Xã hội

Cựu binh Nghệ An và chuyện suýt 'bắt sống' máy bay Mỹ trên đỉnh Cô Pung

Vũ Toàn 29/04/2025 14:57

Cựu binh Nguyễn Hồng Thắng (78 tuổi), hiền khô như bao lão nông ở làng quê. Nhưng hồi ức chiến trường trước năm 1975 của ông khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Người vợ của ông ngồi nghe đã rơi những giọt nước mắt vì hồi hộp, lo lắng, cảm động khi biết người chồng gầy nhỏ của mình lăn lộn trong bom đạn chiến trường, nhất là trận đánh cùng đồng đội suýt “bắt sống” 1 máy bay trực thăng của địch.

Bắn cháy 2 máy bay trực thăng địch trong hơn 1 giờ

Ngày 6/4/2025, chúng tôi tìm đến nhà cựu binh Nguyễn Hồng Thắng ở xóm Hồng Thái, xã Thông Tân, huyện Hưng Nguyên, để nghe ông kể lại những chiến tích chiến trường hồi ở chiến trường B, miền Tây Thừa Thiên Huế.

Những chi tiết nối dài trong từng trận đánh vẫn còn như mới nguyên trong ký ức đời lính trận của ông Thắng. Ông kể: “Ngày 15/7/1970, Tổ Đặc công trinh sát 3 người do tôi làm mũi trưởng (tương đương Tiểu đội trưởng) thuộc Đại đội Đặc công trinh sát C20 (C20), Sư đoàn 324 đang rời đồng bằng về hậu cứ. Khi về đến đỉnh cao Cô Pung, bình độ 1.440m (miền Tây huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thấy có hầm chữ A, cả mũi ghé vào mở cơm vắt ăn trưa. Giữa chừng bữa cơm không bát và không đũa, chúng tôi nghe tiếng máy bay trực thăng quần thảo liên tục trên đầu. Nghĩ địch bay thăm dò, nhưng ngay sau đó thấy chúng đổ bộ. Do khoảng cách chỉ 20m nên chúng tôi thấy toàn lính Mỹ, số lượng 1 trung đội”.

1-ong-nhthang-.jpg
Cựu binh Nguyễn Hồng Thắng kể chuyện chiến trường, người vợ ngồi nghe, bùi ngùi cảm động.

Tổ Đặc công trinh sát đoán địch sẽ mở trận càn khu vực này hòng chặn đường chi viện của ta từ động Chè trên đường 14 xuống vùng giáp ranh. Mũi trưởng Thắng đang cố nuốt hết miếng cơm khô khốc cuối cùng thì địch đổ quân lần thứ hai. Lần này là chiếc trực thăng mang ký hiệu HU1A thuộc Sư đoàn Dù 101 của Mỹ. “Biết tổ chỉ có 3 tay súng AK47 báng gấp, nhưng ở thế chủ động nên chúng tôi có thể nổ súng bất ngờ để tiêu diệt máy bay”, mũi trưởng Thắng nói. Ngay sau đó, anh và 2 bạn lính Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Thu ra khỏi miệng hầm, đồng loạt nổ súng. Chiếc máy bay HU1A bốc cháy tại chỗ. Lính Mỹ nhảy hết xuống 1 hố bom ngay cạnh bãi đáp máy bay. Lúc ấy là 10h15' cùng ngày.

- Vì sao lại có hố bom ở đây? Chúng tôi ngạc nhiên hỏi. Cựu binh Thắng giải thích:

- Trước khi đưa chiến xa (xe tăng) lên đỉnh rừng hay đổ quân một vùng đồi nào đó, địch dùng máy bay ném bom tấn xuống. Sau khi bom cày xới nát đỉnh đồi, địch dùng máy ủi san sạch vùng đồi nhằm phát quang rừng, tránh bị quân giải phóng mai phục gần.

Nhưng cuộc “đụng độ” máy bay địch chưa dừng ở đây. Cựu binh Thắng kể tiếp một cuộc “đụng độ” xảy ra sau 55 phút hôm đó với chiếc máy bay “cán gáo” của Mỹ (OH 6 Cayuse-loại máy bay này có tính năng rất đặc biệt. Khi đang bay nó có thể dừng lại rồi đột ngột “nâng” thẳng lên. Nó có thể bay thấp, luồn lách các địa hình rừng núi). “Lúc 11h10' ngày hôm đó, đỉnh Cô Pung đang khét mùi xác máy bay HU1A thì 1 chiếc “cán gáo” xuất hiện, bay rà sát khu vực đổ quân, “nã” 12 ly 7 liên tục. Khi nó liệng qua miệng hầm chữ A, Tổ Đặc công trinh sát thấy “bở ăn” nên kê súng vào thân cây bắn ngay. Chiếc “cán gáo” rơi tại chỗ. Địch hoảng loạn rút lui. Tôi kiểm tra mới biết mỗi người bắn hết 3 băng đạn, chỉ còn 1 băng trong súng, nên chỉ đạo anh em bò qua tầm khuất yên ngựa đèo Cô Pung rút về. Trận đánh chớp nhoáng và thắng lớn đó được sư đoàn đánh giá cao và tặng Tổ Trinh sát 3 Huân chương Chiến công hạng Ba”, cựu binh Thắng nhớ lại.

Suýt “bắt sống” 1 máy bay trực thăng

Kể đến đây, cựu binh Thắng nhớ đêm 15/7 đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: “Tổ Trinh sát Thắng-Minh-Thu nhanh như sóc, mạnh như hổ”. Bản tin kể chuyện hùng hồn khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ ở đồng bằng về gặp địch đổ bộ, Tổ Trinh sát phá tan cuộc đổ bộ bằng cách bắn cháy 2 máy bay trực thăng trong vòng hơn 1 giờ. Cựu binh Thắng đưa ra một bình luận đậm không khí chiến trường: “Trận đó, mình không phải là phía chủ động. Mình bị bất ngờ chứ. Nhưng người lính chiến trận thấy địch là đánh. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh mà. Đấy là dũng khí của người lính trận khi gặp địch”.

anh.jpg
Máy bay trực thăng Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Ảnh tư liệu

Tháng 4/1973, mũi trưởng Thắng trở thành Đại đội trưởng C20. Dịp đó, bằng nghiệp vụ thông tin vô tuyến từ máy PRC 25 của bộ phận trinh sát kỹ thuật, Trung đội trưởng Hồ Thế Luận phát hiện 1 toán biệt kích đang hoạt động ở 1 đồi cỏ tranh, bình độ 500m trong rừng thuộc địa bàn huyện Phong Điền (miền Tây Thừa Thiên Huế). Được lệnh của Sư đoàn, Trưởng Ban 2 đặc công trinh sát Lê Huy Mai trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đội trưởng Thắng chỉ huy 1 mũi gồm 10 lính đặc công trinh sát tinh chọn để tập kích, bắt sống toán biệt kích này.

Đại đội trưởng Thắng chia mũi làm 2 tổ. Tổ 1, Đại đội trưởng Thắng chỉ huy. Tổ 2, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Minh chỉ huy. Ngày 6/4/1973, 2 tổ lần theo những dấu giày địch để tìm kiếm tung tích. Lúc 20h, Tổ 2 phát hiện 6 biệt kích đang ngủ trên đồi tranh, 1 lính đứng gác vòng ngoài. Cả 2 mũi quyết định tiền nhập đồi tranh, áp sát vị trí toán biệt kích và hô: “Xung phong”! “Hàng thì sống. Chống thì chết”. Toán biệt kích đang ngủ, không một mảy may chống cự. Riêng tên lính gác thoát thân.

Sau khi giải tù binh về khai thác, Sư đoàn sử dụng kế “dùng địch đánh địch”. Nghĩa là, chọn 5 trinh sát lão luyện, đóng giả biệt kích vừa bị bắt, mặc quần áo rằn ri, mang súng AR15 (súng tiểu liên cực nhanh của Mỹ) mai phục trên cao điểm 500 để khi toán biệt kích “gọi trực thăng đến cứu mạng” thì 5 trinh sát xông lên máy bay, áp đảo lính trong máy bay và điều khiển người lái theo ý đồ của Sư đoàn.

Mũi trinh sát do Đại đội trưởng Thắng chỉ huy chuẩn bị trận địa giả, bãi đáp giả xong thì Ban 2 và Sư đoàn sợ không an toàn nên điều Đại đội 37 bộ binh và đơn vị pháo 12 ly 7 hỗ trợ. Quá trình điều động làm chậm mất thời gian theo kế hoạch đã mặc định. Trong lúc đó, tên biệt kích sống sót đã dùng gương phản chiếu “bắt” liên lạc với trực thăng địch và trực thăng dùng thang dây thả xuống cứu thoát. Vụ dùng mưu bại lộ. Mũi trinh sát của Đại đội trưởng Thắng rút chưa đầy cây số thì bãi đáp trên cao điểm 500 bị bom đạn địch cày tung.

25 năm trải cuộc mưu sinh

Sau Chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử, Đại đội trưởng Thắng làm Chủ nhiệm trinh sát Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Năm 1977, anh mang quân hàm Thượng úy, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Năm 1981, anh là Chủ nhiệm trinh sát Sư đoàn 336 tại Trung Lào. Năm 1983, người lính suýt “bắt sống” trực thăng địch trở thành cựu binh.

Anh nhớ lại những tình cảnh cảm động: “Thời đó đất nước đang khó khăn lắm. Vợ chạy ăn từng bữa. Có bữa không đủ gạo nên đành nấu nồi cháo hoa để dễ chia cho các con. Mình vừa chữa xe đạp, vừa tranh thủ đi buôn sắn tận trong Ga Kim Lũ, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Mãi đến năm 1995 mới đỡ. Một gian nhà tre được cơi nới thay bằng 2 gian nhà gỗ xoan đâu. Bây giờ, lần thứ ba sửa chữa mới có ngôi nhà cấp 4, tường xây vững chắc rồi”.

Bà Lê Thị Thanh, vợ ông Thắng ngồi lắng nghe chồng kể những trận đánh cách đây hơn 50 năm ở chiến trường, không khỏi bàng hoàng. Bà chợt hỏi: “Khi đã là đại đội trưởng mà còn trực tiếp dẫn từng mũi đi đánh như khi làm mũi trưởng à?”. Cựu binh Thắng nhìn vợ, nở nụ cười lành hiền: “Trong chiến trường, thủ trưởng không có nghĩa là ở nhà hoặc ở trong hầm chỉ huy. Trận đánh nào quan trọng nhất, căng thẳng nhất thì rất cần đến người dạn dày kinh nghiệm. Thủ trưởng đơn vị vào trận là vì thế”.

Chi tiết này càng khiến người vợ cựu binh bàng hoàng. Bà quay mặt, đưa tay gạt những giọt nước mắt, xúc động nói: “Vợ chồng đầu bạc răng long mà giờ chú nhà báo hỏi chuyện, tôi mới được nghe chồng kể lại. May mà chồng còn sống để trở về chứ nếu hồi đó mà hy sinh thì!… Lương ít cũng được. Cuộc sống khó khăn đến mấy, gia đình tôi cũng đã vượt qua. Con cái đã trưởng thành hết rồi. Nhìn ông gầy guộc, tôi cứ thương”.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cựu binh Nghệ An và chuyện suýt 'bắt sống' máy bay Mỹ trên đỉnh Cô Pung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO