Con Cuông: Hướng tới nông nghiệp hàng hóa bền vững

19/07/2015 13:28

(Baonghean) - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, trên lĩnh vực nông nghiệp, Con Cuông xác định: “Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý trên một đơn vị diện tích, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, thế mạnh của huyện”.

Nhờ định hướng cụ thể này mà trên địa bàn huyện đã xác định phát triển một số loại cây trồng tập trung quy mô lớn, khẳng định giá trị kinh tế hàng hóa cao. Trước hết đó là cây cam, một trong những cây đặc sản đã từng nức tiếng thơm ngon mang thương hiệu cam Con Cuông. Để khôi phục thương hiệu loại cây đặc sản này, huyện đã sớm xây dựng và thực hiện Đề án “Khôi phục cây cam giai đoạn 2004 - 2015”, theo đó, diện tích cam hiện có trên địa bàn huyện 145 ha, trong đó có 41 ha kinh doanh, cho sản lượng đạt 618 tấn. Chỉ chừng ấy sản lượng mà cây cam Con Cuông sau khi được khôi phục theo đề án đã thực sự lan tỏa bởi chất lượng sản phẩm đặc trưng và cũng nhờ giá trị thu được từ việc trồng cam rất cao (mỗi ha cam trong giai đoạn kinh doanh cho doanh thu từ 500 - 800 triệu đồng) nên cây cam Con Cuông cũng vì thế đã tạo ra sự hấp dẫn đối với người dân vùng quy hoạch đề án.

Men theo triền đồi thoai thoải vào khe Huồi Nọi, làng Pha, xã Yên Khê, những vùng đất cằn trơ cỏ mấy năm trước, bây giờ cơ bản đã được thay thế bằng những lô cam mới trồng được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Thăm vườn cam của ông Nguyễn Đình Cung vào những ngày nắng hạn gay gắt, ấy vậy mà 2 ha cam vẫn xanh tốt, xoay gốc, tạo tán rất đẹp. Từ một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, ông Cung đã liên kết với ông Thái Bá Trung, thuê đất 15 năm của gia đình ông Lương Văn Sáng để trồng giống cam Xã Đoài. Người góp công, người góp của, chỉ một thời gian ngắn 650 gốc cam vụ bói đầu tiên đã cho quả, 150 gốc 1 năm tuổi đã xanh tốt, tổng số tiền 2 ông chung nhau đầu tư trên 400 triệu đồng. Nhìn vườn cam xanh tốt, đầy hứa hẹn, ông Cung cho biết: Đây là đất rất phù hợp với cây cam nên chúng tôi đã góp vốn chung nhau trồng. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc theo quy định kỹ thuật nên hầu hết các gốc cam đều phát triển đạt yêu cầu.

Mô hình trồng ớt cay xuất khẩu ở tại xã Lục Dạ (Con Cuông).
Mô hình trồng ớt cay xuất khẩu ở tại xã Lục Dạ (Con Cuông).

Câu chuyện về cây cam cho hiệu quả kinh tế cao trên đất khó vùng Truông Cồng ngay từ vụ quả bói đầu tiên đã khiến Bí thư Chi bộ làng Pha, ông Tăng Ngọc Sơn say sưa mãi. Trên diện tích 1,4 ha, ông Sơn trồng 1 ha (500 gốc cam Vân Du), diện tích còn lại trồng cam V2, do trồng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam phát triển tốt, vụ thu hoạch quả bói đầu tiên từ cam Vân Du doanh thu 330 triệu đồng. Ông Sơn khẳng định: Trên vùng đất này cây cam đã khẳng định hiệu quả nên chúng tôi rất yên tâm khi đầu tư. Chi bộ cũng vận động nhân dân tùy từng điều kiện cụ thể để áp dụng phương thức liên kết hay trồng độc lập. Nhờ có sự vận động của chi bộ mà hiện tại làng Pha đã có 22 hộ tham gia trồng cam trên diện tích 50 ha (trong đó có 20 ha theo mô hình liên kết). Mong nuốn của các hộ trồng cam ở đây là được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống điện đảm bảo công tác bơm tưới, dịch vụ thuốc BVTV an toàn cho vùng cam.

Linh hoạt trong triển khai thực hiện các phương thức làm ăn hiệu quả trên cơ sở địa phương có điều kiện lợi thế không những có hiệu quả với mô hình liên kết trồng cam, mà cả mô hình hỗ trợ nuôi lợn thịt như tại xã Thạch Ngàn. Nhóm những ông chủ trang trại chăn nuôi trẻ bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn, gồm Nguyễn Đình Hải, Lô Văn Sơn... đã liên kết với nhau trên cơ sở hỗ trợ nhau kinh nghiệm về con giống, cách thức nuôi, tìm nguồn thức ăn tận gốc và kiến nghị chính quyền địa phương thành lập hợp tác xã chăn nuôi lợn siêu nạc đảm bảo sự phát triển bền vững. Trang trại của anh Nguyễn Đình Hải nuôi 17 con lợn giống sinh sản, toàn bộ lợn sinh sản chuyển qua nuôi lợn thịt mỗi năm xuất chuồng hơn 20 tấn lợn thịt, thu lãi trên 150 triệu đồng.

Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của anh Lô Văn Sơn thì quy mô ít hơn mới chỉ 40 con lợn thịt nhưng điều kiện lợi thế mặt bằng thoáng rộng nên anh đã có ý tưởng mở rộng trang trại, nâng quy mô. Anh Lô Văn Sơn cho biết: “Nhờ có sự giúp đỡ của các thành viên trong tổ nên tôi tự tin đầu tư, xây dựng trang trại. Những kinh nghiệm từ thực tế đó đã giúp tôi thành công với hơn 10 lứa nuôi đều an toàn, cho hiệu quả cao. Dự kiến đầu năm tới tôi sẽ san đồi mở rộng quy mô trang trại”. Hiện nay, Thạch Ngàn đã có 20 hộ thực hiện liên kết trong chăn nuôi. Xã định hướng thành lập các tổ trang trại, các câu lạc bộ trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu trong chăn nuôi như: công tác thú y, đảm bảo nguồn cung thức ăn, tiêu thụ con giống và tiêu thụ lợn thương phẩm.

Ngoài thực hiện phương thức hỗ trợ nhau trong chăn nuôi bằng cách thành lập tổ chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi thì cũng ở Thạch Ngàn cũng đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp trồng rừng cũng đã khẳng định hiệu quả, để nhân rộng. Trưởng bản Kẻ Gia, ông Vi Văn Hai đã mở một con đường gần 2 km xuyên sâu vào vùng đất trang trại của mình với diện tích hơn 10 ha, đầu tư nuôi 5 con trâu, bò, 80 con lợn, 30 con dê, hơn 500 con gia cầm, đào ao thả cá với diện tích hơn 2.000 m2 và bao phủ lên vùng quy hoạch khu chăn nuôi đó là rừng nguyên liệu cây keo lai bạt ngàn xanh tốt. Năm 2014, trang trại của ông Hai được cấp chứng chỉ trang trại. Ông Vi Văn Hai tâm sự: Mục đích mở đất làm kinh tế trang trại của tôi là thử làm mẫu xem hiệu quả kinh tế mức độ nào, từ đó có mô hình để bà con trong bản học tập làm theo. Từ kết quả ban đầu này đã khẳng định mỗi khi có đất đai nếu áp dụng phương pháp phù hợp, có quyết tâm thì sẽ làm giàu được trên quê hương mình.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã Thạch Ngàn, một trong những xã rất khó khăn của huyện Con Cuông, cũng đã tiếp tục xác định rất rõ “3 mũi” chủ lực để khai thác tối đa điều kiện tự nhiện, lợi thế để phát triển: phát triển vùng nguyên liệu cho các loại cây công nghiệp như mía, chè; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại tổng hợp và phát triển kinh tế rừng. Từ định hướng rất rõ này, không chỉ có liên kết trong chăn nuôi lợn mà đã xuất hiện nhiều mô hình, những cách làm hay, sáng tạo, táo bạo để vươn lên, làm giàu từ chính vùng đất này.

Để phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, ngoài những định hướng mang tính chất chung nhất thì huyện Con Cuông đã chỉ đạo trực tiếp các bộ phận liên quan tăng khả năng hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình phát triển sản xuất: Trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế từng xã, từng vùng; Ban Phát triển nông thôn miền núi nguồn lực từ Chương trình 135/CP tham mưu tập huấn, hỗ trợ giống cây, con đã được khẳng định hiệu quả và phương tiện công cụ sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế; hay Ngân hàng CSXH vào cuộc cho vay vùng trồng cam và phối hợp lồng ghép các dự án để bố trí nguồn vốn hợp lý...

Đồng chí Hồ Đăng Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Trên cơ sở quy hoạch cụ thể cho từng loại cây, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới, chất lượng cao vào sản xuất; mở rộng diện tích lúa, ngô, các loại cây nguyên liệu, cây ăn quả và thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, trong đó tập trung nâng cao chất lượng các con chủ lực như trâu, bò, lợn; chăn nuôi các loại con đặc sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương. Để từ đó hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn.

Hưng Châu

Mới nhất

x
Con Cuông: Hướng tới nông nghiệp hàng hóa bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO