đi ngược lại với truyền thống của tổ tiên. Trên dòng sông Giăng trong chiều bình yên chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, người sinh ra và lớn lên bên dòng sông thi ca này: “Những dãy núi giăng màn/Trùng điệp miền Tây cổ tích./Sông Giăng uốn dòng giữa đôi bờ tịch mịch./Những bờ tre chiều sương khói chơi vơi…”.
Đào Tuấn