Con đường đến ước mơ

24/08/2012 15:31

Tạm biệt những cánh diều bay suốt triền đê gió lộng, tạm biệt những ô ruộng muối lấp lóa trong nắng chói, tạm biệt những bãi cát dài, những đỉnh núi cao vợi trong niềm vui khám phá, tạm biệt những dòng sông, những con khe lặn lội trưa hè, mùi rơm thơm cánh đồng, gùi cỏ ấm trên lưng... Con đường quen thuộc vẫn đi, bỗng một hôm thấy lạ. Tiếng trống trường đã gọi cho những niềm vui, những lo toan mới. Nó làm cho trái tim mỗi cô cậu học trò, dẫu non nớt mấy cũng mơ hồ cảm thấy những xúc động thiêng liêng!

(Baonghean) Tạm biệt những cánh diều bay suốt triền đê gió lộng, tạm biệt những ô ruộng muối lấp lóa trong nắng chói, tạm biệt những bãi cát dài, những đỉnh núi cao vợi trong niềm vui khám phá, tạm biệt những dòng sông, những con khe lặn lội trưa hè, mùi rơm thơm cánh đồng, gùi cỏ ấm trên lưng... Con đường quen thuộc vẫn đi, bỗng một hôm thấy lạ. Tiếng trống trường đã gọi cho những niềm vui, những lo toan mới. Nó làm cho trái tim mỗi cô cậu học trò, dẫu non nớt mấy cũng mơ hồ cảm thấy những xúc động thiêng liêng!

Điều thiêng liêng ấy, không dễ gọi tên. Không chỉ bởi một sự khởi đầu, một mốc đánh dấu những trưởng thành mà dường như sâu xa hơn thế, có ở trong lời ru của bao nhiêu bà mẹ xứ Nghệ, rằng: "Con ơi mẹ dặn con này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền..."



Từ bao đời nay, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã góp phần tạo nên hình vóc một xứ Nghệ. Chưa bao giờ, tinh thần hiếu học ấy bị mai một, ngay cả trong khó khăn, gian khổ nhất. Dù có "sáng khoai, trưa khoai, tối khoai" thì chúng ta vẫn có những ông Cống, ông Nghè. Tiếng đọc bài, những trang sách vẫn được mở ra cả dưới hào tối, trong tiếng rít của đạn bom, trong những lớp học sơ tán heo hút thời chiến tranh.

Những ngày này, học sinh toàn tỉnh đang náo nức bước vào một năm học mới với khí thế phấn chấn: Tỉnh nhà nằm trong tốp đầu cả nước có học sinh đạt giải quốc gia và học sinh đỗ đại học với điểm số cao. Nhưng vẫn còn đó không ít trở trăn: Những chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền; cơ sở vật chất trường lớp học, đặc biệt ở vùng sâu còn muôn vàn khó khăn...

Vẫn còn đó cảnh học trò vùng lũ, đôi tay lấm bùn bới tìm từng cuốn vở nhòe mực sau cơn lũ dữ tràn qua. Vẫn còn đó những mái trường lở lói, xác xơ, đến ngày mưa cả thầy và trò phải ngồi túm lại một góc tránh dột. Vẫn còn đó bao thôn bản không có nổi một mái trường mầm non cho trẻ. Đầu năm học mới, nhiều phụ huynh vùng xa lại đến điểm trường dựng lán tạm cho con. Nhiều thầy cô giáo lại lặn lội với hành trình băng rừng, vượt suối đi "gieo chữ" nơi bản lưng mây hay cuối đại ngàn.

Có điều gì xa xót mà cũng đẹp đẽ vô cùng trước hình ảnh những con người ấy, bên ngọn đèn dầu, giữa bức vách lặng thinh, giữa bủa vây của nỗi nhớ, nỗi buồn nhưng tình yêu, sự hy sinh đã giúp họ ở lại sẻ chia với đồng bào vùng gian khó. Và học trò của họ, trong ngày khai trường, có thể không có áo trắng, khăn đỏ rực rỡ, vẫn là những tâm hồn tinh khôi, những ánh mắt đợi trông, khao khát. Bữa cơm đạm bạc được sẻ chia trong từng lán tạm, ríu rít kết bè vượt sông tới trường, những đôi chân mỏng manh bấm chặt trên những dốc núi trơn trượt... Con đường đến với cái chữ còn lắm những gập ghềnh, gian nan. Nhưng trên con đường đó, những giấc mơ đã hình thành, được chắp cánh...

Trong nhiều bác sỹ, kỹ sư, nhà văn, nhà khoa học danh giá hôm nay, có bao nhiêu người đã từng đi trên những con đường như vậy?!


Nghệ An cuối tuần

Mới nhất
x
Con đường đến ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO