Những cựu binh còn sức còn cống hiến
(Baonghean.vn) - Ở 2 vùng quê khác nhau nhưng ông Phạm Thanh Quế và Nguyễn Quốc Huy đều từng là người lính. Trở về với cuộc sống đời thường, 2 cựu binh tiếp tục chiến đấu với “giặc nghèo” và cống hiến cho sự phát triển của quê hương.
Tấm lòng thảo thơm
Trải qua 16 năm trong quân ngũ, qua nhiều vị trí công tác, ông Phạm Thanh Quế (SN 1954), ở xóm 1, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc, được đồng đội tin yêu và cấp trên ghi nhận. Năm 1988, sau một trận ốm phải phẫu thuật dạ dày và nằm điều trị dài ngày, ông phải rời quân ngũ với chế độ bệnh binh mất sức 71%.
Ông Phạm Thanh Quế luôn đi đầu trong phong trào phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: Công Khang |
Trở về quê khi ở độ tuổi 34, dù vừa trải qua đau ốm nhưng cựu binh Phạm Thanh Quế vẫn hăng hái tham gia các phong trào của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Những kinh nghiệm tổ chức, điều hành và quản lý tích lũy được trong những năm quân ngũ giờ đây được phát huy trong việc giúp Ban Chủ nhiệm điều hành xã viên tổ chức sản xuất. Hợp tác xã giải thể, ông Quế được điều chuyển làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB xã liên tục trong 20 năm.
Một lần nữa, cựu binh Phạm Thanh Quế lại không ngừng nỗ lực học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Điều được mọi người ghi nhận trước tiên là ông Quế tự học cách sử dụng thành thạo máy vi tính để phục vụ công việc, điều này ở lứa tuổi như ông ít người làm được. Các loại văn bản, báo cáo đều do ông tự tay soạn thảo, in ấn trên máy, không phải nhờ đến sự hỗ trợ của người khác.
Ông Phạm Thanh Quế nhận giúp đỡ bà Phạm Thị Mai 100.000 đồng/tháng. Ảnh: Công Khang |
Đồng thời, ông Quế có nhiều sáng kiến trong hoạt động, mang lại hiệu quả cao cho các phong trào nên Hội CCB xã Khánh Sơn luôn được xếp loại tiên tiến xuất sắc. Trong đó phải kể đến phong trào thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Quế bớt một phần chi tiêu giúp đỡ bà Phạm Thị Mai 100.000 đồng/tháng.
Bà Mai người cùng xóm, là phụ nữ đơn thân, không chồng con, có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, ông còn nhận giúp đỡ 2 học sinh nghèo vượt khó của Trường THCS Khánh Sơn 100 mỗi tháng 100.000 đồng để mua sách, vở, đồ dùng học tập.
Thậm chí, khi được Nhà nước hỗ trợ sửa nhà cho gia đình chính sách, ông Quế đã chủ động nhường cho những gia đình khác khó khăn hơn. Tấm lòng của ông Quế đối với người nghèo cô đơn và học sinh nghèo vượt khó luôn được bà con trong xã nể phục, trở thành tấm gương để mọi người noi theo.
Ông Phạm Thanh Quế được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Công Khang |
Gia đình ông Phạm Thanh Quế còn được biết đến là điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Rời quân ngũ, về với quê hương, ông xác định bám đất, bám đồng, bám rừng để làm ăn, sản xuất.
Ông là một trong những hộ đầu tiên nhận đất phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi hàng chục con bò, dê, lợn và hàng trăm con gà, trồng hàng trăm cây chanh, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cựu binh Phạm Thanh Quế còn chủ động chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho bà con trong xóm, xã để cùng nhau phát triển đời sống, xây dựng quê hương.
Ông Phạm Thanh Quế cho biết: “Trong quá trình công tác, tôi đã được nhận nhiều danh hiệu, mới đây được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa; sắp tới được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Niềm vui lớn nhất của tôi là được thấy quê hương ngày càng khởi sắc và phát triển”.
Gương mẫu trên mọi mặt
Sinh ra và lớn lên ở xóm Trung Đền, xã Khánh Hợp (Nghi Lộc), nhập ngũ và từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Nguyễn Quốc Huy (SN 1959) được biết đến là một cựu binh năng động, dám nghĩ dám làm. Đồng thời, là một công dân mẫu mực, luôn sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Sau mấy năm chiến đấu ở Campuchia, năm 1988 ông Nguyễn Quốc Huy xuất ngũ về địa phương, là thương binh với mức thương tật 35%, bệnh binh 71%. Thời điểm ấy, cuộc sống bà con vùng ven biển còn nhiều khó khăn, người CCB ấy phải làm nhiều cách để bươn chải với cuộc sống.
Ông Nguyễn Quốc Huy được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Ảnh: Công Khang |
Với suy nghĩ là một người lính trận không thể đầu hàng “giặc nghèo”, ông đã thầu 7.500 m2 đất để nuôi trồng thủy sản, quyết định làm giàu trên mảnh đất quê hương. Việc nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là đầm tôm ngày càng hiệu quả, cho sản lượng và nguồn thu nhập cao, tạo điều kiện cho gia đình mở rộng quy mô nuôi trồng, sản xuất.
Khi hoạt các động kinh doanh du lịch ở phố biển Cửa Lò bắt đầu phát triển mạnh, cựu binh Nguyễn Quốc Huy mở nhà hàng kinh doanh hải sản phục vụ khách du lịch. Nhờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, giá cả hợp lý nên cơ sở kinh doanh của gia đình khẳng định được uy tín và thương hiệu, khách tìm đến ngày càng đông.
Ông Nguyễn Quốc Huy (trái) chụp ảnh cùng Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: NVCC |
Bình thường, nhà hàng của ông Huy giải quyết việc làm cho 10 - 18 lao động với mức lương từ 5 - 20 triệu đồng tháng, bao ăn, ở và có quà thưởng vào dịp lễ, tết. Mỗi năm doanh thu từ 6 – 8 tỷ đồng, các khoản thuế, phí cho Nhà nước và địa phương gia đình chi trả đầy đủ, đúng hạn, được cơ quan thuế khen ngợi. Mô hình kinh doanh của gia đình ông Huy được nhiều ở địa phương học hỏi và đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao.
Có điều kiện về kinh tế, vợ chồng cựu binh Nguyễn Quốc Huy đã chăm sóc tốt hơn cho bố mẹ già (bố 100 tuổi, mẹ 93 tuổi) chu đáo, tận tình, được đánh giá là người con hiếu thảo. Ngoài ra, dành nhiều kinh phí để ủng hộ địa phương xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nông thôn mới, đầu tư hệ thống đèn đường, trồng hoa, cây cảnh và mua sắm thiết bị truyền thanh.
Ông Nguyễn Quốc Huy (người đội mũ, đứng hàng sau) được xem là người con hiếu thảo, phụng dưỡng bố mẹ già chu đáo, tận tình. Ảnh: Công Khang |
Mỗi khi chi hội Phụ nữ, Người cao tuổi, Nông dân và Đoàn Thanh niên tổ chức phong trào, ông Huy sẵn sàng ủng hộ hàng triệu đồng làm kinh phí hoạt động. Ông còn lập tài khoản Facebook cho xóm Trung Đền và là một “phóng viên” đi đầu trên mặt trận tuyên truyền, cổ vũ nhân dân làm ăn, sản xuất và giữ gìn an ninh trật tự. Cũng như ông Quế, ông Nguyễn Quốc Huy vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Cựu binh Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: “Tôi luôn nể phục Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quốc Thước, một người cùng họ, cùng quê. Tôi luôn ghi nhớ và thực hiện lời ông từng dặn là còn sức khỏe, trí tuệ là còn làm việc và cống hiến cho quê hương. Hiện tôi vẫn còn giữ bức ảnh chụp cùng ông tại Đại hội Hội CCB tỉnh hàng chục năm trước”./.