Cơn ác mộng 'dây chằng' và lý do cầu thủ Việt dễ dính chấn thương

Trung Kiên 02/03/2020 19:45

(Baonghean.vn) – HLV Park Hang-seo vừa nhận thêm tin dữ từ chấn thương của trung vệ Đỗ Duy Mạnh. Anh bị đứt hoàn toàn dây chằng và đây là trường hợp thứ 8 của bóng đá Việt Nam bị chấn thương này sau kỳ tích tại VCK U23 châu Á 2018.

Sau trận tranh Siêu Cúp QG 2020, trung vệ Đỗ Duy Mạnh đã được đưa đến bệnh viện để chụp MRI. Kết quả cho thấy, trung vệ này đã bị chấn thương nặng. Theo thông báo của CLB Hà Nội, Duy Mạnh bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước và có thể phải nghỉ thi đấu đến hết năm 2020, ít nhất từ 6-9 tháng.

Ngoài các cầu thủ Phan Văn Đức, Đình Trọng, Xuân Trường thì Văn Thanh, Trọng Đại, Tuấn Anh, Văn Toàn cũng đều phải nghỉ thi đấu trong một thời gian dài vì cơn ác mộng mang tên “dây chằng”. Trường hợp của Phạm Xuân Mạnh dù không bị dây chằng nhưng cũng phải nghỉ thi đấu 1 năm và liên tục tái phát chấn thương.

Đỗ Duy Mạnh phải nghỉ thi đấu dài hạn. Ảnh: Zing

Với tình hình hiện tại, hàng thủ ĐT Việt Nam trước trận gặp Malaysia đang gặp khủng hoảng thực sự. Khi Đình Trọng, Trọng Hoàng bị treo giò, Duy Mạnh chấn thương, HLV Park Hang-seo chỉ còn lại trong tay 2 trung vệ tốt nhất và quen thuộc với sơ đồ 3-4-3 là Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng.

Trở lại với câu chuyện chấn thương của các cầu thủ, cả 8 gương mặt nói trên đều thi đấu với mật độ dày đặc ở cấp CLB cũng như ĐT U23 Việt Nam, ĐTQG. Đặc biệt là những cầu thủ của CLB Hà Nội vốn tham dự nhiều đấu trường trong năm 2018.

Bên cạnh đó, trùng hợp là họ đều ở độ tuổi từ 24-25, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tự chăm sóc đôi chân của mình. Trường hợp của Đoàn Văn Hậu là khá may mắn khi anh đang được đầu quân cho một CLB tại Hà Lan với những điều kiện về y tế ở mức hiện đại.

Bên cạnh việc quá tải trong thi đấu, mặt sân đấu của các CLB tại V.League cũng là một vấn đề nan giải. Hiện nay ngoài sân Thống Nhất, Hàng Đẫy, Bình Dương đạt chất lượng thì các sân đấu như sân Vinh, sân Thanh Hóa, sân Hòa Xuân... đều không đạt chuẩn. Đó là một phần lý do mà SLNA năm 2019 có đến hàng chục ca chấn thương dài hạn như của Văn Đức, Xuân Mạnh, Văn Hùng, Tuấn Tài...

CLB SLNA hiện nay đang gặp khó khăn trong công tác y tế khi chỉ có duy nhất 1 bác sỹ kiêm săn sóc viên. Ảnh: Trung Kiên
CLB SLNA hiện nay đang gặp khó khăn trong công tác y tế khi chỉ có duy nhất 1 bác sỹ kiêm săn sóc viên. Ảnh: Trung Kiên

Không những vậy, công tác y tế của các CLB tại V.League vẫn đang ở mức bán chuyên. Đơn cử như SLNA, chỉ có duy nhất 1 bác sỹ kiêm cả nhiệm vụ của một săn sóc viên và không có bác sỹ thể lực, không có chuyên gia y tế. Như trường hợp của Phan Văn Đức, HLV Park Hang-seo đã phải tập trung cầu thủ này lên ĐTQG để đội ngũ y tế của đội tuyển có thể theo dõi và giúp cầu thủ này bình phục tốt nhất.

Trong quá khứ, không nhiều CLB tại V.League quan tâm đến việc tìm kiếm một HLV thể lực hoặc một chuyên gia thể lực. Đi đầu trong công tác này CLB TP Hồ Chí Minh. Sau bổ nhiệm cựu HLV thể lực ĐT Việt Nam Martin Forkel, CLB này mời và hợp tác với các bác sĩ trị liệu người Nhật Bản cũng như Hàn Quốc để theo dõi tình hình chấn thương của các cầu thủ.

Mới đây, CLB Nam Định đã mời HLV Mashiedee Sulaiman, người Malaysia vốn là học trò cũ của GĐKT VFF Juergen Gede về sân Thiên Trường để tham gia vào đội ngũ y tế của đội bóng này. Đây là một sự đầu tư chính đáng dù đội bóng Thành Nam cũng không mấy dư giả về mặt tài chính.

Một HLV thể lực của CLB TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CLB
Một trong số các HLV thể lực của CLB TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CLB

Trước thềm V.League 2020, CLB HAGL đã ký hợp đồng với HLV thể lực Lee Jin-Nam nhằm cải thiện nền tảng thể lực cho Tuấn Anh và các đồng đội. CLB Thanh Hóa sau khi có HLV ngoại là ông Fabio Lopez đã mang về hai chuyên gia thể lực là HLV Alen Tupajic người Serbia và Dominic Palmer từng làm việc tại đội trẻ Real Madrid.

Trước khi Duy Mạnh gặp chấn thương, CLB Hà Nội đã mời về HLV thể lực Nicolas Gandini, HLV này sẽ chịu trách nhiệm cùng với các bác sĩ của đội bóng nhanh chóng hồi phục sức khỏe của Đình Trọng, Quang Hải và các tuyển thủ của U23 Việt Nam khi về lại CLB. Tuy nhiên, việc Duy Mạnh bị đứt dây chằng cũng một phần đến từ sự không may mắn.

HLV Park Hang-seo từng tâm sự, khi ông đến với bóng đá Việt Nam, thể lực của các cầu thủ là một nghi vấn và không có ghi chép nào về thể lực, tiền sử chấn thương của các cầu thủ. Điều này buộc ông phải đo và sớm áp dụng những kỹ thuật y tế để tiện cho công tác huấn luyện, thi đấu. Cùng với đó là một đội ngũ y tế hùng hậu đến từ Hàn Quốc như bác sỹ Choi Ju-young.

Trong thời gian Văn Đức, Đình Trọng phẫu thuật xong, họ được tập trung cùng ĐTQG để các bác sỹ theo dõi chấn thương thay vì trở về CLB. Ảnh: Như Nguyễn

Theo chia sẻ của cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Mạnh Dũng: “Theo lẽ chung, các cầu thủ chấn thương vì quá tải và không may. Tuy nhiên, với quan điểm của tôi thì một điểm mấu chốt đó là sự chủ quan. Các cầu thủ thi đấu với thời gian dài và cường độ cao nên sức bền cũng như xương khớp bị bào mòn.

Chính sự tập trung và quyết tâm nên các cầu thủ thường chủ quan khi chưa gặp chấn thương, không kiểm tra tình trạng y tế về mọi mặt sau mỗi mùa giải. Từ đó, cần phải bổ sung dinh dưỡng về y tế cũng như nghỉ ngơi để điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, không có nhiều bác sỹ thể thao thực thụ để tư vấn cho các VĐV. Đó là một điều đáng tiếc và thiệt thòi”.

Phạm Xuân Mạnh lại chấn thương, lỡ hẹn V.League gần 1 tháng

Phạm Xuân Mạnh lại chấn thương, lỡ hẹn V.League gần 1 tháng

(Baonghean.vn) – Việc tái phát chấn thương cũ khiến Phạm Xuân Mạnh vắng mặt trong những buổi tập gần đây. Điều này khiến cầu thủ SLNA không kịp thi đấu trận mở màn V.League 2020 cũng như mất cơ hội sang Malaysia thi đấu vòng loại World Cup 2022.

Mới nhất
x
Cơn ác mộng 'dây chằng' và lý do cầu thủ Việt dễ dính chấn thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO