Con Cuông: Dân khổ vì cầu đường chậm tiến độ

03/10/2012 18:43

(Baonghean.vn) -Đợt lũ đầu tháng 9/2012 đã qua nhưng hậu quả về giao thông các huyện miền núi trong đó có Con Cuông vẫn trăm bề ngổn ngang. Tại nhiều nơi, đường sá sạt lở, cầu cống bị cuốn trôi khiến việc đi lại của bà con vô vàn khó khăn.

Đoạn sông Giăng chạy qua bản Nam Sơn (Môn Sơn, Con Cuông) sau mỗi trận lũ đi qua lại biến thành... bến đò. Bắc qua quãng sông rộng chừng 20m này là một chiếc cầu tạm do chính những người dân sở tại bỏ công sức và vật liệu làm để thu tiền khách qua đường. Còn người dân và học sinh ở các bản trên tuyến đường này phải nộp tiền theo từng tháng. Có 4 bản gồm Nam Sơn, Thái Hòa, Tân Hòa và Làng Yên muốn về trung tâm xã hay đi ra huyện chỉ có con đường độc đạo là qua cây cầu tạm này. Tuy nhiên, khi mỗi cơn lũ đi qua, cầu tạm bị cuốn phăng, người dân chỉ còn cách lội qua sông để về huyện hay ra chợ. Vì thế, sau mưa lũ, muốn qua khúc sông này phải dùng dò. Bến đò tự phát tồn tại cho đến khi có người bỏ tiền ra làm cầu để tiếp tục thu phí.

Chủ đò hiện tại - ông Hà Văn Luận, cho biết: mức phí thu đối với từng đối tượng cũng khác nhau. Học sinh đi học (cả đi lẫn về) phải trả 2.000đ mỗi em. Người lớn 5.000đ/người/lượt. Những người được cho là đang “ăn lương nhà nước” như chúng tôi phải trả 10.000đ/lượt. Ông Luận phân trần: đó là phí mua xăng, thời buổi giá cả leo thang nên phải thu mức phí như thế. Tuy nhiên, mức giá này không được niêm yết tại bến đò và hành khách qua lại cũng không được trang bị áo phao, mặc dù phòng Công Thương huyện Con Cuông cho biết có trang bị áo phao cho bến đò tạm này và yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết đảm bảo an toàn cho hành khách.



Bến đò tự phát tại bản Nam Sơn (Môn Sơn - Con Cuông)

Còn chủ tịch UBND xã Môn Sơn - bà Ngân Thị Hà cho biết: bến đò này đúng ra không được phép hoạt động vì không được cấp phép mở bến. Tuy việc chính quyền cấp áo phao, hỗ trợ tiền mua dây cáp cho chủ đò vì mục đích đảm bảo an toàn cho hành khách qua lại, đây vô tình thành động thái “cho phép” bến đò này hoạt động.

Người dân trong các bản thường xuyên phải qua lại khúc sông này chỉ có thể không đi đò này khi chiếc cầu treo vượt sông Giăng cách đó gần 200m hoàn thành và đưa và sử dụng. Tuy nhiên, như tìm hiểu của chúng tôi thì tiến độ thi công cầu vẫn chậm rì. Mới đây, đã phải thay dây cáp mới do bên thi công đo đạc không chính xác dây cáp quá ngắn không thể lắp đặt. Bởi vậy, vì cầu chưa hoàn thành nên người dân vẫn phải đi con đò này, mặc dù chính quyền chưa cấp phép, còn chủ đò thì thu phí tùy tiện !

Chuyện bến đò ở bản Nam Sơn nêu trên chỉ là một ví dụ điển hình cho tình trạng giao thông trên địa bàn các huyện vùng cao, hễ lũ về lại sạt lở, cầu cống lại bị cuốn trôi. Những chiếc cầu tạm lại được một số người dân làm ra để thu tiền khách đi đường.

Tương tự, để tránh một quãng đường lầy, người dân từ xã Thạch Ngàn đi ra trung tâm phải qua một chiếc cầu do người dân làm bằng tre nứa tại xóm 7, xã Thành Sơn, Anh Sơn, cứ mỗi lượt khách đi qua phải trả phí 2.000đ.

Khu tái định cư cho 35 hộ Đan Lai tại bản Kẻ Tắt (Thạch Ngàn, Con Cuông) hiện đang bộn bề dang dở. Nhà sàn được xây bằng bê tông chỉ mới dựng xong phần khung, chưa hề có phên vách, mái lợp, các công trình dân sinh như trạm xá, trường học, nước tự chảy đều chưa hoàn thiện. Đặc biệt, tuyến đường vào khu tái định cư được chính quyền địa phương đặt nhiều kỳ vọng này cũng đang xuống cấp, mặc chưa có hộ dan Đan Lai nào chuyển đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Ngọc Quỳnh tỏ rõ quyết tâm sẽ hoàn thiện mọi hạng mục của khu tái định cư này, trong đó có đường giao thông để đông bào Đan Lai có thể đón tết Quý Tỵ trên khu dân cư mới tại bản Kẻ Tắt.

Cũng chính vì sự chậm trễ trong thi công mà từ nhiều năm nay, người dân các xã Thạch Ngàn, Bình Chuẩn (Con Cuông) vẫn mỏi mắt chờ những con đường mới để không phải đi quãng đường dài gấp 2 -3 lần lên trung tâm huyện.

Một thực tế mà báo chí cũng đã nhắc đến rất nhiều: Sự chậm trễ trong thi công tuyến đường từ Thị trấn Con Cuông đi Đôn Phục, Bình Chuẩn chậm trễ nên từ nhiều năm nay, mỗi khi muốn về trung tâm huyện người dân Bình Chuẩn phải đi quãng đường trên 100 km qua Xiêng My, Nga My, Yên Hòa, Yên Thắng, Tam Quang của Tương Dương để ra QL7. Trong khi nếu đi qua Đôn Phục, Mậu Đức chỉ khoảng 40km. Tuy nhiên, nếu đi trên tuyến đường đang thi công dang dở này chỉ có một cách là cuốc bộ. Vào những ngày mưa lũ về một số làng bản trên tuyến đường này như Hồng Thắng, Hồng Điện xã Đôn Phục còn bị cô lập hoàn toàn.


X. Hoàng – H. Vi

Mới nhất
x
Con Cuông: Dân khổ vì cầu đường chậm tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO